Đường dây ma túy “khủng” do cựu cảnh sát Hàn Quốc cầm đầu
Ngày 2/8, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng cho biết, đơn vị này vừa phối với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP HCM, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan vừa bắt giữ thêm nhiều đối tượng cùng số lượng lớn ma túy trong đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ TP HCM đi Hàn Quốc bằng đường biển.
Theo đó, qua quá trình điều tra mở rộng Chuyên án A720.p, tối ngày 30/7, các đơn vị nói trên đã bất ngờ tập kích đồng loạt, tiến hành khám xét nhiều địa điểm liên quan đến đường dây này. Cụ thể, tại số nhà K25 khu biệt thự Camllia Garden (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM), lực lượng chức năng bắt giữ Lê Hồ Vũ (SN 1987) và Nguyễn Chí Thiện (SN 1988, cùng ngụ tỉnh Cà Mau). Đồng thời, thu giữ 63 bịch ma túy tổng hợp dạng đá, nặng khoảng 63kg.
Cùng thời điểm, tại căn hộ 602 và 502 chung cư Mizuki Park (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh), lực lượng công an tạm giữ 5 đối tượng, gồm: Lê Thị Thu Hà (SN 1995, ngụ tỉnh Hà Tĩnh), Trần Thanh Nhã Uyên (SN 1997, ngụ tỉnh Khánh Hòa), Nguyễn Thị Thảo Duyên (SN 1999, ngụ tỉnh Cà Mau), Nguyễn Cẩm Giang (SN 1993, ngụ tỉnh Kiên Giang) và Lê Thành Luân (SN 1991, ngụ quận Tân Phú, TP HCM). Từ lời khai của các đối tượng, lực lượng chức năng tiếp tục bắt giữ thêm 3 đối tượng khác.
Đối tượng cầm đầu Kim Soon Sik (SN 1960, quốc tịch Hàn Quốc). |
Đồng thời, thu thêm 55kg ma túy tổng hợp và 19 bánh heroin. Trước đó, qua quá trình điều tra, theo dõi, khoảng 22h ngày 18/7, Ban Chuyên án A720.p phát hiện nhóm nghi phạm vận chuyển ma túy được giấu trong các khối đá từ một kho ở đường số 37 (phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP HCM) bằng container. Qua theo dõi, số hàng trên được chuyển đi cảng Cát Lái (quận 2, TP HCM) để làm thủ tục hải quan xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Đến 23h30 cùng ngày, Ban Chuyên án A720.p quyết định đồng loạt bắt giữ các nghi phạm. Đồng thời khám xét, bắt giữ các nghi phạm liên quan tại nơi ở trên 6 điểm thuộc địa bàn TP HCM. Cụ thể, tại cảng Cát Lái, lực lượng chức năng đã bắt giữ Đoàn Văn Nghĩa (SN 1977, ngụ tỉnh Đồng Nai) là lái xe container. Tang vật thu giữ khoảng 40kg ma túy tổng hợp dạng đá cùng một số vật chứng có liên quan. Còn tại kho hàng trên đường số 37, lực lượng chức năng tạm giữ 3 nghi phạm, gồm: Kim Soon Sik (SN 1960, quốc tịch Hàn Quốc), Huỳnh Thị Hoa Trin (SN 1980) và Nguyễn Thanh Phú, (SN 1982, cùng ngụ quận Thủ Đức, TP HCM).
Tại căn hộ số A2-1008 chung cư Sarimi (phường An Phủ, quận 2), lực lượng chức năng cũng tạm giữ Li Jun Hao (SN 1986, quốc tịch Trung Quốc). Tại một căn hộ ở chung cư River Gate (phường 3, quận 4), Li Tian guin (SN 1975, quốc tịch Trung Quốc) cũng bị bắt giữ cùng 27 viên nén nghi ma túy tổng hợp, 6 gói nhỏ chứa tinh thể màu trắng, một gói nhỏ chứa tinh thể màu xanh nghi ma túy tổng hợp dạng đá.
Bên cạnh đó, tại một căn hộ ở chung cư Cantavil (đường Song Hành, phường An Phú, quận 2), lực lượng chức năng cũng bắt giữ Kang Seon Hak (27 tuổi, quốc tịch Hàn Quốc). Ngoài ra, tại phường Phước Long A (quận 9), Ban Chuyên án A720.p còn làm việc với Dương Đình Việt (SN 1964), Nguyễn Văn Quang (SN 1975) và Dương Đình Cung (SN 1980, cùng ngụ quận 9) là những người sử dụng xe nâng đá để đóng vào container.
