Khác biệt không chỉ ở xưng hô
Là một người con trai sinh ra ở vùng đất Kinh Bắc, chịu ảnh hưởng của nền giáo dục đậm chất truyền thống Bắc bộ, nhưng anh Vũ Quang Ninh lại lập nghiệp và kết hôn với một cô gái tận Cần Thơ sông nước.
Sống ở vùng đất trung tâm của miền Tây Nam bộ, anh đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, và phải tập dần thích nghi với lối sống hoàn toàn khác biệt với những gì anh đã trải qua từ bé đến nay. Dễ thích ứng nhất là thay đổi cách xưng hô.
Ở quê nhà, anh gọi bố, mẹ đã quen miệng, nay bắt đầu tập dần với cách gọi ba, má của người Nam bộ. Ban đầu, anh còn ngỡ ngàng, sau đó cũng từ từ quen dần. Vui nhất là các anh em trong gia đình vợ, anh vẫn thường lẫn lộn tứ tung, do cách gọi hai miền khác nhau.
Người anh trai trưởng trong nhà, gia đình vợ anh ai cũng gọi “anh hai”. Trong khi, với người miền Bắc, “anh hai” chính là anh thứ, còn người anh trưởng thì gọi là “anh cả”.
Vì thế, anh cứ nhầm lẫn gọi anh ba là anh hai, rối hết cả lên. Rồi xưng hô cũng dần đi vào ổn định, chỉ có cách ăn uống, với anh là khá khó khăn. Người miền Bắc chú trọng ăn khẩu vị vừa phải, thậm chí hơi mặn, trong món ăn luôn dùng bột ngọt nêm nếm. Còn gia đình vợ, như bao cư dân miền Nam khác, không dùng bột ngọt mà thay bằng đường.
Thời gian đầu, anh thấy món nào cũng như chè, ngán ngẩm vô cùng, không ăn thì sợ bị trách, mà ăn thì… nuốt không trôi. Nhưng, có yêu thương thì tất cả đều vượt qua được, dần dà anh đã quen và thậm chí yêu thích cách gọi dân dã cũng như sự phong phú của món ăn nơi đây.
Tất nhiên, sự khác biệt hai miền Nam – Bắc không chỉ ở cách xưng hô và phong vị ẩm thực, mà thực sự nằm ở chiều sâu hơn, đó là cách sống, cách sinh hoạt, ứng xử, nền tảng giáo dục… Chị Thái Minh Lan, một cô gái Sài Gòn ra làm dâu đất Bắc đã thực sự thấm thía nỗi khó khăn từ sự khác biệt này. Là người Đông Nam Bộ, chị Lan xuề xòa trong cách sống, cách ứng xử.
Thời gian đầu, chị thực sự bị sốc khi luôn được cha mẹ chồng nhắc nhở dậy sớm, dọn dẹp nhà cửa, mời cha mẹ chồng ăn sáng, luôn chào hỏi khi đi đâu về, chào hỏi cả xóm giềng nếu gặp, bữa cơm phải đầy đủ mọi thành viên, luôn mời mọi người trong gia đình trước khi ăn cơm…
Quá nhiều quy tắc khiến chị thấy áp lực, trong khi thời còn sống ở nhà, gia đình chị không quá chú trọng phải ăn chung. Nhà buôn bán, ai rảnh giờ nào ăn giờ nấy để còn trông hàng, thích thì đi ăn tiệm. Về nói năng, nhiều khi không cần phải kiêng dè trên dưới. Thậm chí, nhiều gia đình, các anh chị em trong nhà còn xưng hô ông, bà, tui… với nhau.
Nhưng, đi qua thời điểm ban đầu, chị Lan hiểu ra, không phải cha mẹ chồng cố ý bắt lỗi mình, mà đó thực sự là khác biệt trong cách sống, trong văn hóa ứng xử giữa hai miền Nam – Bắc. Sinh con rồi, chị Lan ngẫm nghĩ và thấy rằng, cách sống của người Nam thật thoải mái, dễ chịu, hồn nhiên, nhưng cách sống của một gia đình truyền thống miền Bắc cũng chứa đựng nhiều điều hay, đó là sự trọng giá trị gia đình, gắn kết chặt chẽ giữa các thành viên, kính trên nhường dưới, và đặc biệt là chú trọng giáo dục con trẻ từ xưng hô đến hành xử, lối sống…
Chị thấy biết ơn bố mẹ chồng đã rất yêu thương, có trách nhiệm với vợ chồng mình và luôn quan tâm dạy dỗ cháu chắt.
Những màu sắc văn hóa gia đình Việt
Không chỉ hai miền Nam – Bắc nhiều khác biệt, với sự đa dạng văn hóa, gia đình của miền Trung cũng lại mang một màu sắc rất khác, rất riêng so với hai miền còn lại. Cái câu “ăn Bắc, mặc Nam, ở Trung” cũng là nói đến cái khác biệt về sinh hoạt của mỗi miền. Đúng là, người miền Bắc đặc biệt chú trọng đến bữa ăn, đến chất lượng, số lượng món ăn, đến cách ăn. Bữa ăn được coi là bữa sum họp không thể thiếu của gia đình.
