Thú chơi loài hoa “vua chúa” tại thủ phủ lan rừng

(PLO) - Trong những thú chơi hoa, cây cảnh ngày nay thì lan được nhiều người yêu thích và đam mê hơn cả. Với những người say mê loài hoa này thì thấy lan không chỉ đẹp bởi vẻ mỏng manh và tràn đầy sức sống mà còn đẹp ngay trong “phong cách sống” thanh cao. Vậy mà, chẳng cách trung tâm Hà Nội bao xa lại có hẳn một làng nghề chuyên trồng và chăm sóc loài hoa này.

Thú chơi phong lưu

Xã Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội) từ lâu được giới chơi hoa, cây cảnh biết đến như một địa danh nổi bật gắn với nghề chơi và trồng hoa lan. Những nông dân nơi đây “đặc biệt” hơn các vùng miền khác ở chỗ, họ làm nông nghiệp mà chân tay chẳng dính bùn. 

Nhắc chuyện làm giàu từ lan, ông Nguyễn Tài Quân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông La cho biết: Toàn xã hiện có trên 200 hộ trồng lan với đủ các chủng loại khác nhau. Thôn Đồng Nhân có thể coi là làng nghề trồng lan lớn nhất địa phương với trên 80 hộ phát triển loài hoa này. 

Hiện tại, thị trường tiêu thụ lan không chỉ dừng ở phạm vi trong nước mà còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ… riêng trong nước, hiện nhu cầu thị trường rất “khát” các loại lan đột biến. Có gia đình bán lan đột biến theo xen-ti-met, cứ 500.000 đồng/cm. Hoặc có khi lan được tính bán theo nhánh, với giá 1 - 3 triệu/nhánh, tùy loại, tùy dòng. Nhiều mô hình trồng hoa lan ở địa phương hiện vẫn đang phát triển và mở rộng. 

Theo lời ông Nguyễn Hữu Hùng – Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Đồng Nhân, Nghề trồng lan bén duyên trên đất Đông La từ hơn 20 năm trước. Thời điểm đó, người dân trồng được ngọn rau hay củ quả thường “đánh chuyến” lên mạn ngược như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… sau những chuyến đi buôn ấy, những giỏ lan rừng thường được đem về làm quà. Dần dà có nhà có tới cả vài chục giò lan, chăm sóc, mày mò, nhiều khi có khách đến chơi thấy đẹp, nài nỉ chủ nhà mua lại với giá cả triệu đồng… 

Vốn nhanh nhạy với thị trường, nhiều người dân Đông La đã chuyển nghề, đi buôn lan rừng và trồng tại nhà. Ban đầu, chỉ có một hai hộ trồng lan, sau một vài năm, thấy mô hình cho hiệu quả kinh tế cao nhiều hộ bắt đầu trồng với quy mô lớn. 

Theo tìm hiểu, thôn Đồng Nhân là địa phương nổi tiếng bậc nhất với việc thuần hóa lan rừng. Những người chăm sóc lan có kinh nghiệm nơi đây chia sẻ, sở dĩ lan rừng được chuộng bởi chúng có sức sống bền bỉ. Tuy nhiên, để lan thích nghi với vườn nhà và sớm ra hoa, người chơi lan rừng phải mất từ 2-3 năm hoặc nhiều hơn nữa để thuần dưỡng hoa. Trong quá trình đó, lan cần nhận được sự chăm sóc tỉ mỉ và quan tâm đặc biệt.

 “Lan rừng cần được tưới một lượng nước vừa đủ để tạo độ ẩm nhất định, bón phân thuốc phải đủ số lượng và đúng thời gian, cắt cành đúng thời điểm để cây cho hoa vào các dịp lễ, tết… Lan rừng là một loại hoa kiêu sa và thích được chiều chuộng nên người làm bạn với lan rừng cũng cần kiên nhẫn và điềm tĩnh mới “thương” nổi loại lan này” – một chủ vườn lan cho biết.

Nhờ lan, người Đông La đã vươn lên làm giàu. Gia đình nào có lan cũng thu hàng trăm triệu mỗi năm. Cứ thế, phong trào trồng lan rừng ngày càng phát triển và ngày càng có nhiều tỷ phú trên vùng đất ven Đáy này. Nhiều vườn lan ở đây thu lãi ít cũng vài trăm triệu đồng, thậm chí có hộ thu cả tỷ đồng/năm. Lan đem lại kinh tế cao, bởi thế, ở thôn Đồng Nhân, có những hộ “phất” lên nhanh chóng nhờ trồng lan. Họ làm giàu, rồi kéo theo gia đình cùng phát triển kinh tế. Hộ anh Nguyễn Đăng Lĩnh, Chủ nhiệm HTX hoa lan cây cảnh Đồng Nhân là một ví dụ. Thấy được những hiệu quả từ lan, nên gia đình anh Lĩnh có 4 anh em thì tất cả đều theo làm nghề này.

