Khác hẳn thói quen lạc hậu cũ
Toàn xã Tam Bố, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng có 4 thôn: 2 thôn người Kinh và 2 thôn chủ yếu gồm các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, nguồn vốn chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã đến đúng lúc, đúng người, góp phần vào việc thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội, cũng góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới của xã Tam Bố.
Trong tổng dư nợ của xã Tam Bố đến ngày 7/8/2018 là gần 13,5 tỉ đồng với 9 chương trình tín dụng chính sách và 634 hộ vay vốn, không có hộ nào nợ quá hạn, thì riêng cho vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường (NSVSMT) là hơn 3,2 tỉ đồng cho 271 hộ vay. Từ nguồn vốn ấy, với 545 công trình vệ sinh và nước sạch được xây dựng, giúp bảo vệ sức khỏe người dân, thúc đẩy tiến trình xã hội hóa thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần hạn chế các loại dịch bệnh gây ô nhiễm môi trường, giải quyết tình trạng khan hiếm nước sạch sinh hoạt trên địa bàn xã.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Phạm Khánh Bảo – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Bố, cũng là người phụ trách công tác giảm nghèo ở xã – lại không chút ngập ngừng khi khẳng định, chương trình tín dụng chính sách mà ông ấn tượng nhất chính là chương trình cho vay NSVSMT nông thôn. “Địa phương từ lâu đã có dự án nước sạch của Nhà nước để bà con được sử dụng nước sạch, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đa số bà con 2 thôn dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch rồi, nhưng trước đây không có bể chứa nên cứ để nước chảy suốt ngày, vừa lãng phí nước lại thiếu sự chủ động. Điều này từng khiến chính quyền địa phương trăn trở suốt bao năm, không khác gì với trăn trở trước khi chưa có dự án nước sạch”.
Và mối băn khoăn bao năm ấy đã được tháo gỡ bởi quyết định triển khai cho vay vốn chính sách chương trình NSVSMT nông thôn. “Có vốn, cũng là có lực đẩy, người dân đã xây các công trình dự trữ nước sạch, xây các công trình vệ sinh phù hợp, có nước dùng chủ động, cũng đỡ ô nhiễm môi trường” – ông Bảo cho biết. Với chương trình tín dụng cho NSVSMT, ông Bảo nhận thấy, sự kết hợp giữa vốn chính sách cho từng hộ dân với dự án tập trung của địa phương có thể mang lại hiệu quả rõ rệt thế nào. “Có nước sạch, có nhà vệ sinh, chất lượng cuộc sống của bà con các thôn dân tộc thiểu số của Tam Bố thay đổi không ít, khác hẳn với thói quen lạc hậu cũ” – ông Bảo nói.
Đời sống được cải thiện, ý thức cũng thay đổi
Chương trình cho vay NSVSMT nông thôn nhằm giúp các hộ gia đình ở khu vực nông thôn vay vốn để đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước sạch, các công trình vệ sinh, bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về NSVSMT nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Theo số liệu của NHCSXH – đơn vị đang thực hiện giải ngân chương trình tín dụng NSVSMT nông thôn, sau 14 năm thực hiện, đến nay tổng dư nợ chương trình đạt 28.961 tỷ đồng với hơn 2,7 triệu hộ còn dư nợ. Doanh số cho vay lũy kế đến nay đạt trên 55 nghìn tỷ đồng với hơn 6,3 triệu hộ được vay vốn. Nguồn vốn giúp xây dựng trên 11 triệu công trình nước sạch và công trình vệ sinh.
Về mặt kinh tế, việc vay vốn để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các mô hình cấp nước sạch như khoan giếng, xây bể lọc nước, lu chứa nước ... đã giúp cho các hộ gia đình trên toàn quốc được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, giảm bớt khó khăn hàng ngày bà con phải đi lấy nước rất xa khu dân cư, nhất là các hộ dân, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi. Nhiều nơi nhất là vùng cao, vùng hạn hán nặng, vùng bị nhiễm phèn chua mặn... người dân nông thôn vẫn phải mua nước phục vụ sinh hoạt với giá rất cao, có khi chiếm tới 30% tổng mức thu nhập của cả gia đình trong một năm. Do đó, việc thực hiện Chương trình sẽ giúp các hộ gia đình ở các khu vực khó khăn về nước, giảm chi phí cho việc mua nước và từ đó sẽ có điều kiện đầu tư cho phát triển kinh tế.
