Thủ nhang Nguyễn Văn Phương |
Thủ nhang được người dân tin mến
Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Phương – thủ nhang đền Lang Khê (đền Nghè Dào) thôn Lang Khê và đền Chùa Vàng (đền Vàng) thuộc thôn Hoàng Giáp, xã An Lâm, huyện Nam Sách (Hải Dương), liên tục trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng gồm các cán bộ xã, công an xã có những thông báo, kiểm tra nơi ở và yêu cầu vị thủ nhang này cùng những người liên quan không được trú tại hai đền nói trên.
Theo ông Phương, việc UBND xã An Lâm trục xuất người giúp việc của ông là bà Nguyễn Thị Hương là không hợp lý vì bà Hương đã làm các thủ tục để xin xác nhận tạm trú, tạm vắng nhưng xã chưa cấp. Hơn nữa, xã yêu cầu thủ nhang ra khỏi đền vì “cư trú” bất hợp pháp.
“Cả đời tâm huyết vì tín ngưỡng đạo giáo, bán cả nhà cửa, ruộng vườn, đi khất thực khắp mọi miền để huy động các nhà hảo tâm ủng hộ xây đền, không rõ lý do gì mà chính quyền xã lại o ép tôi ra khỏi đền. Vợ tôi đi lao động ở nước ngoài, số tiền gửi về ngoài trang trải cuộc sống, chăm lo gia đình, còn góp vào để xây dựng đền”, ông Phương cho biết.
Theo tìm hiểu của PV, ông Phương đã hoạt động tín ngưỡng từ nhỏ và đạt được nhiều thành quả về tu tập nên rất được lòng người dân ở địa phương và các vùng lân cận. Vào năm 2000, cán bộ và nhân dân thuộc thôn Lang Khê nhận thấy đền cần có người thường xuyên nhang đèn, thờ cúng và có uy tín để kiến tạo về tài chính, tôn tạo, xây dựng lại vì nhiều hạng mục của đền đã xuống cấp nghiêm trọng nên tổ chức họp bàn với đủ các thành phần và bầu ông Phương làm thủ nhang.
Với những đóng góp và uy tín của ông Phương tại thôn Lang Khê, người dân, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của thôn Hoàng Giáp ngày 5/8/2012 đã họp bàn và thống nhất mời ông Phương làm thủ nhang cho đền Vàng. Thôn này cũng đã lập các biên bản, giao quyền, cho phép ông Phương cai quản, trông coi đền, tiếp nhận công đức và giao các hiện vật có tại đền. Điều này cũng đã được Mặt trận Tổ quốc xã An Lâm xác nhận.
Đền Lang Khê |
Chính quyền xã nói gì?
Trả lời câu hỏi của báo chí, ông Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch xã An Lâm cho rằng những người ở khu vực đền đang cư trú bất hợp pháp, chưa thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng. Khu vực ở là ngôi nhà nằm trong quần thể đền được xây dựng sai phép và đặc biệt có ý kiến phản ánh… qua điện thoại về việc thu tiền lễ bái. Tuy nhiên, khi PV yêu cầu cung cấp bằng chứng, ông Toản lại nói rằng, đó là phản ánh qua điện thoại và không chính thức. Chính ông Chủ tịch xã cũng thừa nhận xã không có nguồn kinh phí hỗ trợ và không thể phủ nhận công đóng góp của ông Phương với việc xây dựng đền với nhiều tỷ đồng.
Về việc ông Toản cho rằng thủ nhang để tình trạng xem bói diễn ra, ông Phương cho rằng, đó là tín ngưỡng, lễ bái dân gian, không ai ép người dân nếu họ không muốn làm việc đó. Còn việc làng tổ chức hội, đánh bạc, xô xát diễn ra, ông Phương cho biết, khi diễn ra sự việc ông không biết vì ông phải xử lý rất nhiều việc khác nhau và thôn cũng đã có người trông nom trong lễ hội. Bản thân ông không muốn có tình trạng như vậy tại nơi tôn nghiêm.
Về vấn đề xây dựng sai phép gian nhà là nơi ở của thủ nhang hiện tại, ông Phương cho biết, đây cũng là nơi trú nắng mưa để thủ nhang có thể cai quản, trông nom đền thường xuyên. Thủ nhang không thể ăn, ngủ trong đền và cũng không thể ngồi ngoài trời mãi để coi đền nên cần có nơi ở lâu dài để đảm bảo việc trông coi.