“Đường dây chuyên sản xuất giấy tờ, con dấu, biển số xe giả này được đầu tư rất nhiều trang thiết bị, máy móc, có thể nói là hiện đại nhất từ trước đến nay trong các đường dây làm giả bị phát hiện… Các đối tượng cũng thường xuyên cập nhật tin tức, lên mạng internet “săn tìm” chữ ký các cán bộ lãnh đạo để sao chép, từ đó làm giả các giấy tờ liên quan”, một cán bộ tham gia chuyên án cho biết.
Triệt phá và tạm giữ 18 đối tượng
Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an đang tạm giữ 18 đối tượng nằm trong đường dây chuyên sản xuất giấy tờ, con dấu, biển số xe giả do Nguyễn Trọng Dương (30 tuổi, SN 1989, ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cầm đầu. Đến nay, cơ quan công an xác định giúp sức cho Dương là Trần Đức Toàn (SN 1990, ngụ quận Bình Tân, TP HCM), Nguyễn Thanh Phong (SN 1976, ngụ Vĩnh Long) và Nguyễn Văn Đạt (SN 1998, ngụ tỉnh Lâm Đồng).
Đây là chuyên án quy mô được C02 xác lập đấu tranh từ khoảng hơn 5 tháng nay. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, C02 phát hiện một đường dây làm giấy tờ giả có quy mô lớn tại TP HCM, tiêu thụ toàn quốc. Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng C02 đã chỉ đạo ban chuyên án do Đại tá Lê Ngọc Phương - Phó Cục trưởng C02 làm trưởng ban, nhanh chóng thu thập tài liệu chứng cứ và khám phá chuyên án.
Chiều tối 25/8, C02 đã phối hợp với Phân Viện khoa học hình sự tại TP HCM, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, Công an TP HCM và Công an tỉnh Đồng Nai đã đồng loạt kiểm tra 8 địa điểm của đường dây chuyên sản xuất giấy tờ, bằng cấp, biển số xe giả nói trên. Tổng cộng các tổ công tác đã áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 18 đối tượng liên quan đưa về trụ sở Bộ Công an khu vực phía Nam để đấu tranh làm rõ.
Nổi bật trong các địa điểm nói trên, khi kiểm tra căn nhà không số của Dương tại khu phố Tân Mai 2 (phường Phước Tân, TP Biên Hòa), lực lượng chức năng phát hiện Dương và Đạt đang có hành vi làm giả giấy tờ tài liệu bằng cấp, con dấu giả.
Bằng lái xe, chứng minh nhân dân giả bị cơ quan công an thu giữ. |
Quá trình khám xét, lực lượng công an đã thu giữ hàng nghìn giấy tờ, bằng cấp giả như: căn cước công dân, chứng minh nhân dân, bằng lái xe, giấy đăng kiểm, biển số xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… cùng với khoảng 50 máy móc in ấn, dập khuôn cùng hàng nghìn phôi giấy tờ.
Khám xét nơi ở của Nguyễn Thanh Sang (SN 1993, ngụ phường Hiệp Phú, quận 9, TP HCM), lực lượng công an đã thu giữ 6 máy in màu, 2 bộ máy vi tính, 1 máy scan, 1 máy cắt giấy, 1 máy sấy, 11 phôi bằng đại học, 54 phôi trắng và rất nhiều giấy tờ liên quan đến hành vi làm giả các loại giấy tờ khác.
Khám xét các xưởng sản xuất, lực lượng chức năng phát hiện đủ loại giấy tờ được làm giả như: căn cước công dân, chứng minh nhân dân, bằng lái xe, giấy đăng kiểm, biển số xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép kinh doanh nhà thuốc, giấy đăng ký kết hôn, thẻ nhà báo… đã thành phẩm và chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.
Đáng chú ý, cơ quan công an thu giữ hơn 1.000 con dấu treo, được phân thành từng tỉnh, thành, từng bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương.
Thủ đoạn tinh vi của các “ông chủ” giấu mặt
Qua điều tra mở rộng vụ án, C02 xác định đường dây này do Nguyễn Trọng Dương cầm đầu, hoạt động từ năm 2017 đến nay. Dương lôi kéo đồng bọn, đầu tư máy móc và thuê thêm người để hoạt động. Nguồn cung cấp phôi Dương lấy từ Phạm Văn Phi.
Giai đoạn đầu hoạt động, nhóm này chỉ có một xưởng sản xuất giấy tờ giả ở tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, trước nhu cầu lớn từ thị trường, nhóm đối tượng này quyết định mở rộng mạng lưới khắp cả nước với hàng trăm đại lý ở các tỉnh, thành.
