Thu tiền tỉ từ mạng xã hội – Ngành thuế đứng ngoài cuộc?

(PLVN) - Nhờ tính năng kiếm tiền, Youtube, Facebook đã trở thành nền tảng làm giàu kinh doanh, truyền thông giá rẻ, hiệu quả, là công cụ kiếm tiền lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỉ cho nhiều người, không riêng giới văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, việc truy thu và xử phạt thuế đối với những đối tượng này lại là một thách thức lớn đối với ngành thuế Việt Nam.
Thu tiền tỉ từ mạng xã hội – Ngành thuế đứng ngoài cuộc?

Bị phát hiện mới nộp thuế

Mới đây, Cục Thuế TP HCM vừa phát hiện và truy thu thuế một cá nhân là chủ một kênh YouTube có thu nhập từ việc đăng clip trên mạng này kiếm được hơn 19 tỉ đồng từ năm 2016 - 2018 nhưng không kê khai, quyết toán thuế. Qua quá trình làm việc, cá nhân này đã đồng ý nộp số thuế tương ứng 1,5 tỉ đồng vào ngân sách. Cùng thời điểm, ngành thuế TP Hồ Chí Minh cũng thông tin, trong 7 tháng đầu năm 2019, đã truy thu 15 tỷ đồng tiền thuế của 15 nghệ sĩ. Mức thu lên tới hàng chục tỉ đồng. Theo đó, những lĩnh vực kinh doanh, quảng cáo trên mạng và hoạt động biểu diễn nghệ thuật đang là những nội dung ngành thuế chú trọng triển khai truy thu thuế. 

Internet, mạng xã hội trở thành nền tảng làm giàu của nhiều người hiện nay
Internet, mạng xã hội trở thành nền tảng làm giàu của nhiều người hiện nay  

Nhiều năm nay,cơ quan thuế phải phát hiện và truy thu thuế đối với nhiều cá nhân, tổ chức có thu nhập từ Internet và mạng xã hội như Youtube, Facebook... thì họ mới kê khai và nộp thuế. Hiện tượng này không phải mới xuất hiện; nhưng diễn biến có chiều hướng ngày càng phức tạp hơn trong bối cảnh Internet, công nghệ hiện đại. Về mặt pháp luật, hành vi trốn thuế, gian lận thuế là một hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của nhà nước, theo đó, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà hành vi này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về mặt đạo đức, hành vi này các cá nhân, tổ chức này đang né tránh trách nhiệm của họ đối với xã hội.

Được biết, việc kiếm được tiền qua các kênh nội dung trên mạng xã hội Youtube, Facebook, Google từ lâu đã là một trào lưu thu hút giới trẻ, đến nay mở rộng mọi đối tượng trong xã hội. Năm 2018, tạp chí kinh tế Forbes bình chọn 10 người “hốt bạc” nhiều nhất trên nền tảng Google đều đạt hơn 10 triệu USD (khoảng hơn 230 tỷ đồng). Còn tại Việt Nam, chỉ nói riêng Youtube, các kênh dẫn đầu với lượng theo dõi “khủng” phải kể tới “Lâm Vlog”, “Bà Tân Vlog”…. cùng các nghệ sĩ có tên tuổi trong làng showbiz Việt hiện giờ.

Nhiều tỉ đồng tiền thuế đã được truy thu từ các kênh mạng xã hội
Nhiều tỉ đồng tiền thuế đã được truy thu từ các kênh mạng xã hội 