Qua đấu tranh, cả 3 đều thừa nhận liên quan trực tiếp đến lô hàng và cho biết số ma túy này sẽ được đưa đi xuất khẩu. Bước đầu, lực lượng chức năng xác định, Kim Soon Sik là đối tượng cầm đầu đường dây ma túy “khủng” này. Kim Soon Sik là cựu cảnh sát Hàn Quốc, với 20 năm trong ngành. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, tổng tang vật thu giữ trong Chuyên án A720.p là 158kg ma túy, 19 bánh heroin cùng nhiều tang vật khác.
Theo Ban Chuyên án A720.p, đây được xem là vụ đầu tiên cơ quan chức năng tại Việt Nam khám phá đường dây ma túy lớn do người Hàn Quốc phối hợp cùng người Trung Quốc điều hành. Ma túy sẽ được đưa đến Hàn Quốc, một thị trường từ trước đến nay cơ quan chức năng chưa hề ghi nhận trong hoạt động vận chuyển, mua bán ma túy từ Việt Nam sang.
Tội phạm đang lợi dụng địa bàn Việt Nam
Thông tin tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia diễn ra vào tháng 9/2019 cho biết, thế giới và khu vực đang đối mặt với diễn biến phức tạp của tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển bất hợp pháp và lạm dụng ma túy. Trong thời gian qua, tại khu vực Đông Nam Á, sản lượng ma túy đã tăng 30%, đặc biệt số lượng thu giữ heroin và morphine đã tăng 88% (từ 7,1 tấn lên 13,3 tấn).
Điều này cho thấy sự gia tăng mạnh mẽ của lượng heroin và morphine trong khu vực. Do vị trị địa lý nằm tiếp giáp và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình ma túy ở khu vực “Tam giác vàng” (khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới 3 nước: Lào, Thái Lan, Myanmar), là “điểm nóng” về trồng cây thuốc phiện và là một trong những trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới, tình hình ma túy tại Việt Nam trong những năm gần đây diễn biến rất phức tạp, khó lường.
Gia tăng hoạt động sản xuất ma túy tổng hợp tại khu vực “Tam giác vàng” khiến cho lượng ma túy tổng hợp từ khu vực này thẩm lậu vào Việt Nam gia tăng đột biến. Các tổ chức tội phạm quốc tế đang lợi dụng địa bàn Việt Nam để tổ chức sản xuất ma túy, một phần phục vụ nhu cầu trong nước, phần lớn được chuyển đi các nước trong và ngoài khu vực. Sự thay đổi tuyến đường vận chuyển ma túy cũng gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng Việt Nam trong điều tra, triệt phá.
Nếu như trước đây, ma túy tổng hợp được vận chuyển từ biên giới Trung Quốc vào Việt Nam thì hiện nay, ma túy tổng hợp dạng viên và dạng đá được vận chuyển từ khu vực “Tam giác vàng” theo các tuyến biên giới Bắc, Trung, Nam vào Việt Nam. Các đường dây tội phạm sản xuất vận chuyển ma túy rất tinh vi, xảo quyệt và có tổ chức chặt chẽ.
Các đối tượng cầm đầu cốt cán chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan có sự câu móc liên kết chặt chẽ với các đối tượng tội phạm trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông và Việt Nam. Theo báo cáo của Cơ quan Phòng, chống ma tuý và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), số vụ bắt giữ methamphetamine ở Đông Á và Đông Nam Á đã tăng hơn 8 lần trong giai đoạn 2007 - 2017 lên 82 tấn, chiếm 45% các vụ bắt giữ toàn cầu (năm 2016 là 60 tấn).
Năm 2018, số lượng methamphetamine bị thu giữ ở khu vực này ước tính lên đến 116 tấn. Đây là những con số rất báo động, có thể nói, sản xuất và thu giữ methamphetamine đang bùng nổ lớn nhất kể từ trước tới nay trong khu vực. Đáng chú ý, methamphetamine dạng tinh thể (đá) bị thu giữ trong năm 2018 ở khu vực tiểu vùng sông Mê Kông tăng đạt 50 tấn (các năm 2017, 2016, 2015 lần lượt là 39, 34 và 35 tấn).
Riêng số lượng methamphetamine dạng viên bị thu giữ năm 2018 đạt 650 triệu viên, tăng kỷ lục so với 420 triệu viên năm 2017. Nhìn lại các vụ án ma túy “khủng” được phá vừa qua cho thấy, tội phạm ma túy có chiều hướng dịch chuyển về các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và phía Nam. Nguyên nhân được nhận định là do lực lượng chức năng tập trung đánh mạnh khu vực các tỉnh biên giới phía Tây Bắc.
Địa bàn bị vây hãm, các băng nhóm tội phạm ma túy đã dịch chuyển về những khu vực này để hoạt động. Ngoài ra, sự dịch chuyển này một phần là do các đối tượng có sự thay đổi về phương thức và thủ đoạn. Điểm chung của các vụ án này phần lớn do các đối tượng nước ngoài cầm đầu và thuê nhà kho của dân làm nơi tập kết ma túy với số lượng lớn.