Thừa Thiên - Huế 'ngập' trong biển nước, nhiều địa phương bị chia cắt

(PLO) -Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết chiều và đêm qua (20/11), không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ và một số nơi thuộc Trung Trung bộ.
 
Nước đã tràn vào nhà dân ở xã Quảng Thọ
Nước đã tràn vào nhà dân ở xã Quảng Thọ

Do hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh tăng cường, từ Quảng Trị đến Đà Nẵng tiếp tục có mưa to đến rất to. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng ở vùng trũng thấp tại các địa phương này. Đặc biệt là ở các huyện Hướng Hóa, Đăkrông (Quảng Trị); Phong Điền, Phú Lộc, Hương Thủy, Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên-Huế); Hòa Vang (xã Hòa Phú, Hòa Bắc, Đà Nẵng). 

Đồng thời, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt cục bộ ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, TP Đông Hà (Quảng Trị); Hương Trà, Phú Vang, thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Hôm qua (20/11), do ảnh hưởng của không khí lạnh và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão số 14 nên tại Thừa Thiên -Huế xảy ra mưa to trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, có nơi lớn như tại Trạm A Lưới 228mm, Tà Lương 281mm, Bạch Mã 247mm khiến nhiều địa phương thấp trũng ở Cố đô Huế lại bị ngập trong nước lũ.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đã ban hành lệnh yêu cầu Nhà máy thủy điện Bình Điền vận hành điều tiết qua tràn và qua tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng 1.500m3/s trước 12h ngày 20/11; để đưa dần mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ (80,6m). Đồng thời yêu cầu Nhà máy thủy điện Hương Điền vận hành điều tiết với lưu lượng khoảng 1.500m3/s, đưa dần mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ (56m).

Mưa lớn kèm theo lượng nước do các hồ thủy điện xả điều tiết lũ đã khiến nhiều địa bàn thấp trũng thuộc các huyện, thị xã như Hương Thủy, Hương Trà, Quảng Điền, Phong Điền... thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập lụt cục bộ; nhiều tuyến đường tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, liên xã, nông thôn bị chia cắt do nước lũ dâng cao.

Tại địa bàn các xã thấp trũng  như Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng Thái... thuộc huyện Quảng Điền; thị xã Hương Trà có hàng trăm nhà dân bị ngập trong nước lũ, nhiều tuyến đường, khu dân cư nằm ven sông cũng bị nước lũ dâng cao gây ngập cục bộ, có nơi ngập sâu hơn 1,5m, người dân phải di chuyển bằng ghe, đò. 

Tại TP Huế,  nước đã tràn qua Đập Đá, nhiều tuyến đường chủ yếu vẫn ngập cục bộ do mưa lớn gây ra như đường Hùng Vương, Trần Quang Khải, Đống Đa... Các dự án liên quan đến đô thị, thoát nước cũng được đơn vị thi công gấp rút chằng chống, gắn bảng cảnh báo người lưu thông trên đường...

Trước tình hình này, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên Huế yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP Huế khẩn trương triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ, thông báo đến người dân tình hình lũ phức tạp trên các sông, đặc biệt là sông Hương, để chủ động đối phó.

Các địa phương cũng chủ động triển khai sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở núi, vùng gò đồi, ven sông suối, ven biển, đầm phá. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán dân, cứu hộ cứu nạn; canh gác, hướng dẫn giao thông tại các vùng ngập sâu. Chủ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm lệnh vận hành xả lũ nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Đường sắt Bắc - Nam bị tê liệt do sạt lở ở đèo Hải Vân

Vào khoảng 12h30’ ngày 20/11, đoàn tàu SE3 bị mắc kẹt tại Km 758 + 400 ở khu gian Lăng Cô - Hải Vân Bắc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) do sạt lở núi, khi trên hành trình từ Hà Nội vào TP HCM. Đường sắt Bắc - Nam lại tiếp tục bị ách tắc sau vài hôm thông tuyến trở lại. Mưa lớn vẫn diễn ra tại khu vực sạt lở nên chưa thể thực hiện công tác khắc phục. 

Tàu SE3 đã được đẩy tàu về lại ga Lăng Cô chờ thông đường. Dự kiến lịch trình của tàu SE3 sẽ chậm lại ít nhất 5 giờ đồng hồ. Sự việc đã ảnh hưởng tới toàn bộ lịch trình chạy tàu của ngành đường sắt. Tổng Công ty Đường sắt chưa thể đưa ra cụ thể thời gian thông tuyến cũng như thống kê bao nhiêu hành khách và chuyến tàu sẽ bị ảnh hưởng bởi sự cố này.

Trước đó, ảnh hưởng của bão số 14, đường sắt Bắc - Nam tê liệt 10 ngày tại vị trí đèo Cả đoạn từ Km 1226+780 đến Km 1226+825. Ngành đường sắt đã phải huy động hàng trăm công nhân, máy móc đến ngày 15/11 mới thông tuyến. Sự cố khiến hàng trăm chuyến tàu bị ảnh hưởng.

Đọc thêm