Một số máy móc, thiết bị các đối tượng sử dụng làm biển số xe giả bị công an thu giữ. |
Thời gian gần đây, do mâu thuẫn trong ăn chia lợi nhuận nên Toàn và Phong mở thêm 3 xưởng sản xuất làm bằng giả, giấy tờ giả khác tại quận Bình Tân và một số điểm vùng ven TP HCM. Các xưởng sản xuất trong đường dây chuyên sản xuất giấy tờ, con dấu, biển số xe giả do Dương cầm đầu có nhiều loại máy móc hiện đại, cam kết làm mọi loại giấy tờ, ép biển số xe máy, ô tô… theo yêu cầu với độ giống gần như 100%.
Thủ đoạn hoạt động của đường dây này rất tinh vi, kín kẽ. Dương không nhận đặt hàng trực tiếp mà thông qua nhiều đối tượng trên toàn quốc làm đại lý. Các đối tượng đại lý sẽ quảng bá thông tin trên mạng xã hội, rồi gom đơn yêu cầu với số lượng nhất định, sau đó đặt hàng Dương làm. Sau khi có hàng, các đối tượng này sẽ bán cho khách hàng với giá cao hơn để ăn chênh lệch.
Các nhóm của Toàn và Phong nhận đặt hàng trực tiếp qua mạng, rồi làm bán cho khách hàng. Nếu gặp những loại giấy tờ khó thì các nhóm này đặt Dương làm.
Để giao hàng, nhóm này đặt các ứng dụng giao hàng, xe ôm công nghệ giao trong nội thành TP HCM. Mỗi lần lấy hàng đi giao, xe ôm công nghệ lại lấy ở một địa điểm khác nhau. Nếu khách ở xa, nhóm này cũng sẵn sàng đóng gói hàng hóa và “ship cod” (hình thức giao hàng, thu tiền) qua đường bưu điện.
Tinh vi hơn, để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường thuê địa điểm sản xuất trong một thời gian rồi chuyển đến nơi khác. Mỗi lần thuê địa điểm mới, chúng đều nhanh chóng làm thân và mua chuộc những hộ dân xung quanh chỉ với một yêu cầu nếu có người lạ lảng vảng thì báo ngay. Chính những điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho ban chuyên án trong việc thu thập chứng cứ, nắm rõ hành tung của các đối tượng.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận bán các giấy tờ có giá từ 300 - 500 nghìn đồng. Đối với các giấy tờ như: bằng cấp, chứng chỉ, giấy tờ xe thì bán theo bộ. Chẳng hạn như một bộ giấy tờ xe, gồm: biển số, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy đăng kiểm có giá khoảng 10 triệu đồng.
Theo một cán bộ tham gia chuyên án, thời gian thu thập chứng cứ của chuyên án này kéo dài là do các đối tượng rất cảnh giác. Các “ông chủ” như Dương, Toàn, Phong luôn “giấu mặt”, thường không bao giờ xuất hiện tại xưởng mà thuê các đối tượng quản lý. Các đối tượng quản lý đứng ra thuê nhân viên. Ngoài ra, chúng sử dụng giấy tờ nhân thân giả nên nhiều người làm thuê không biết tên thật của “ông chủ” mình.
“Đường dây chuyên sản xuất giấy tờ, con dấu, biển số xe giả này được đầu tư rất nhiều trang thiết bị, máy móc, có thể nói là hiện đại nhất từ trước đến nay trong các đường dây làm giả bị phát hiện. Mỗi máy làm một công đoạn, sau khi thành phẩm, nhóm đối tượng còn dùng máy soi hiển vi để kiểm tra chất lượng và phát hiện lỗi. Các đối tượng cũng thường xuyên cập nhật tin tức, lên mạng internet “săn tìm” chữ ký các cán bộ lãnh đạo để sao chép, từ đó làm giả các giấy tờ liên quan”, cán bộ này cho biết.
Với quy mô và thời gian hoạt động của đường dây này từ năm 2017 đến nay, có thể đã có hàng chục nghìn giấy tờ giả đã được tiêu thụ. Từ đó dẫn đến những hậu quả khôn lường cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan Nhà nước. Bởi lẽ, nhiều đối tượng xấu mua bằng giả để hoạt động hợp pháp, khi họ không có chuyên môn như thực tế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động trong đời sống xã hội.
Hiện, C02 vẫn đang tiến hành điều tra mở rộng đường dây chuyên sản xuất giấy tờ, con dấu, biển số xe giả này để xử lý theo quy định của pháp luật.