Thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt tại vùng sâu, vùng xa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa trong nước trong tình hình mới, nhiều Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp khi tổ chức, xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam đã ưu tiên bố trí đặt tại vùng sâu, vùng xa.
Điểm bán hàng Việt Nam được đặt tại cửa hàng tạp hóa Nam Thảo, thôn Vàng Lè, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. (Nguồn ảnh: Báo Tuyên Quang)
Điểm bán hàng Việt Nam được đặt tại cửa hàng tạp hóa Nam Thảo, thôn Vàng Lè, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. (Nguồn ảnh: Báo Tuyên Quang)

Mô hình điểm bán hàng Việt Nam thuộc nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững tại Quyết định số 634/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tiêu chí hàng đầu là hàng hóa được bày bán tại các Điểm bán hàng Việt Nam phải đạt 100% là hàng hóa được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm... được thực hiện dưới sự giám sát của Sở Công Thương.

Theo báo cáo của các Sở Công Thương, tất cả các điểm bán hàng Việt Nam đều đã tăng doanh thu lên 10 - 15% sau khi được hỗ trợ. Sự ra đời của điểm bán hàng Việt Nam đã góp phần khắc phục được tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn bày bán trên thị trường nhất là ở các khu vực nông thôn, giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt hàng hóa và tạo được niềm tin, sự yên tâm khi mua sắm. Từ đó tạo hiệu ứng tích cực, thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bên cạnh đó, điểm bán hàng còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà sản xuất kinh doanh, các tổ chức kinh tế gặp gỡ, liên kết hợp tác đầu tư, khai thác vùng nguyên liệu, phát triển kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa... Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với hàng ngoại nhập và đưa ra lựa chọn đúng đắn, phù hợp.

Riêng tại khu vực miền núi, vùng cao, các điểm bán hàng Việt Nam đã phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa tại chỗ cho người dân. Tại đây, người dân tham quan, tiếp cận mua sắm những mặt hàng Việt Nam sản xuất với chất lượng cao, giá cả phù hợp, góp phần bình ổn thị trường nông thôn, miền núi.

Đơn cử, trong tháng 10 vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ xây dựng 1 điểm bán hàng Việt Nam tại xã Chiêu Yên (Yên Sơn). Điểm bán hàng Việt Nam được đặt tại cửa hàng tạp hóa Nam Thảo, thôn Vàng Lè, xã Chiêu Yên (Yên Sơn), nhằm tạo điều kiện để bà con vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận với các mặt hàng sản xuất trong nước với giá bán cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa tại chỗ cho người dân. Qua đó giúp nâng cao kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, tạo thói quen ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho bà con nơi đây, góp phần thúc đẩy hơn nữa sức lan tỏa của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Các hàng hóa được bày bán và giới thiệu đạt 100% là hàng hóa được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm. Chủ điểm bán hàng cam kết duy trì Điểm bán hàng Việt Nam đến năm 2025 dưới sự giám sát của Sở Công Thương tỉnh.

Tại tỉnh Lạng Sơn, Điểm bán hàng Việt Nam của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Thiên Phú (địa chỉ 472 đường Bà Triệu, phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn) cũng được Sở Công Thương lựa chọn thực hiện theo nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững thuộc danh mục của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Điểm bán hàng Việt Nam tại đây thực hiện trưng bày, bán ra thị trường các mặt hàng do các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất và cung ứng. Ngoài ra, điểm bán hàng này còn trưng bày, giới thiệu và bán một số sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn.

Được biết, thời gian tới, Sở Công Thương Lạng Sơn sẽ tiếp tục mở thêm một số Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố và trung tâm các huyện của tỉnh.

Tại tỉnh Phú Thọ, Sở Công Thương và huyện Thanh Thủy đã khảo sát, xây dựng thành công Điểm bán hàng Việt Nam tại hộ kinh doanh Trần Thị Hậu, ở khu Phố, thị trấn Thanh Thủy. Qua ghi nhận cho thấy, điểm bán hàng có quy mô rộng rãi, hàng hóa phong phú có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá sản phẩm được niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết.

Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh tiếp tục nhân rộng các điểm bán hàng Việt Nam cố định tại các huyện, thành, thị để giới thiệu quảng bá các sản phẩm địa phương, thương hiệu hàng Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi để Điểm bán hàng Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở có các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong tỉnh, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng và khách du lịch một cách thuận lợi để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.