Thời hoàng kim của đường dây gián điệp VIP làm việc cho Liên Xô

(PLVN) - Đường dây gián điệp trường Cambridge - nhóm gián điệp mà cơ quan tình báo KGB của Liên Xô đã tuyển mộ được từ trường Đại học Cambridge- được cho là đường dây gián điệp “hoành tráng” nhất mà phương Tây từng chứng kiến.
Một só nhân vật trong nhóm gián điệp lừng danh Cambridge Five

Lò gián điệp siêu cấp?

Đường dây gián điệp Cambridge thường được dùng để chỉ các diệp viên mà Liên Xô đã tuyển mộ được từ trường Đại học Cambridge danh tiếng của Anh. Cho đến nay, cuộc tranh luận về số thành viên của đường dây này vẫn chưa kết thúc nhưng hầu hết các ghi chép đều cho rằng đường dây này gồm 5 thành viên là Kim Philby, Guy Burgess, Don MacLean, Anthony Blunt và John Cairncross. Cả 5 đều do Arnold Deutsch- một người kiểm soát của Liên Xô ở Anh tuyển mộ. 

Trong đó, Guy Burgess, Donald Maclean, và Harold “Kim” Philby là những thành viên đầu tiên của nhóm. Cả ba được tuyển mộ vào năm 1934. Đến năm 1937, Anthony Blunt và John Cairncross được tuyển mộ thêm, tạo thành nhóm 5 thành viên hạt nhân của đường dây gián điệp khét tiếng. Đặc biệt, Anthony Blunt chính là người tình đồng tính của Guy Burgess, được người này lôi kéo tham gia hoạt động gián điệp sau khi đã tốt nghiệp trường Cambridge.

Ngoài ra, một số thông tin cho biết, KGB cũng đã tuyển mộ được thêm nhiều sinh viên của trường Cambridge làm việc cho họ, ví dụ như Leo Long, Michael Witney Straight, Dennis Proctor và Alister Watson. Tuy nhiên, không giống như 5 thành viên của nhóm Cambridge Five vốn đều quen biết cũng như nắm rõ những bí mật của những người còn lại, những người này hoạt động tương đối độc lập và được cho là không thực sự là thành viên của Đường dây gián điệp khét tiếng này.

Thời kỳ hoàng kim 

Ở thời kỳ đỉnh cao, cả 5 thành viên của đường dây gián điệp trên đều giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ Anh. Trong đó, ở vị trí người đứng đầu Bộ phận Mỹ tại Bộ Ngoại giao Anh, Maclean có thể tiếp cận và chuyển cho phía Liên Xô tất cả các tài liệu về chính sách cũng như các cuộc thảo luận giữa người Anh và người Mỹ liên quan đến vấn đề này cùng các mật mã mà ông ta được truy cập. Ông ta được cho là đã chuyển cho Liên Xô những tin nhắn trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill trong suốt thời kỳ Chiến tranh thế giới II.

Bên cạnh đó, người này cũng đã tiếp cận nhiều thông tin mật về chương trình phát triển hạt nhân của Anh và Mỹ. Trong một cuốn sách, Yuri Modin – người kiểm soát cuối cùng đường dây gián điệp này của KGB – miêu tả những thông tin tình báo chính trị do Maclean cung cấp vô cùng có giá trị.

Một số tài liệu nhóm Cambridge Five gửi về cho KGB hiện trưng bày tại Moscow  

Cairncross thì từng làm việc cho Bộ tài chính Anh trước khi chuyển sang công tác tại Trường mật mã Chính phủ - tiền thân của GCHQ, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo bằng các phương tiện điện tử của tình báo Anh. Mặc dù vậy nhưng vị trí thư ký Bộ trưởng chiến tranh dưới thời ông Churchill Lord Hankey mới là đỉnh cao sự nghiệp của người này, giúp ông ta tiếp cận và chuyển cho phía Liên Xô những thông tin liên quan đến việc phát triển bom nguyên tử, chiến thuật và chiến lược của Anh. 

Trong một thời gian ngắn, ông ta cũng được cơ quan tình báo liên quan đến nước ngoài MI6 tuyển dụng. Tổng cộng, người này đã chuyển cho Liên Xô khoảng 6.000 tài liệu. Burgess và Anthony Blunt cũng đã chuyển cho Liên Xô nhiều thông tin mật liên quan đến chiến lược quân sự của NATO mà cả hai đã thu thập được trong quá trình làm việc tại MI6 và Bộ Ngoại giao Anh. Trong đó, Burgess là thư ký của Ngoại trưởng Anh và là Thư ký thứ 2 của Đại sứ quán Anh tại Washington. Theo Yuri Modin, dù không ở vị trí thật cao nhưng Burgess chính là thủ lĩnh thực sự của đường dây gián điệp Cambridge.

