Thực hư đạo binh 'rắn thần' trợ chiến tướng Thiên hộ Dương ở Đồng Tháp Mười

(PLO) - Nguyễn Duy Dương (có tài liệu ghi là Võ Duy Dương) vốn là hào phú ở Lục tỉnh Nam Kỳ. Ông có công chiêu mộ được 1.000 quân đồn điền nên được triều Nguyễn phong cho chức Thiên hộ.

 

Hình vẽ quân Pháp tấn công Gò Công
Hình vẽ quân Pháp tấn công Gò Công

Thiên hộ Dương là người có tài kiêm văn võ. Ông có sức mạnh phi thường: Một tay có thể nhổ nổi một cây tre mỡ. Khi thực dân pháp xâm chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Thiên Hộ Dương chiêu mộ nghĩa quân lập căn cứ kháng chiến ở Đồng Tháp Mười.

Căn cứ chính đóng ở Đồng Tháp Mười. Từ ngoài vào căn cứ chính chỉ có ba con đường. Một đường từ gò Bắc Chiên (Mộc Hóa) đi xuống, một đường từ rạch Cần Lố (Cao Lãnh) đi lên và một đường từ Cái Nứa (Cái Bè) đi tới. Trên ba con đường ấy, Thiên Hộ Dương lập ba đồn tiền tiêu kiên cố: đồn Tả đóng trên đường Bắc Chiên, đồn Hữu đóng ở vàm Cần Lố và đồn Tiền đóng chặn đường Cái Nứa.

Lúc ấy ba tỉnh miền Tây còn thuộc triều đình Huế cho nên việc tiếp tế cho nghĩa quân ở Đồng Tháp Mười từ hậu cứ này là chủ yếu. Các đoàn thuyền tiếp viện chở vũ khí, lương thực đi theo ngã rạch Cầu Lố qua đồn Hữu vào căn cứ Đồng Tháp.

Đồn Hữu đóng tại doi đất ở vàm rạch Cần Lố (do vậy ở đây còn gọi là Doi Đồn) do tướng của Thiên Hộ là Huỳnh Lục và Huỳnh Thất trất thủ. Doi Đồn cây cối sầm uất, chính giữa có nhiều cây tre già to lớn. Tại đây có bố trí một khẩu súng đồng lớn, tục gọi là “ông Cà lăm”.

Đồng Tháp Mười lúc bấy giờ còn hoang vu lắm. Để tiện cho việc tiếp viện, Thiên Hộ Dương cho lập một nhà trạm ở Động Cát vừa để canh gác đường đi vừa có chỗ cho đoàn quân tiếp vận nghỉ ngơi.

Lúc bấy giờ, thân nhân những người kháng chiến thường quá giang thuyền của đoàn tiếp vận vào thăm. Có gia đình ở vùng giặc chiếm bị khủng bố bỏ nhà vào đây ở lánh nạn. Phần lớn họ đều cất nhà ở căn cứ chính. Bỗng một hôm, có hai gia đình từ vùng giặc chiếm vào cất nhà ở Đồng Cát, bên nhà trạm để ở.

Thình lình, một đêm nọ, hai gia đình ấy, số quân canh ở nhà trạm và đoàn người tiếp vận, sau bữa cơm chiềm, ngủ qua đêm đến sáng đều chết cả.

Khi tin này báo về căn cứ, Thiên Hộ Dương bèn phái ông Thủ Chiếu, một lương y của nghĩa quân đến tận nơi xem xét. Sau khi khám nghiệm tường tận, Thủ Chiếu không sao tìm được nguyên nhân làm chết người. Ông đành ức đoán là số người chết vì bị đầu độc.

Hôm sau, đích thân Thiên Hộ Dương đến Động Cát xem xét và phát giác một hang rắn, miệng hang to bằng cái ly. Thiện Hộ bèn ra lệnh cho hộ vệ Tân một thầy rắn đại tài, bắt đoàn rắn ấy.

