Nhờ có “búa trời” mà làm ăn khấm khá
Về đến xã Bình Nguyên, hỏi gia đình cụ Hồ Quang Thuyền (SN 1910), hầu như ai cũng biết. Cụ Thuyền đã mất từ lâu, kế nghiệp cụ, có 6 người con trai nay cũng đã lên chức ông. Thế nhưng cái tên Quang Thuyền vẫn luôn được nhắc đến, bởi gia đình cụ vốn nổi tiếng bao đời nhờ lò rèn quanh năm đỏ lửa.
Đặc biệt, mặc cho thời buổi hiện đại, những thứ công cụ lao động tay chân như cuốc, xẻng, dạo rựa vốn bày bán nhan nhản, mẫu mã đẹp, lại rẻ… nhưng người dân các nơi vẫn tìm đến các con cụ Thuyền cùng những lời đồn thổi, truyền tụng nhiều câu chuyện nhốm màu kỳ bí về gia đình cụ Thuyền. Những tương truyền khiến người dân đều tin rằng, dòng họ Hồ này nhận được sự hỗ trợ của một vật may mắn có tên “búa trời”.
Người dân truyền tai kể cho nhau nghe cụ Thuyền vốn từ nơi khác đến. Lúc vợ chồng cụ cùng 6 người con đùm đề tìm tới lập nghiệp tại làng Liễu Thạnh, cuộc sống khá vất vả với nghề thợ rèn, quanh năm không đủ ăn. Trong đêm mưa bão, sấm sét ầm ầm, lo sợ mái tôn nhà bị hư hỏng, cụ Thuyền mới đi ra ngoài tìm cách chèn chống.
Nhưng khi nhìn trong dòng nước lớn bên hông nhà, cụ Thuyền vô tình thấy một cục màu đen xám, hình thù giống như chiếc búa mà cụ vẫn hay dùng để hành nghề rèn. Cụ Thuyền cho rằng, trong giông sét như vậy, rõ chiếc búa trên là của thần sét nên đem vào cất giữ rất cẩn thận. Điều kỳ lạ, từ khi có chiếc búa đó ở trong nhà, công việc nghề rèn của gia đình cụ khởi sắc trông thấy.
Cụ Thuyền làm đắt khách hơn và thay vì cơ cực chạy ăn từng bữa, nay chỉ sau một vụ mùa, gia đình cụ đã có của ăn của để, đủ sức nuôi các con khôn lớn. Khi cụ Thuyền nhận ra sự khác biệt này, lại nghĩ có thể ông trời đã thương tình mà ban phát, nên cụ càng ngày càng quý chiếc “búa trời”, mang nó đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà...
Người trong cuộc phân trần
Để mục sở thị chiếc “búa trời” và những câu chuyện kỳ bí quanh gia đình họ Hồ này, tôi được ông Phan Văn Tâm, Trưởng thôn Liễu Thạnh đưa đến ngôi nhà của cụ Quang Thuyền. Ngay trên con đường bê tông nhỏ dẫn vào làng, tôi đã gặp ông Hồ Quang Lý người con út. Kể về gia đình mình, ông Lý cho biết, dòng họ Hồ của ông có nguồn gốc từ chợ Đàn huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Nghề rèn cũng gắn bó với dòng họ nhà ông từ thời ông cố, ông tổ.
Đến thời ba ông (cụ Quang Thuyền), do đất đai ở nơi gia đình sinh sống chủ yếu đồi núi, ruộng vườn ít nên không phù hợp cho nghề thợ rèn hoạt động. Vì vậy, cha ông mới chuyển nhà xuống vùng đất Thăng Bình vốn bằng phẳng, có đồng ruộng nhiều, để tìm cơ hội mưu sinh. Với tài khéo léo cộng thêm sự cần cù, cẩn thận, cha ông khi rèn dao thì dao sắc ngọt, rèn liềm thì chấu cắt tới rất mịn, rèn cuốc thì cuốc bén không chê vào đâu được… lâu ngày người ta tìm đến rất đông.
Thời điểm đó, cha ông cũng đúng có nhặt được một chiếc búa thật. Nhưng vì không biết của ai, trả cho ai nên cha ông mới giữ lại rồi biến nó thành công cụ phụ trợ cho nghề. Chiếc búa thực tế nhặt được thì nó cũng bình thường, qua thời gian sử dụng, đến nay cũng không còn.
Trầm ngâm một lát, ông Lý bộc bạch thêm: “Việc có được chiếc búa, hay “búa trời” sẽ có được may mắn như đồn đoán hay không vẫn chưa biết, nhưng tui khẳng định, sự phát triển nghề nghiệp của dòng họ tôi hoàn toàn đều do tay nghề của cha, của ông truyền lại. Do người đời không biết, họ mới nói rứa thôi, còn trong nhà, tụi tui ai cũng rõ”…
Ngoài việc gắn kết mối duyên nợ của nghề rèn “búa trời” còn dẫn gia đình cụ Thuyền đến với nghề bốc thuốc. Hỏi về phương thuốc có thành phần “búa trời” mà nhiều người đồn thổi, khách được ông Hồ Quang Có cho biết, khi tuổi cao sức yếu, không làm thợ rèn nữa, những lúc rảnh rỗi, cha ông mới mang kinh nghiệm mấy mươi năm của bản thân, cho một vài loại cây thuốc nam hái trong vườn kết hợp với nước mài từ búa để tạo thành bài thuốc trị bệnh cho trẻ con hay quấy, khó ngủ.
Còn riêng “thành phần” búa sắt đưa vào trong bài thuốc, thật ra, cha của ông đã dựa theo yếu tố tâm linh vốn truyền lại từ ngàn xưa khi người lớn thường giắt theo chiếc búa, con dao cũ, nanh heo, xương cá voi... ở đầu giường, nôi của trẻ nhỏ với niềm tin những vật trên sẽ át được cái vía hay khóc hay quấy để giúp trẻ ăn ngon, ngủ tốt. Khi bài thuốc cha ông làm ra, về sau, người dân thấy công dụng, tin tưởng nên mới đồn đại thành bài thuốc “bí truyền” nhờ có “búa trời”.
Cũng theo ông Có, ban đầu, cha ông chỉ làm để áp dụng trong gia đình, lâu dài người dân quanh xóm, trong xã, huyện biết và đến xin về trưng dùng. Ông Có cho rằng, mình không học cao nhưng có được cái tinh tường, biết cách vận dụng khôn khéo thảo dược để cho ra phương pháp trị bệnh phù hợp, chứ không liên quan gì đến “búa trời, thần thánh”...