Thông lý thuyết, tắc hành vi

(PLO) - Cuối tuần qua, UBND TP Hà Nội đã tổ chức công bố và trao giải cuộc thi tuyển ý tưởng về phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông (UTGT) trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Ảnh minh họa

Không có đơn vị nào đạt giải nhất, một liên danh đạt giải nhì và được trao giải thưởng hơn 100.000 USD, tương đương 2 tỷ đồng. Ngoài ra, năm đơn vị lọt vào vòng chung khảo nhưng không đạt giải cũng được trao thưởng 25.000 USD mỗi đơn vị. Đơn vị được trao giải nhì là liên danh Viện Quy hoạch đô thị & nông thôn quốc gia (VIUP) - Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (NSC) - Nikken Sekkei Research Institute (NSRI). Buổi công bố có sự tham gia của lãnh đạo thành phố cùng các đơn vị liên quan và không có báo giới. 

Một số giải pháp chống UTGT cho Thủ đô được đơn vị đạt giải đưa ra, gồm: mở rộng đô thị phải đồng bộ với mở rộng mạng lưới giao thông; cải tạo lại hệ thống giao thông dành cho các phương tiện cá nhân; phát triển giao thông công cộng; chuyển đổi dần nhận thức của người dân từ phương tiện cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng...

Nghe các phương tiện thông tin đại chúng (nhất là VTV) đưa tin, những ai quan tâm đến vấn đề UTGT ở các đô thị đều nhận ra, các giải pháp không có gì mới, thậm chí cũ rích. Vào google gõ cụm từ “giải pháp chống ùn tắc giao thông cho Thủ đô” trong 0,5 giây sẽ cho 287.000 kết quả. Đấy là chưa nói đến các cuộc thi “Hiến kế giải pháp chống ùn UTGT” mà ngành GTVT đã phát động các đây 10 năm và các báo cáo tại các “hội thảo khoa học” rất, rất nhiều về nội dung này.

Phải nói thêm rằng, chống UTGT ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có hẳn Nghị quyết của Bộ Chính trị, trên cơ sở đó cách đây 10 năm, ngày 31/7/2008 Chính phủ đã có Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP về từng bước khắc phục UTGT tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.  

UTGT – chưa bao giờ chúng ta có nhiều nghị quyết và chương trình hành động đến thế, chứ không cần nói đến các “cuộc thi tuyển ý tưởng” như Hà Nội vừa trao giải.

Tóm lại, chúng ta rất “thông” về lý luận và lý thuyết nhưng tắc mỗi... việc làm.

Mới đây nhất, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã kêu lên rằng: “Nhồi nhét cao ốc vào trung tâm, hạ tầng nào chịu nổi?”. Chính chúng ta phá vỡ quy hoạch mà chúng ta mất công xây dựng, trình duyệt. Theo số liệu công khai hiện TP Hồ Chí Minh có hơn 20.000 căn hộ dưới tên gọi mỹ miều officetel và shophouse, chính nó đã phá vỡ hạ tầng kỹ thuật, khiến kẹt đường, thiếu trường học, chỗ vui chơi…Hà Nội, nằm trong tình cảnh tương tự.

Cách đây hơn 10 năm Trung ương có chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành về phía Tây Thủ đô, di chuyển các trường đại học, bệnh viện ra khỏi nội đô nhằm giảm ùn tắc. Đáng tiếc, nhiều bộ đã hoàn thành chuyển trụ sở mới, tốn rất nhiều tiền của dân để xây dựng nhưng trụ sở cũ trong nội đô không bộ, ngành nào chịu trả cho Hà Nội. “Âm mưu” thì nhiều nhưng toan tính muốn ôm và biến đất “kim cương” thành các trung tâm thương mại, cao ốc liên danh liên kết là điều thấy rõ. Tóm lại, chính chính quyền phá vỡ các quy hoạch, ý tưởng do chính quyền vẽ nên.

Tắc trong tư duy, tham – sân – si về lợi ích cục bộ thì dù có hàng mớ lý thuyết vẫn không thể nào giảm được ùn tắc đô thị.

Chúng ta mắc bệnh nói một đằng, làm một nẻo trên các phương diện.