Thừa Thiên Huế: Tín hiệu tích cực từ những dự án lớn được khởi công

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thế nhưng từ những tháng đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều dự án lớn bắt đầu khởi động, đưa vào vận hành góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách địa phương. 
Tàu du lịch cập cảng Chân Mây - Lăng Cô.
Tàu du lịch cập cảng Chân Mây - Lăng Cô.

Nhiều dự án đi vào hoạt động

Những tháng đầu năm 2021, nhiều dự án lớn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng loạt đi vào hoạt động, trong đó phải kể đến dự án nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam. Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều dự án, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân sự; tuy nhiên việc nhà máy này đi vào hoạt động đã tiếp nhận một nguồn lao động tại chỗ lớn, góp phần ổn định đời sống người dân. Giai đoạn 1, tuyển khoảng 500 nhân công và khi giai đoạn 2 đưa vào vận hành sẽ cần thêm đến 2.500 lao động phổ thông vào làm việc.

Bên cạnh đó, đầu tháng 4/2021, dây chuyền chế biến cát hiện đại của dự án Nhà máy Hue Premium Silica thuộc Tập đoàn Việt Phương (tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) đã hoàn thiện và bắt đầu chạy thử sau hơn 1 năm đầu tư trang bị công nghệ chế biến cát và xây dựng đội ngũ nhân sự. Nhà máy có tổng vốn đầu tư khoảng 850 tỷ đồng, với dây chuyền công nghệ chế biến cát hiện đại chuẩn EU. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ khai thác hiệu quả nguồn cát trắng làm nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp kính solar với công suất thiết kế trên 345.000 tấn/năm. Dự án vận hành sẽ góp phần giải quyết việc làm và đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương.

Thừa Thiên Huế cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với địa phương.Thừa Thiên Huế cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với địa phương.

Ngoài ra, các dự án trọng điểm đi vào hoạt động góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách cho Thừa Thiên Huế như: Xi măng Đồng Lâm, gạch Vitto, vỏ lon nhôm, điện mặt trời Phong Điền, Tổ hợp trung tâm thương mại Vincom Hùng Vương…Một số dự án thuộc lĩnh vực dệt may, khai thác khoáng sản, các dự án đầu tư trong khu công nghiệp thực hiện đúng tiến độ tại giấy chứng nhận đầu tư được cấp, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo.

Để có được những chuyển biến tích cực trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành quyết liệt hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, đảm bảo thực hiện kêu gọi đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thành thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định. Tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đã thành lập tổ công tác liên ngành 1803, theo dõi sát sao từng dự án trọng điểm cụ thể, nắm bắt những khó khăn và vướng mắc của các nhà đầu tư để báo cáo, đề xuất phương pháp giải quyết.

Mặt khác, Thừa Thiên Huế cũng hỗ trợ thủ tục để đẩy nhanh tiến độ khởi công các dự án mới đã cấp phép đầu tư; đẩy mạnh hỗ trợ thủ tục cho các dự án phát triển sản xuất, trong đó chú trọng các dự án lớn, tạo giá trị gia tăng, nguồn thu ngân sách có tác động lớn đến tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh.

Các dự án đầu tư chế biến được ưu tiên trong kêu gọi đầu tư.Các dự án đầu tư chế biến được ưu tiên trong kêu gọi đầu tư.

Theo ông Nguyễn Đại Vui - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, mục tiêu đặt ra là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh hướng đến môi trường thân thiện, an toàn, công khai minh bạch; tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Thời gian qua, công tác cải cách hành chính luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt và có những bước tiến quan trọng.

Tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, duy trì tổ chức gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp định kỳ để phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước, thông tin về xây dựng, đầu tư, đất đai, quy hoạch…; nắm tình hình, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu thu hút 20 dự án trong năm 2021

Trên cơ sở nhận định trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư, các công ty đa quốc gia trên thế giới đang dần dịch chuyển và mở rộng đầu tư sang các quốc gia ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trương xây dựng môi trường đầu tư theo hướng công khai, minh bạch. Các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn đều được UBND tỉnh ban hành danh mục kêu gọi đầu tư và thông tin chi tiết dự án. Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2021 cũng được ban hành nhằm nắm bắt cơ hội vàng trong thu hút đầu tư.

Trong năm 2021, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phấn đấu thu hút 20 dự án với tổng vốn đăng ký 10.000 tỷ đồng; trong đó, 5 đến 10 dự án FDI với vốn đăng ký 200 triệu USD. Tổng số doanh nghiệp thành lập đạt từ 800-850 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Việc chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện từ bên trong được quan tâm hơn. Các thông tin, điều kiện sẵn sàng để kêu gọi vào lĩnh vực ưu tiên, như: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp; du lịch - dịch vụ, thương mại; công nghiệp công nghệ thông tin… đều được chuẩn bị kỹ lưỡng.

Phối cảnh Dự án Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Phối cảnh Dự án Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng thông tin gần 200 dự án; trong đó, có 16 dự án được công bố thông tin chi tiết sẵn sàng kêu gọi đầu tư. Dự kiến, sẽ xây dựng danh mục các dự án thu hút đầu tư năm 2021-2022 với khoảng 100 dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực tập trung kêu gọi của tỉnh, tập trung vào các địa bàn Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, các khu công nghiệp, khu đô thị mới An Vân Dương…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, với thế mạnh trong xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh công nghệ số, Thừa Thiên Huế luôn ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao; tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng giảm diện tích đất sử dụng, tăng hàm lượng công nghệ, kỹ thuật, khai thác tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, hạ tầng, nguồn nhân lực và các điều kiện thực tế của tỉnh; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí ưu tiên.

Đọc thêm