Chăm lan phải có nghề

Lẽ thường, nghề chơi nào cũng lắm công phu. Chơi đồ cổ, chơi chim, chơi cá, chơi xe… hay chơi lan đều vậy. Chơi lan càng cần sự công phu, kiên nhẫn, hiểu biết và trí tuệ. Có những loài lan 15 năm mới nở hoa một lần. Để thưởng hoa, người chơi kiên nhẫn chăm sóc, chờ đợi đến mức “hóa đá”. “Đối với thú chơi lan thì đòi hỏi phải có lòng đam mê, tâm huyết. Trồng lan mà luôn nghĩ đến danh lợi, chạy theo kinh tế thì khó có được hoa đẹp” – anh Nguyễn Hữu Nguyên, một chủ vườn lan lớn nhất thôn Đồng Nhân quả quyết. 

Theo lời anh Nguyên, hiện diện tích trồng lan của gia đình anh rộng khoảng 1.800m2. Vườn chủ yếu là các loại lan như: hoàng thảo, phi điệp… đem lại giá trị cao. Trung bình một giò lan có giá từ 300.000 – 600.000 đồng. Nói sâu hơn về lan, anh Nguyên bộc bạch: “Cái gì thiên về cái đẹp, nhất là cái đẹp nghệ thuật thường không niêm yết giá. Có người “kết” giò lan chỉ to bằng cái cối đá mà trả giá 2 - 3 triệu đồng vẫn cười hớn hở. Có ông Tây mắt xanh mũi lõ nói xì xà xì xồ chẳng biết mặc cả bằng tiếng Việt sẵn sàng xòe cả xấp đô la nhét vào túi người bán, người Đông La từ đó mà giàu. Nhà lầu xây bằng hoa lan, xe cộ sắm bằng hoa lan, chai nước mắm, gói mì chính cũng đổi từ hoa lan…”.

Theo tìm hiểu từ những người sành chơi, lan được chia làm 3 loại là: phong lan, địa lan và bán phong địa. Nôm na là một thứ sinh trưởng từ đất, một thứ sinh trên cây, sống nhờ gió, một thứ lưỡng giữa phong và địa. “Những người mới “dính” đến lan thường cứ thấy đẹp, thích là mua mang về chơi. Do kém hiểu biết nên mất khá nhiều tiền mà cây vẫn chết. Vì thế, nếu thật sự đam mê, muốn chơi lan, cần hiểu rõ đặc tính của từng loài, xem nó thích hợp với khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng ra sao rồi từ đó mới chọn giống lan cho phù hợp” – anh Nguyên chia sẻ.

Theo lời anh Nguyên, việc xây nhà giàn, mái che cho lan là rất quan trọng, tránh cho cây chịu rét và nóng nhưng phải đảm bảo cây vẫn hứng được sương, gió và nước mưa, bởi phong lan vẫn sống chủ yếu bằng khí trời. Nhiều người lầm tưởng cứ tưới nhiều, bón phân đạm nhiều là tốt nhưng tưới nhiều cây dễ úng, chết ngạt, thối rễ. Nguyên tắc tưới lan là giữa 2 lần tưới gốc cây phải khô, giò ẩm thì không tưới. Lan là loài phát triển chậm nên phải dùng loại phân tưới tan chậm trong 180 ngày và là phân hữu cơ tổng hợp. Mới đầu dùng loại phân kích thích mọc rễ, tăng trưởng, sau 3 tháng kích thích phát triển thân, lá, gần mùa hoa thì kích thích hoa và rễ phát triển.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm chăm sóc lan của mình, ông Nguyễn Hữu Hùng – Chi hội trưởng Hội Nông dân thôn Đồng Nhân bộc bạch: “Ở vườn lan nhà tôi trước kia có các loại bệnh như vàng lá, thối ngọn, đốm đen, muội trắng, sâu trong lá trong loài lan đai trâu. Qua nhiều năm tôi tìm hiểu nguyên nhân có nấm bệnh là do lây từ lan mới nhập về, vườn để dày quá thiếu ánh sáng, môi trường bẩn và nguồn nước tưới nhiễm bẩn”. 

Trở lại câu chuyện làm giàu từ lan ở Đông La. Được biết, hiện mô hình trồng hoa lan của xã Đông La đã được nhân rộng và phát triển với quy mô lớn, vừa sản xuất vừa kinh doanh. Lan Đông La đến nay không chỉ bán cho thị trường Hà Nội mà được xuất bán đi rất nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước. Đông La hiện là điểm đến, ghi dấu thương hiệu riêng trong giới “sành” lan.

Có một điểm chung ở những người trồng lan nơi đây, đó là họ không hoàn toàn coi lan như một phương tiện mưu sinh, làm giàu. Với họ, lan là một thú chơi để thỏa mãn niềm đam mê thanh cao sâu thẳm trong tâm hồn. “Khi đã trót yêu lan và muốn có một vườn lan đẹp thì ngoài sự dày công chăm bón còn phải dành trọn tình yêu và tâm hồn cùng những đóa hoa. Chăm hoa và ngắm hoa làm cho con người thêm điềm tĩnh và gần gũi với thiên nhiên. Ðược ngắm nhìn những giò hoa đa hương, đa sắc, chúng ta sẽ cảm thấy thư thái, tâm hồn như được thanh lọc, trong sáng hơn” – một chủ vườn lan chia sẻ.

Đọc thêm