Thừa Thiên Huế nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hút vốn FDI

(PLVN) - Với lợi thế là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây, khu di sản văn hóa thế giới..., Thừa Thiên- Huế có nhiều tiềm năng và cơ hội về thu hút đầu tư...
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế và Công ty TNHH AEONMALL ký kết Bản ghi nhớ để thực hiện đầu tư trung tâm thương mại AEON MALL tại Thừa Thiên-Huế.

Những năm gần đây, Thừa Thiên- Huế đã vươn lên trở thành một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với nhiều dự án hàng tỷ USD và bắt đầu có sự chuyển dịch theo hướng ưu tiên phát triển công nghệ, lợi thế sẵn có của tỉnh.

Đóng góp hơn 26% ngân sách

Thời gian qua, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh Thừa Thiên- Huế đã và đang gặp không ít khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Song với nỗ lực “biến nguy thành cơ”, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có những sáng tạo, đổi mới trong công tác, quản lý điều hành, phấn đấu hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế...

Theo đó, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn có những bước tăng trưởng mạnh. Nhiều doanh nghiệp còn mở rộng quy mô sản xuất, tận dụng lợi thế nguồn lao động địa phương tạo nên những bứt phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần không nhỏ trong đảm bảo an sinh trước khó khăn của dịch bệnh.

Doanh nghiệp FDI có đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách.

Số liệu thống kê cho thấy khu vực FDI cuối năm 2021 đã đạt doanh thu hơn 1.200 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ, nộp ngân sách đạt 129 triệu USD, tăng 19,5% và chiếm 26,2% trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh.Một trong những điểm sáng của khu vực này phải kể đến Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam khi doanh nghiệp này đóng góp ngân sách lớn nhất cho tỉnh với mức 88,3 triệu USD, chiếm 68,4% trong tổng thu ngân sách của khu vực FDI.

Ngoài ra, dù chịu tác động mạnh của dịch COVID-19, song nhiều doanh nghiệp FDI nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may vẫn tăng trưởng mạnh. Trong đó, Công ty Scavi Huế đã đầu tư thêm nhà máy tại Khu công nghiệp Quảng Vinh (Quảng Điền) dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào quý II/2022 và sẽ giải quyết việc làm cho hơn 8.000 lao động địa phương; đồng thời đóng góp ngân sách 12 triệu USD, tăng hơn 3,5 lần so với năm 2020.

Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnhThừa Thiên-Huế, ngoài đóng góp vào ngân sách, các doanh nghiệp FDI có những đóng góp lớn trong giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động địa phương, góp phần không nhỏ nâng cao đời sống người dân.

Tính đến cuối năm 2021, số lao động hoạt động trong khu vực này đạt hơn 25.000 người, trong đó, các doanh nghiệp dệt may giải quyết nhiều lao động với mức lương bình quân cao hơn so với trong khu vực Nhà nước hoặc khu vực ngoài Nhà nước. Khu vực FDI cũng gián tiếp tạo việc làm cho nhiều lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ hay các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa.

Thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn

Trong năm 2021, dù không xúc tiến thu hút nhiều dự án FDI mới như kỳ vọng nhưng thông qua các hoạt động kết nối đầu tư, Thừa Thiên Huế vẫn có được những dự án lớn.Theo đó, vào cuối tháng 11/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế và Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam đã thảo luận và đồng ý ký kết Bản ghi nhớ để thực hiện Quyết định đầu tư trung tâm thương mại AEON MALL tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 170 triệu USD Mỹ.

Sau ký kết, những ngày đầu năm 2022, dự án Trung tâm Thương mại AEON MALL của Nhật Bản đã được triển khai sôi động với hoạt động khoan địa chất khảo sát để triển khai xây dựng các hạng mục đầu tiên tại Khu đô thị mới An Vân Dương.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Nguyễn Văn Phương đã có chuyến công tác tại Nhật Bản cùng Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, tỉnh rất phấn khởi khi ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với các đối tác Nhật Bản; trong đó có dự án Trung tâm thương mại AEON MALL. Đây là một tín hiệu tốt nhằm tăng cường sự hợp tác giữa hai bên để đầu tư một khu trung tâm thương mại lớn tại Huế mang thương hiệu, tiêu chuẩn Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên- Huế đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Tập đoàn Banyan tree (Singapore), Công ty HBI (Hoa Kỳ),Công ty China Everbright International Limited (Trung Quốc), Tập đoàn Caribbean Cruise (Hoa Kỳ), Luks HongKong… với những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế trong nước và quốc tế.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các dự án FDI tại Thừa Thiên- Huế thời gian qua đã thu hút vốn lớn, công nghệ và quản lý hiện đại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 114dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư là4 tỷ USD. Vàngay trong năm 2021, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tưcho 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 169,1 triệu USD (tương đương 3,873 nghìn tỷ đồng).

Cũng theo ông Phan Quốc Sơn, một trong những thành công lớn nhất trong công tác xúc tiến đầu tư chính là Thừa Thiên- Huế đang xây dựng được môi trường kinh doanh theo hướng thân thiện, tiết giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp bằng việc nâng cao các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh như PCI, PAPI, PAR Index.

Đồng thời, việc triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành và địa phương cấp huyện theo hướng mở, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện dần các hoạt động hỗ trợ theo hướng thực chất, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án đang được Thừa Thiên- Huế triển khai.

Năm 2022, Thừa Thiên- Huế triển khai công tác xúc tiến đầu tư theo hướng tăng cường công tác thu hút đầu tư, tập trung hỗ trợ, đôn đốc tiến độ triển khai, và kiên quyết xử lý các dự án vi phạm tiến độ đầu tư. Giới thiệu đầu tư trực tuyến, tích cực tham gia các diễn đàn trực tuyến do các cơ quan bộ, ngành Trung ương để giới thiệu, kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng.

Đọc thêm