Theo đó, điểm sạt lở trên QL49 này tại Km 49 +300 (đèo Kim Quy) qua địa bàn xã Bình Tiến (Hương Trà). Đây là đoạn đường đèo đi giữa hẻm núi, có độ dốc lớn, bị sạt trong đợt mưa lớn đêm 13, rạng ngày 14/10 với khối lượng các đợt trên 10.000m3 đất đá.
Trong mưa lụt, cơ quan bảo trì đường bộ đã cử công nhân ra mặt đường tổ chức thông xe một vệt. Tuy nhiên, mưa lớn trong những ngày tiếp theo đã kéo một lượng lớn đất bùn từ đỉnh núi xuống vùi lấp hẻm núi. Nhiều xe qua khu vực này bị trôi dốc do mặt đường còn nhiều bùn đất buộc đơn vị bảo trì đường bộ phải ứng cứu miễn phí…
Để đảm bảo tiến độ khắc phục điểm sạt lở, Văn phòng quản lý đường bộ II.5 (Bộ GTVT) đã thống nhất với chính quyền địa phương đề nghị Công an tỉnh hỗ trợ đóng đường từ 19 giờ ngày 17/10 để đơn vị bảo trì thi công.
Dự kiến đến 19h ngày 18/10 sẽ khắc phục xong điểm sạt lở và thông xe.
Do ảnh hưởng mưa lớn vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất hiện 37 điểm sạt lở tập trung nhiều nhất ở huyện Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông. Hiện trên tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 49 qua địa bàn A Lưới, Hương Trà xuất hiện nhiều điểm nguy cơ sạt trượt trong mùa mưa bão. Ngành giao thông đang tiếp tục bố trí lực lượng kiểm tra, kịp thời khắc phục nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Tại Quảng Bình, từ đầu năm đến nay, tỉnh bị thiệt hại do thiên tai hơn 220 tỷ đồng. Đáng chú ý, do ảnh hưởng của bão số 4 trên địa bàn đã có mưa vừa đến mưa to, gió giật đến cấp 8. Đặc biệt từ ngày 9-10/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh, đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, lượng mưa cao nhất đo tại Thượng Hóa (Minh Hóa) là 269,4mm.
Toàn tỉnh có 40 điểm bị ngập lụt, 7 điểm giao thông bị sạt lở, nhiều khu vực bị ngập lụt, chia cắt, tập trung tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa và Quảng Ninh; 1 cầu giao thông tại xã Thuận Đức (TP Đồng Hới) bị sập và cuốn trôi; bờ sông Gianh đoạn thôn Sảo Phong, xã Phong Hóa (Tuyên Hóa) bị sạt lở dài 75m, ảnh hưởng trực tiếp 2 hộ/12 nhân khẩu, trong đó 1 hộ đã di dời khẩn cấp; về nuôi trồng thủy sản có khoảng 0,6 ha bị trôi, ước tính thiệt hại 150 triệu đồng.
Do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 5, huyện Lệ Thủy bước đầu ước tính thiệt hại hơn 7 tỷ đồng. |
Thống kê của UBND tỉnh Quảng Bình, thiệt hại do bão số 4 gây ra gần 15 tỷ đồng, nâng tổng thiệt hại do thiên tai từ đầu năm đến nay lên hơn 214 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về nông, lâm, diêm nghiệp gần 178 tỷ đồng; thủy sản hơn 21,6 tỷ đồng; thủy lợi 630 triệu đồng; giao thông 14 tỷ đồng.
Về thiệt hại do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 5 đang được thống kê, riêng địa bàn huyện Lệ Thủy bước đầu ước tính trên 7 tỷ đồng.
Để sớm khắc phục hậu quả do mưa lũ, nhằm ổn định đời sống, sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Bình đề xuất trung ương hỗ trợ 110.934 triệu đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân ổn định cuộc sống sau mưa lũ.