Chuyện về thương hiệu gắn liền với tài hoa của người khuyết tật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông qua đôi tay của nghệ nhân Lê Việt Cường - Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art cùng các đồng sự, những mảnh vải vụn của làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) tưởng bỏ đi đã biến thành những bức tranh, sản phẩm sống động, tiếp thêm động lực cho những mảnh đời kém may mắn, là nguồn cảm hứng cho người khuyết tật theo đuổi, nỗ lực kinh doanh, khởi nghiệp.
Đông đảo du khách tới thăm quan và trải nghiệm ghép tranh tại HTX Vụn Art. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Đông đảo du khách tới thăm quan và trải nghiệm ghép tranh tại HTX Vụn Art. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Một ngày thu cuối tháng 10, anh Lê Việt Cường - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vụn Art vinh dự được nhận giải Ba - Giải thưởng Hội thi sản phẩm làng nghề TP Hà Nội năm 2023 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức. Niềm vui, sự nhiệt huyết và kỳ vọng về sự phát triển của Vụn Art hiện lên trong ánh mắt, nụ cười của chàng trai trẻ đầy nghị lực này.

Vượt lên nghịch cảnh

Không may mắn khi mắc bệnh bại liệt từ nhỏ nhưng anh Lê Việt Cường vẫn quyết tâm đi học và tốt nghiệp đại học chuyên ngành Toán - Tin. Trải qua nhiều công việc, thấu hiểu sự khó khăn của những người cùng hoàn cảnh, anh luôn nung nấu ý định làm gì đó để sẻ chia với những người khiếm khuyết.

Sống tại làng nghề lụa Vạn Phúc, nhận thấy những mảnh vải vụn ở xưởng sản xuất khi bỏ đi rất lãng phí, lại gây ô nhiễm môi trường đã nẩy lên cho anh ý tưởng tận dụng những nguyên liệu bỏ đi đó để tạo ra một công việc phù hợp với sức khỏe của người khuyết tật. HTX Vụn Art - ghép tranh từ vải vụn đã ra đời như thế.

Những ngày đầu khi thành lập HTX, anh đi khắp quận Hà Đông tìm những người khuyết tật và khuyến khích họ cùng tham gia mô hình với mình. Mặc dù HTX khi ấy chưa có đầu ra nhưng anh vẫn cố gắng bảo đảm chỗ ăn, chỗ nghỉ cho mọi người. Đồng thời, anh tìm đến các họa sĩ để học hỏi các kỹ thuật làm tranh, tạo hình mỹ thuật… rồi về hướng dẫn lại cho mọi người.

Các sản phẩm đầy màu sắc, độc đáo, sinh động của HTX Vụn Art. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Các sản phẩm đầy màu sắc, độc đáo, sinh động của HTX Vụn Art. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Khi ấy tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ chuyên môn của họa sĩ Đặng Thị Khuê - bà là người đã cố vấn về văn hóa, nghệ thuật và trực tiếp hỗ trợ đào tạo cho các thành viên trong HTX. Từ việc chưa biết phải làm gì, sau đó mọi người đã từng bước hoàn thiện được sản phẩm” - anh Cường chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu trong hành trình “dệt” ước mơ của HTX Vụn Art, anh Cường nói: “Những ngày ấy vô cùng gian nan. Việc dạy nghề cho mọi người không hề dễ dàng, các bạn ở đây thuộc nhiều dạng tật khác nhau, có bạn câm điếc, có bạn thiểu năng trí tuệ, có bạn khuyết vận động, tự kỷ... Để hướng dẫn các bạn học được, làm được phải kiên trì về thời gian, phải chỉ dẫn từng công đoạn cho từng bạn một từ tạo mẫu tranh, làm bìa, vẽ mẫu, tạo hình, ép vải, cắt, dán, tráng keo… tùy theo năng lực và nhận thức riêng của mỗi bạn. Thế nhưng đổi lại, mỗi một tác phẩm khi được hoàn thành lại mang một vẻ đẹp khác nhau, không cái nào giống cái nào. Khi nhìn vào sản phẩm khó có thể nhận ra đó là sản phẩm do người khuyết tật làm ra”.

Những sản phẩm thủ công của HTX Vụn Art bao gồm: tranh vải, túi thời trang, bưu thiếp với đủ màu sắc, mang đậm nét văn hóa dân gian với họa tiết của dòng tranh Đông Hồ hay biểu tượng Khuê Văn Các, chùa Một Cột, hồ Gươm, làng lụa Vạn Phúc… Các sản phẩm đều được thực hiện theo nguyên tắc trung thành với nguyên bản của họa tiết dân gian kết hợp với những giá trị thẩm mỹ và thị hiếu của người tiêu dùng.