Để đủ điều kiện bật tính năng kiếm tiền, kênh này phải có ít nhất 4.000 giờ xem trong 12 tháng gần nhất cho toàn bộ video, 1.000 người đăng ký theo dõi (subscribe) và đạt 10.000 lượt xem (view) thật. Cứ 1.000 lượt xem, chủ kênh có thể thu về từ 0,3 – 0,5 USD (từ 7.000 – 12.000 VND). Chủ kênh cũng có thể kiếm thêm tiền từ tiền quảng cáo, qua việc liên kết tài với Google Adsense - một dịch vụ phân phối quảng cáo của Google. Khi kết nối với dịch vụ này, video tải lên mạng sẽ hiển thị quảng cáo của những đối tác Google, tiền kiếm được sẽ thông qua người dùng xem quảng cáo. Đơn cử, kênh “Lâm Vlog” đã có khoảng hơn 2,8 triệu người theo dõi, và đã có hơn 865 triệu lượt xem video (theo một thống kê của SocialBlade). Theo ước tính sơ sơ, kênh này có thể kiếm được từ khoảng 1,36 tỉ đồng - 21,8 tỉ đồng mỗi tháng. Với mức thuế cho các cá nhân kinh doanh qua mạng phải đóng tổng cộng là 7%, thì chủ kênh phải đóng một số tiền không hề nhỏ.

Tuy nhiên, hiện tại các chủ kênh này đóng thuế như thế nào còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Thực tế cho thấy, chỉ khi bị phát hiện họ mới có động thái phối hợp để nộp thuế. Theo số liệu thống kê gần nhất của SocialBlade, kênh “Bà Tân Vlog” sở hữu khoảng 3,26 triệu người theo dõi và hơn 353,47 triệu lượt xem các video.Hay trong giới văn nghệ sĩ, kênh YouTube của Mỹ Tâm, Ngô Kiến Huy, Sơn Tùng M-TP, Jack, K-ICM, Đen Vâu, Ngô Kiến Huy... đều sở hữu hàng trăm triệu lượt view, thu nhập có thể từ vài trăm triệu tới vài tỉ đồng mỗi tháng.

Thách thức trong môi trường số

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các cá nhân có nguồn thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên thuộc đối tượng kinh doanh và các thu nhập từ YouTube hay Facebook đều thuộc đối tượng chịu thuế, mức nộp là 7%, bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân. Nếu không tự giác kê khai nộp thuế hay cố tình chây ì nộp thuế, các cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính và thậm chí khi số thuế lớn có thể chuyển sang truy tố hình sự.

Tại Trung Quốc, các nghệ sĩ chậm đóng thuế bị "bêu" tên trên mạng
 Tại Trung Quốc, các nghệ sĩ chậm đóng thuế bị "bêu" tên trên mạng 

Tuy nhiên, vấn đề truy thu thuế đang gặp phải nhiều khó khăn. Đơn cử, nếu phía các tập đoàn đa quốc gia như Google, Facebook không phối hợp cung cấp các số liệu liên quan tới tài khoản người dùng thì ngành thuế vẫn phải “dò dẫm” để tìm ra những đối tượng không kê khai thuế hoặc gian lận trong kê khai thuế. Sở dĩ đây là vấn đề phức tạp bởi điều này liên quan đến chính sách bảo mật thông tin của các tập đoàn này đối với người dùng, trong đó có bảo mật về thu nhập.

Trả lời báo chí, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, cho rằng: Cần các tập đoàn đa quốc gia phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và cơ quan thuế để truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Đặc biệt, tất cả ví điện tử, hay thẻ visa, thẻ master... đều phải thông qua Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được hoạt động, đặc biệt là các dòng tiền từ chi trả từ nước ngoài.

Cũng cần cả sự vào cuộc của Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông để giám sát, quản lý thu thuế thương mại điện tử hiệu quả. Mặt khác, cơ quan thuế cũng phải tăng cường, nâng cao trình độ nhân sự và áp dụng công nghệ để theo dõi, thống kê và quản lý số lượng cá nhân trên các mạng. Ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác nộp thuế, việc công khai danh tính các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có biểu hiện né thuế, chây ì nộp thuế là điều cần thiết nhằm mang tính răn đe lớn đối với xã hội. Động thái này đã được áp dụng ở nhiều nước, ví như Trung Quốc, nhằm góp phần làm giảm số người có hành vi gian lận, trốn thuế từ áp lực công chúng, dư luận.

Đọc thêm