Mô hình tự sản xuất phân hữu cơ sinh học, chất đốt từ dịch thải hầm Biogaz được thực hiện ở nhiều địa phương đã giúp giảm đáng kể chi phí về phân đạm cho trồng trọt, chi phí về chất đốt phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân, đồng thời, hạn chế tình trạng bệnh tật trong dân cư, từ đó giúp giảm chi phí khám chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ cho nhân dân.
Về xã hội, được sử dụng nước sạch, công trình vệ sinh hợp vệ sinh không những đảm bảo sức khoẻ cho cộng đồng dân cư, mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Qua đó, cũng hình thành nếp sống văn hoá, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường ở tất cả mọi nơi, nhất là ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, xoá bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa.
Chương trình NSVSMT được triển khai hiệu quả cũng góp phần hạn chế sự chênh lệch về điều kiện sinh hoạt giữa nông thôn và đô thị, giữa các vùng nông thôn với nhau, góp phần hạn chế sự di dân ồ ạt vào đô thị và di cư tự do ở các vùng khan hiếm nước, hạn chế tình trạng mất vệ sinh nghiêm trọng diễn ra tại nhiều vùng.
Từ những kết quả thu được khi thực hiện chương trình đã góp phần làm cho môi trường nông thôn, các khu vực công cộng, khu vực làng nghề sản xuất được cải thiện đáng kể, cảnh quan và môi trường nông thôn “Xanh-Sạch- Đẹp” đang xuất hiện ở nhiều làng, xã.
Thỏa niềm ước mong
Chương trình NSVSMT không chỉ mang đến niềm vui cho từng gia đình, mà còn là chương trình được chính quyền các địa phương quan tâm trước cả khi có các tiêu chí nông thôn mới. Bởi, trước đây người dân không có đủ tiền để lắp đặt đường ống từ trục chính vào nhà, đến nay thông qua việc cho vay tới các hộ gia đình mà nhiều công trình cấp nước tập trung đã được đưa vào sử dụng và phát huy hết công suất cấp nước, mang lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tuy nhiên, thời gian qua, một trong những vướng mắc của chương trình là mức vay quá thấp do với yêu cầu chi phí tối thiểu để xây dựng một công trình NSVSMT. Dù chi phí xây dựng công trình NSVSMT tăng năm sau cao hơn năm trước, nhưng mức cho vay tối đa mới chỉ được điều chỉnh tăng 01 lần từ 04 triệu đồng lên 06 triệu đồng/công trình/hộ. Vì thế, đã có nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri các địa phương, đề nghị các bộ, ngành trình Chính phủ xem xét nâng mức cho vay chương trình NSVSMT để phù hợp với chi phí và giá cả hiện nay.
“Mức vay tối đa đối với 01 công trình là 6 triệu đồng, trong khi giá cả về nguyên vật liệu, nhân công ngày càng cao như hiện nay sẽ không đáp ứng những chi phí cần thiết để hộ dân xây dựng công trình đảm bảo chất lượng. Vì thế, được tin Thủ tướng quyết định tăng mức vay lên, chúng tôi mừng lắm, như thế Nhà nước đã tạo điều kiện để người dân xây được công trình NSVSMT đủ điều kiện, đảm bảo hiệu quả sử dụng, không còn lo thiếu trước hụt sau, nay xây mai sửa” – anh K’BRih (thôn Kao Kwil, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) và hàng chục người dân đang “mong ngóng” quyết định này vui mừng chia sẻ với chúng tôi.
Tăng mức tín dụng cho công trình NSVSMT nông thôn lên 10 triệu đồng/hộ/công trình
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1205/QĐ-TTg điều chỉnh mức vốn cho vay được quy định tại Điều 1 Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg ngày 3/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp NSVSMT nông thôn với mức vốn cho vay đối với mỗi loại công trình tối đa là 10 triệu đồng/hộ thay vì 6 triệu đồng/hộ như quy định cũ.
Theo quy định hiện hành, các đối tượng được hưởng tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp NSVSMT nông thôn gồm: Hộ gia đình định cư hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc đã có nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh; Hộ gia đình sau khi đã trả hết nợ vốn vay, có nhu cầu vay mới để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các công trình NSVSMT nông thôn đã sử dụng nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia. Các hộ có đơn xin vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường, có cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ đúng hạn và được chính quyền cấp xã xác nhận.