Để có được mô hình HTX với 36 thành viên (30 thành viên là người khuyết tật và 6 thành viên là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn) như hiện tại, anh Cường đã mất gần 3 năm để vừa dạy nghề vừa nghiên cứu phát triển. Suốt thời gian đầu, mặc dù đã làm ra được sản phẩm, thế nhưng không bán được, suốt 11 tháng HTX không có doanh thu, anh phải đi “chào hàng” khắp nơi, lê la khắp các cơ sở kinh doanh, nhà sách, trường học, điểm du lịch…

Anh Lê Việt Cường - Giám đốc HTX Vụn Art và sản phẩm “Bức tranh ruộng bậc thang do nhân công của Vụn Art thiết kế, tạo nên từ những mảnh lụa vụn của làng lụa Vạn Phúc giành giải Ba trong “Hội thi Sản phẩm làng nghề của thành phố Hà Nội năm 2023”. (Ảnh: PV)

Anh Lê Việt Cường - Giám đốc HTX Vụn Art và sản phẩm “Bức tranh ruộng bậc thang do nhân công của Vụn Art thiết kế, tạo nên từ những mảnh lụa vụn của làng lụa Vạn Phúc giành giải Ba trong “Hội thi Sản phẩm làng nghề của thành phố Hà Nội năm 2023”. (Ảnh: PV)

Cùng với sự giúp sức từ các cấp chính quyền, trong việc hỗ trợ quảng bá sản phẩm tại các chương trình xúc tiến thương mại, các hội chợ… dần dần các sản phẩm của Vụn Art đã được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến.

Trở thành sản phẩm OCOP 4 sao

Trải qua 5 năm hình thành và phát triển, với tư duy sáng tạo và những nỗ lực không ngừng nghỉ, hiện nay Vụn Art đã bước đầu có những thành công nhất định khi bán được hàng nghìn sản phẩm cho khách hàng cá nhân cũng như các doanh nghiệp và tổ chức lớn...

Vụn Art đã mang lại việc làm và nguồn thu nhập cho 36 người lao động là những người khuyết tật trong độ tuổi từ 18 đến 50 tuổi tại quận Hà Đông. Nơi đây không chỉ là cơ sở sản xuất mà còn là ngôi nhà chung - nơi gom những mảnh đời kém may mắn tạo động lực cho họ hòa nhập cộng đồng, vươn lên và tự chủ trong cuộc sống.

Những sản phẩm của Vụn Art còn được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao của thành phố Hà Nội vào năm 2019 với các sản phẩm: bộ kít ghép tranh, tranh, áo phông và túi. Các sản phẩm của HTX được trưng bày, giới thiệu tại nhiều nơi, nhiều sự kiện lớn.

Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Cường cho biết, Vụn Art đang nỗ lực mở rộng mô hình, vươn lên phát triển theo hướng bền vững. Đẩy mạnh các kênh thương mại, tận dụng và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, cá nhân hóa từng sản phẩm và luôn luôn đổi mới, sáng tạo trên từng sản phẩm.

Vụn Art mong rằng Nhà nước sẽ có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn cho những doanh nghiệp, HTX giải quyết việc làm cho những người yếu thế gắn với nền kinh tế tuần hoàn, cũng như khuyến khích tiêu thụ sản phẩm tái chế mang đậm tính văn hoá, góp phần bảo vệ môi trường giống như các sản phẩm của Vụn Art. Để từ đó doanh nghiệp, HTX có thể phát triển bền vững, chinh phục được thị trường trong nước.

Ngoài Vụn Art, hiện chưa có đơn vị nào ở Việt Nam đưa vải vụn lên sản phẩm. Sự thành công của sản phẩm do sự khác biệt trong ý tưởng, nhân sự, đặc biệt là chất liệu sử dụng. Đối với những sản phẩm được làm từ vải vụn là lụa có thể giặt mà không bị bong tróc, phai màu. Đây không chỉ là những sản phẩm thông thường mà còn là sự sáng tạo của những người khuyết tật mà đứng sau đó là những cố vấn của họa sỹ, của người hoạch định ý tưởng, tìm hướng phát triển thương hiệu - “thuyền trưởng” Lê Việt Cường. Những thành tựu này không chỉ là động lực cho các thành viên của Vụn Art mà còn là nguồn cảm hứng cho người khuyết tật theo đuổi, nỗ lực kinh doanh, khởi nghiệp.

Đọc thêm