Thực hiện tín dụng chính sách ở TP Hồ Chí Minh: Phát huy sức mạnh tổng hợp toàn xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, tín dụng chính sách đã tạo hiệu ứng an sinh xã hội lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; minh chứng sinh động cho việc khai thác, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Các cá nhân, tập thể vinh dự được UBND TP Hồ Chí Minh khen thưởng vì triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.
Các cá nhân, tập thể vinh dự được UBND TP Hồ Chí Minh khen thưởng vì triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.

Vốn chính sách tạo hiệu ứng an sinh xã hội lớn

TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước khởi xướng và thực hiện Chương trình xóa đói giảm nghèo (nay là Chương trình giảm nghèo bền vững) và đến nay đang thực hiện giai đoạn 7 (2021 - 2025) với 11 lần điều chỉnh chuẩn nghèo. Đặc biệt, từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố đã chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách xã hội, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội của thành phố.

Không chỉ chỉ đạo chính quyền địa phương phối kết hợp với chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố quản lý cũng như tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo bền vững thành phố và các quận, huyện, thành phố Thủ Đức luôn dành ưu tiên nguồn ngân sách ủy thác sang chi nhánh NHCSXH thành phố.

Tính đến 30/9/2022, nguồn vốn nhận ủy thác cho vay tại địa phương là 3.118,2 tỷ đồng, tăng 3.103,2 tỷ đồng so với thời điểm mới thành lập, chiếm 41,4% tổng nguồn vốn. Trong đó, nguồn vốn ủy thác địa phương từ sau khi triển khai Chỉ thị số 40 tăng thêm 2.800 tỷ đồng, góp phần đưa tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại chi nhánh NHCSXH thành phố đạt 7.530 tỷ đồng, tăng 7.378,3 tỷ đồng, gấp 48,6 lần so với thời điểm mới bắt đầu hoạt động năm 2003.

Thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78), từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu (2003) với 92 tỷ đồng, đến nay chi nhánh đã và đang thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, trong đó có 4 chương trình tín dụng địa phương có tổng dư nợ đến 30/9/2022 đạt 7.494,2 tỷ đồng, tăng 7.352,8 tỷ đồng (tăng hơn 80 lần) so với thời điểm mới thành lập và nhận bàn giao các chương trình cho vay, tốc độ tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt bình quân 25,3%/năm, với 155.246 khách hàng còn dư nợ, bình quân dư nợ là 43,8 triệu đồng/khách hàng.

Với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, tín dụng chính sách đã tạo hiệu ứng an sinh xã hội lớn trên địa bàn thành phố, như chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 4.352,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58,1% tổng dư nợ, với 95.465 khách hàng đang vay vốn; trong đó, dư nợ cho vay nguồn vốn địa phương đạt 1.643,8 tỷ đồng, với 37.391 khách hàng đang vay vốn. Đây là chương trình tín dụng có dư nợ lớn nhất trong các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang thực hiện giúp cho trên 321.700 lượt lao động có việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố…

Các chương trình tín dụng ưu đãi đều xuất phát từ thực tiễn

Nhìn lại sau 20 năm qua đã có gần 1 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ chi nhánh NHCSXH thành phố, với doanh số cho vay đạt 21.486,9 tỷ đồng; góp phần giúp gần 276 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm, duy trì việc làm cho hơn 321,7 nghìn lao động, hơn 117,7 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo trên 320,7 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; gần 12 nghìn hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi các dự án chỉnh trang đô thị sửa chữa nhà ở và phát triển kinh tế; giúp cho 197 lượt doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh và trả lương cho hơn 67,2 nghìn lượt người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19…

Ghi nhận thành quả triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn cũng như tâm huyết với chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị chi nhánh NHCSXH thành phố khắc phục những khó khăn, tồn tại để tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trong việc gắn tín dụng chính sách xã hội với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Các chương trình tín dụng ưu đãi do chi nhánh NHCSXH thành phố thực hiện đều xuất phát từ nhu cầu thực tế xã hội nên đã đi vào cuộc sống và trở thành hiện thực sinh động, được cấp ủy, chính quyền cơ sở ghi nhận, đông đảo nhân dân, nhất là những hộ nghèo và các đối tượng chính sách phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước”.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị liên quan trong thời gian tới tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Nghị định 78; thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong triển khai, tuyên truyền và giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; tập trung huy động nguồn lực, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương; thường xuyên rà soát củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở.

Đọc thêm