Hộ vệ Tân xem qua hang rắn trình rằng dưới hang ấy có một con rắn chúa sáu khoang. Trước kia rắn lớn lắm, nhưng nay còn bằng một cái đũa, dài chừng hai thước. Mỗi canh, rắn chỉ ló ra năm khoang để lấy hơi sương, chứ không ra hết mình bao giờ. Đó là con rắn đã “tu” lâu năm. Nó không cắn ai, nhưng ai quyết hại nó thì nó sẽ tự vệ. Nó cắn thì không thuốc gì cứu được.

Thiên Hộ Dương nghe hộ vệ Tân nói vậy bằng lòng để yên hang rắn.

Trưa hôm đó, đồn Doi bị tấn công. Quân ta chống trả mãnh liệt, nhưng vì thế cô, quân giặc lại đông nên lui về Động Cát, rồi về bảo vệ căn cứ. Quân Pháp đuổi đến Động Cát thi trời tối nên vào nhà trạm tạm đóng quân. Không ngờ đến tối bọn giặc bị chết hơn chục tên.

Gặp phải sự chết chóc lạ thường này, lại không rõ nguyên nhân, giặc Pháp hoang mang không dám tiến sâu thêm, đành rút trở ra đóng ở Doi Đồn. Song ở đây được hai hôm, giặc nghe dân chúng đồn rằng Thiên Hộ Dương có đạo binh “rắn thần” trợ chiến lại càng sợ hơn. Cuối cùng chúng rút luôn về Cao Lãnh. Quân ta trở lại đóng tại Doi Đồn như cũ.

Tuần báo Le Monde illustré của Pháp số ra ngày 16/5/1863 nói về trận quân Pháp ở Gò Công
Tuần báo Le Monde illustré của Pháp số ra ngày 16/5/1863 nói về trận quân Pháp ở Gò Công

Tháng sau, quân Pháp tấn công Doi Đồn. Quân ta lui vào căn cứ. Giặc lại theo con đường cũ vào đóng ở Động Cát nghỉ đêm. Đêm ấy chúng luân phiên nhau canh gác cẩn thận. Đến khuya, bỗng có nhiều tên giặc la thét lên rồi chết. Chúng đốt đuốc sáng rực, tìm kiếm, đến mờ sáng thì phát giác được cái hang rắn. Viên chỉ huy hạ lệnh đổ dầu đốt hang.

Trong lúc khối lửa mịt mù, thình lình có tiếng ào ào như giông gió nổi lên. Từ trong rừng một con rắn hổ mây, tròn như miệng thúng, phóng đến như gió bão, lăn xả vào lửa, há họng, đập đuôi, nhe răng, thở khè khè…

Binh lính Pháp hốt hoảng, bỏ chạy tán loạn. Viên chỉ huy cũng nhanh chân tẩu thoát. Ngay lúc đó, nghĩa quân do Huấn Hiệu đốc chiến, bất ngờ kéo đến tấn công. Giặc Pháp tháo chạy. Bên ta thắng lớn, giết chết cả tên đội chỉ huy.

Thủa đó, người ta cho rằng rắn thần phò trợ cho Thiên Hộ Dương. Nhưng biết đâu đó là mưu sách dùng rắn độc để giết giặc của nghĩa quân Đồng Tháp Mười.

***

Từ năm 1865, Thiên Hộ Dương chuyển cách đánh giặc. Từ Đồng Tháp Mười nghía quân rầm rộ tấn công quân Pháo ở Mỹ Trà (Cao Lãnh), rồi mở mặt trận thứ nhì đánh vào Cái Bè, Nhị Quý. Hai trận đánh gây cho giặc những tổn thất to lớn.

Năm 1866, Pháp huy động lực lượng quân đội lớn, chia làm ba mặt tấn công vào Đồng Tháp Mười. Lần này, quân ta thất trận. Phong trào chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Thiên Hộ Dương bị tan rã.

Tục truyền, khi đóng căn cứ ở Đồng Tháp Mười, Thiên Hộ Dương ra lệnh cấm đốt cỏ suốt ba năm trời. Khi giặc Pháp tấn công vào Đồng Tháp, nhằm mùa màng cