Thực hư chuyện "tan hoang" và "xẻ thịt" ở Đền Hùng!

Những ngày qua, dư luận xôn xao về thông in một số tờ báo mạng đăng bài phản ánh Đền Hùng đang bị”tan hoang”, “xẻ thịt” trước ngày Quốc giỗ. Sự thật thế nào, chúng tôi đã vào cuộc làm rõ...

[links()] Những ngày qua, dư luận xôn xao về thông in một số tờ báo mạng đăng bài phản ánh Đền Hùng đang bị”tan hoang”, “xẻ thịt” trước ngày Quốc giỗ. Sự thật thế nào, chúng tôi đã vào cuộc làm rõ.

Từ khi Khu Di tích lịch sử (DTLS) Đền Hùng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển đến năm 2015 (Quyết định số 48/2004/QĐ - TTg ngày 30/3/2004) các đền, chùa, lăng tẩm trên núi Nghĩa Lĩnh thờ tự các Vua Hùng đã được tu bổ, tôn tạo bằng những vật liệu bền vững, quí hiếm.
Riêng đền Thượng và Lăng Hùng Vương được tu bổ tôn tạo năm 2007 đưa vào sử dụng phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2010. Khu DTLS Đền Hùng được tỉnh Phú Thọ giao trực tiếp quản lý, bảo vệ tu bổ và phát huy tác dụng cũng như quản lý bảo vệ rừng Quốc gia Đền Hùng..., đến nay chưa hề tiếp nhận một phản ánh của tổ chức cá nhân nào về sự “trùng tu tôn tạo không đem lại hiệu quả...” - như nội dung các bài báo thời gian qua phản ánh.
Là những người theo dõi, viết về Đền Hùng nhiều năm,chúng tôi thấy Khu Di tích ngày càng được đầu tư nâng cấp, thay đổi cả cảnh quan lẫn diện mạo và luôn phát huy tác dụng của nó. Vẫn nói về cái gọi là “tan hoang”, các bài báo còn khẳng định “Thời gian gần đây, trong quá trình trùng tu tôn tạo Đền Hùng, một số đơn vị thi công đã thản nhiên phá hủy hàng nghìn mét vuông rừng đặc dụng để làm đường vận chuyển xây dựng”; rồi thì “Ngay sau lưng Đền Thượng gần sát với mộ tổ Vua Hùng, cả một thảm rừng rộng bị ai đó “vô lương tâm” triệt hạ từ bao giờ. 
Các 'lâm tặc” triệt hạ cây rừng tạo thành một con đường trống huyếch rộng từ 2-3 mét từ trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh kéo dài xuống tới chân núi. Khoảng cách từ chân lên đỉnh núi là hơn 300 mét, nếu dùng phép tính đơn giản thì có hàng nghìn m2 rừng đặc dụng bị “xẻ thịt”... Đập vào mắt phóng viên là hàng trăm cây to có, nhỏ có bị chặt đốn còn lại trơ gốc... Có những cây nằm cản “đường làm ăn” đã bị “lâm tặc” nhổ bung cả gốc để lại những hố sâu hoắm...”.
Lần theo “kiểm chứng” những điểm trong Khu di tích mà nhóm phóng viên của các báo đã “thị sát”, chúng tôi thấy sự thật hoàn toàn không phải vậy. Cái cây nằm cản “đường làm ăn” bị “lâm tặc” nhổ bung cả gốc” là cây Nhộng vàng (khu vực Đền Hạ) vẫn còn đó, bị bão quật đổ vẫn còn nguyên rễ.
Theo giải thích của ông Nguyễn Xuân Các - Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng và một số cán bộ khác thì năm 2007 và ngày 8/5/2011, hai trận bão lốc đã làm thiệt hại, đổ một số cây trên núi Nghĩa Lĩnh, Khu Di tích đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiến hành kiểm kê và báo cáo với UBND tỉnh cho phép chặt , dọn để đảm bảo cho du khách tham quan, đồng thời chặt, tỉa một số cây có nguy cơ đổ gãy vào đền, chùa (có biên bản và hồ sơ lưu), chứ không phải là do “lâm tặc nhổ bung gốc”.
Còn bức ảnh chụp với chú thích “cây rừng bị chặt phá”, chúng tôi đã tụt xuống lưng chừng núi thị sát, chụp ảnh, lay gốc. Đó là cọc bằng gỗ Bạch đàn đỏ được đóng xuống đất để lực lượng trùng tu buộc dây tời vật liệu xây dựng lên các đền, chân cọc còn chêm gạch, đá; Còn bức ảnh chụp lối mòn mà các bài báo cho rằng là của “lâm tặc phá hàng trăm mét vuông rừng đặc dụng”, là lối đưa vật liệu xây dựng lên các đền. Đó còn là “khe nước tồn tại từ nhiều năm, không có cây nào mọc ở đó, vì vậy không có cây bị chặt hạ” - như lời bà Ngô Thị Toàn, Kiểm lâm viên.
Việc các bài báo cho rằng “Phế liệu ngổn ngang cạnh Đền Thượng” thực ra là nơi tập kết vật liệu thừa được Khu Di tích để đúng vị trí, không ảnh hưởng tới việc hành hương của du khách lẫn mỹ quan. Số vật liệu này nếu bỏ đi sẽ rất lãng phí, sẽ được tận dụng để xây dựng, mở rộng sân vườn tới đây. 
Phản ứng và giải trình về việc Đền Hùng có bị “tan hoang” và “xẻ thịt” trước ngày Quốc Giỗ, ngày 12/3/2012, Khu di tích lịch sử Đền Hùng có Công văn số 55/CV-ĐH gửi Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ, Thường trực UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Cục di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) khẳng định: “Những nội dung phản ánh trên của các báo là không đúng sự thật. Một số ảnh đăng không đúng với bản chất”.
Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương là điểm nhấn, là tâm điểm ngày Quốc lễ - ngày cả dân tộc Việt Nam tri ân công đức tổ tiên. Việc tu tạo, sửa sang các đền đài, thi công một số hạng mục trong Khu Di tích đều tuân thủ các quy định của Luật Di sản, được phép của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản phê duyệt. Với ý nghĩa và các quy trình quản lý chặt chẽ đó, một Di tích lịch sử đặc biệt quan trọng cấp Quốc gia, không dễ gì lại “tan hoang”, biến thành phế tích.
Thậm chí, Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2012 của Khu Di tích cũng nhấn mạnh: “ Tổ chức, tuần tra, kịp thời ngăn chặn việc san gạt, đào đất ảnh hưởng tới Di tích và rừng Quốc gia Đền Hùng”.
Thiết nghĩ, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần kiên quyết hơn nữa với hành vi xâm hại Đền Hùng (đặc biệt là xâm hại đất đai); các cơ sở công nghiệp, chế biến gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới cảnh quan Khu Di tích và các vùng phụ cận, cũng cần phải dẹp bỏ - không vì những mối lợi của một nhóm người nào đó mà làm hỏng đất phát tích, “giết chết” tâm tưởng các thế hệ mai sau.

Đức Hải - Bình Sơn

Đọc thêm