Có điều, Kim Philby mới là người thực sự xuất sắc trong đường dây nói trên. Trong con mắt của điệp viên Liên Xô Yuri Modin, Philby chính là “điệp viên vĩ đại nhất trong thế kỷ 20”. Ban đầu gia nhập cơ quan tình báo thời chiến của Anh SOE vào năm 1940, Philby về sau được cơ quan tình báo MI6 của Anh tuyển mộ và nhanh chóng thăng tiến thành người đứng đầu của Đơn vị IX- đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện các chiến dịch phản gián chống lại các nỗ lực xâm nhập của Liên Xô.

Việc tuyển mộ được Philby vì thế được đánh giá là kỳ công của KGB vì kể từ khi người này lên chức, tất cả mọi nỗ lực của người Anh hòng bắt giữ các điệp viên Liên Xô đều trở nên vô vọng. Bởi, Philby sẽ sớm phát hiện những nỗ lực như vậy và sử dụng ảnh hưởng cũng như quyền lực của mình để ngăn cản. Thêm vào đó, ông ta cũng cảnh báo những người kiểm soát điệp viên của Liên Xô để họ có các bước đi phù hợp nhằm ngăn chặn hậu họa. 

Tệ hơn, Philby nắm được danh tính của hầu hết các điệp viên người Anh và cả người Mỹ đang làm việc tại Liên Xô nên KGB có thể loại bỏ các điệp viên đó hoặc cố tình chuyển cho họ những thông sai. Chính những hoạt động phá hoại của Philby đã khiến cho hai cơ quan tình báo tinh nhuệ của Anh là MI5 và MI6 trở nên tê liệt. Philby từng được chỉ định làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Anh ở Washington, Mỹ với nhiệm vụ trao đổi thông tin giữa các cơ quan tình báo của Anh và Mỹ. Trên cương vị này, ông ta thường xuyên tiếp xúc và trao đổi thông tin với điệp viên James Jesus Angleton của CIA. Toàn bộ các thông tin thu được đều được người này chuyển cho KGB.

Trước tình thế này, tình báo Anh cũng đã bỏ ra không ít tâm sức để truy lùng những kẻ phản bội trong hàng ngũ của họ nhưng vô vọng. Anatoli Golitsyn (một điệp viên của Liên Xô đã đào tẩu sang nước ngoài) trong một cuộc phỏng vấn cho biết đường dây Cambridge 5 là những điệp viên mà KGB tin tưởng nhất trong số những điệp viên mà họ từng tuyển mộ được.

Từ đỉnh cao xuống vực sâu

Đường dây gián điệp Cambridge bắt đầu tan rã vào năm 1949, khi Philby được tiếp cận các tài liệu trong khuôn khổ dự án phản gián do Mỹ khởi động nhằm vào các cơ quan tình báo Liên Xô có tên Venona. Nhận thấy việc Maclean bị phát giác chỉ là sớm muộn nên vào năm 1951, ông ta đã thuyết phục Burgess về London để cảnh báo Maclean.

Burgess nghe theo nhưng thay vì chỉ về để báo tin cho Maclean, ông ta lại sợ hãi nên đã cùng Maclean bỏ trốn tới Moscow dù chưa hề bị nghi ngờ. Vì Burgess là người sống cùng Philby nên cũng dễ hiểu khi Mỹ nghi ngờ Philby cũng là đồng phạm. Washington sau đó yêu cầu Anh triệu hồi Philby về nước. Trở về London, ban đầu ông ta một mực bác bỏ các cáo buộc nhưng vẫn bị sa thải khỏi MI6. FBI và MI5 biết rõ Philby là gián điệp nhưng phải đến khi có được bằng chứng không thể chối cãi do một người tên John Elliot cung cấp, họ mới buộc được người này thừa nhận hành vi của mình.

Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau đó, ông ta đã trốn thoát tới Moscow trên một tàu chở hàng của Liên Xô. Về phẩn Blunt, sau khi bị một sinh viên trường Cambridge tên Michael Straight tố cáo đã tìm cách chiêu mộ anh ta, Blunt đã chấp nhận thú nhận tất cả để được miễn truy tố. Theo thỏa thuận, ông ta đã khai ra một số điệp viên khác của Liên Xô, trong đó có Cairncross.

Sau khi tới Liên Xô, Philby không được KGB tuyển mộ và sử dụng nên đã sống một cuộc sống chìm đắm trong rượu chè cho đến khi chết. Cuộc sống của Guy Burgess còn tệ hơn vì ông ta là người đồng tính và không hề biết tiếng Nga. Sống cô độc và làm bạn với rượu đến năm 1963, người này cũng qua đời. Anthony Blunt sau khi bị phanh phui thì bị tước hết mọi chức vụ và danh hiệu và sống cuộc đời bị người đời ghẻ lạnh, xa lánh. John Cairncross sau nhiều năm phiêu bạt cuối cùng cũng về lại Anh. Donald Maclean có lẽ là người may mắn nhất khi ông ta học tiếng Nga và có được việc làm tốt ở đây. Ông ta cũng đã được nhận khá nhiều phần thưởng cao quý từ Liên Xô.

Đọc thêm