Thừa Thiên Huế: Ngăn chặn chiếm dụng trái phép mặt nước tại đầm phá Tam Giang - Cầu Hai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tình trạng chiếm dụng mặt nước, quây lưới nuôi trồng và khai thác thủy sản tự phát trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai thuộc hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á hiện ở mức đáng báo động. Trước thực trạng này, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết liệt xử lý những trường hợp vi phạm để trả lại môi trường phát triển thủy sản tự nhiên.
Các cơ quan chức năng phối hợp và huy động nhân lực, máy móc tháo dỡ lưới vây lấn chiếm mặt nước trái phép trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Các cơ quan chức năng phối hợp và huy động nhân lực, máy móc tháo dỡ lưới vây lấn chiếm mặt nước trái phép trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng hơn 22.000ha trải dài 68km thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và TP Huế. Đây là đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á và là nơi mưu sinh của hàng nghìn ngư dân Thừa Thiên Huế. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện huyện Phú Vang có diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất, chiếm hơn 57%; huyện Phú Lộc chiếm hơn 21%; còn lại thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền có tỷ lệ NTTS chiếm diện tích đầm phá không nhiều.

Điều đáng nói, trong thời gian qua, hàng trăm ngư dân ở các địa phương ven phá thuộc huyện Phú Vang đã sử dụng các loại cọc tre, cọc gỗ, lưới vây để khoanh vùng chiếm dụng mặt nước đầm phá NTTS. Trong đó xã Vinh Hà (huyện Phú Vang) có 266 hộ dân chuyên nuôi, đánh bắt thủy sản theo hình thức vây lưới trên diện tích 419ha mặt nước. Với hiện trạng các hộ gia đình vây lưới làm rọ sáo để NTTS như hiện nay đã làm cho mặt nước đầm phá chằng chịt, gây cản trở nghiêm trọng đến luồng lạch giao thông thủy, dòng chảy, làm ô nhiễm môi trường đầm phá, ảnh hưởng đến NTTS. Phần lớn diện tích vây lưới là tự phát, lấn chiếm, dẫn đến mật độ rọ sáo ngày càng dày đặc, không chỉ phá vỡ tính bền vững trong khai thác thủy sản đầm phá, mà còn ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và các mối quan hệ vùng ven bờ, đặc biệt nguy cơ gây ra những hậu quả khó lường khi có dịch bệnh xảy ra, dễ lây lan trên diện rộng.

Trước tình trạng chiếm dụng mặt nước tự phát trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai để NTTS, mới đây vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2023, các lực lượng chức năng của huyện Phú Vang đã ra quân tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ lưới vây, cọc tre, nhằm lập lại trật tự nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên vùng đầm phá. Qua nhiều đợt vận động, đến nay có nhiều người dân đồng tình hưởng ứng chủ trương tháo dỡ, giải tỏa lưới vây, trộ sáo tự phát. Trong đó, tại xã Vinh Hà, lực lượng Công an xã cùng với chính quyền địa phương đã vận động hơn 180 hộ dân ký cam kết tự nguyện tháo dỡ lưới vây, cọc tre để từng bước giải phóng diện tích mặt nước đầm phá bị chiếm dụng.

Anh Trần Văn Liên (ngư dân xã Vinh Hà) cho biết: “Gia đình làm nghề cá trên đầm phá từ nhiều năm nay theo hình thức vây lưới chắn sáo và đánh bắt tự nhiên. Sau khi được cán bộ Công an xã và chính quyền địa phương tuyên truyền, gia đình tôi đã tự nguyện tháo dỡ hết số cọc cắm trên phá Tam Giang và thu dọn lưới vây. Chúng tôi sẽ thực hiện lại việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên đầm phá đúng với quy định của cơ quan chức năng”.

Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế), sau khi giải tỏa lưới vây, giải phóng mặt nước đầm phá, chính quyền địa phương sẽ tổ chức kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời và cương quyết cưỡng chế, xử lý những trường hợp tái vi phạm. Bên cạnh đó, huyện Phú Vang đã xây dựng phương án sắp xếp, quản lý các hoạt động khai thác, NTTS trên vùng đầm phá toàn huyện nhằm bảo vệ hệ sinh thái, khơi thông luồng lạch, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, trả lại môi trường phát triển thủy sản tự nhiên.

Ngoài ra, hiện các sở, ngành, địa phương cũng đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành cơ chế chính sách hợp lý và hiến kế các giải pháp hiệu quả để nâng tầm giá trị, thương mại hóa sản phẩm thủy sản vùng đầm phá, qua đó tạo sinh kế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Từ đó hướng đến việc khai thác, NTTS trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai theo hướng bền vững, bảo vệ tài nguyên môi trường vùng đầm phá.

Đọc thêm