Bữa ăn cũng là một cách để giáo dục, hình thành cách sống, cách hành xử của mỗi người. Để từ đó có các câu thành ngữ ra đời như “ăn coi nồi ngồi coi hướng”, “ăn cho nên đọi nói cho nên lời”. Với người miền Nam, tiếp thu các nền văn hóa phương Tây, chuyện mặc, tức là ngoại hình lại rất được chú trọng.
Và miền Trung luôn hứng chịu các cơn thịnh nộ của thiên nhiên thì luôn phải có mái nhà vững chãi chở che, vì thế mà mái nhà cực kì quan trọng với họ. Những truyền thống ấy thấm dần, thành nếp sống. Nói về vun vén nhà cửa, gia đình tươm tất, sạch sẽ, mọi thứ đâu vào đấy phải kể đến người phụ nữ Trung bộ. Về chăm lo miếng ăn giấc ngủ, hy sinh cho chồng con, người vợ miền Bắc ở hàng đầu. Và bươn chải bên ngoài, năng động, nhanh nhạy, không ai bằng người phụ nữ miền Nam.
Sự khác biệt ở mỗi vùng miền còn thể hiện ở vai trò người đàn ông trong gia đình. Người ta thường nói, đàn ông miền Trung “gia trưởng”. Điều này có phần đúng, nguyên do là truyền thống của người Trung từ thời phong kiến đến nay, người đàn ông luôn là trụ cột trong nhà, luôn là cái kèo, cái cột, chống đỡ cả gia đình.
Người đàn ông ấy có thể hy sinh mọi thời gian, sức khỏe để làm lụng, cho vợ con có cuộc sống ấm no. Và ngược lại, chính vì thế mà họ cũng có tiếng nói lớn, gần như độc tôn trong nhà, được quyền quyết định hầu như mọi chuyện và đòi hỏi sự yêu thương, phục tùng của các thành viên trong gia đình.
Với gia đình miền Bắc, vai trò của người đàn ông vẫn lớn, nhưng một đặc tính của đàn ông Bắc bộ là tuy có thể “quyền lực” trước vợ, nhưng luôn chiều con, lo lắng mọi thứ cho con. Về phía gia đình miền Nam, vị trí trụ cột dần dà được chia ra cho cả hai vợ chồng, vị trí của người chồng không tách biệt so với các thành viên còn lại.
Về vai trò của con cái đối với cha mẹ, cũng có sự khác biệt tương đối đáng kể ở mỗi vùng miền. Nếu như người miền Trung, miền Bắc đòi hỏi ở con cái sự lễ nghĩa, kính trọng cha mẹ ở từng lời ăn, tiếng nói, ứng xử thì người miền Nam xuề xòa, bình đẳng, con cái có tiếng nói hơn…
Trong chuyện học hành của con cái thì người miền Trung, miền Bắc, miền Nam cũng có khác nhau khá rõ nét. Người Bắc luôn muốn con theo con đường học vấn, học càng cao càng danh giá, người Trung cũng chú trọng học vấn và hướng con trở thành người giỏi, thực tế trong lĩnh vực mình theo học. Còn miền Nam, thực tế hơn, “bình đẳng” hơn, cho con cái tự chọn con đường của mình, hướng đến những nghề nghiệp thực tế, làm thợ, làm ăn kinh doanh theo truyền thống gia đình…
Khác biệt làm nên điều đặc biệt
Và còn nhiều, rất nhiều những khác biệt thú vị trong đặc trưng gia đình ba miền Nam - Trung - Bắc trên đất nước nho nhỏ hình chữ S này. Tuy nhiên, sự khác nhau ấy cũng được dung hòa dần theo thời gian, theo sự hòa nhập về văn hóa.
Dần dà, người ta đã thấy những gia đình miền Bắc sống phóng khoáng hơn, những gia đình miền Nam kĩ lưỡng trong giáo dục hành xử, lời ăn tiếng nói hơn, nhưng người chồng miền Trung chiều chuộng vợ, tôn trọng tiếng nói của con. Dường như, trong quá trình giao lưu văn hóa các vùng miền, bắt đầu có sự đào thải những “nết dở”, học hỏi nhưng cái hay của nhau.
Dù có khác biệt, dù có đôi khi hơi “chỏi” nhau, có đôi khi khó thích ứng với những người lớn lên ở vùng này nhưng lập gia đình miền khác, thì những khác biệt ấy vẫn nằm trong một đặc trưng lớn của người Việt, đó là sự gắn kết gia đình, sự yêu thương, trân trọng lẫn nhau. Những khác biệt ấy đã làm nên một bản sắc rất riêng, rất đặc biệt và đậm chất Việt Nam.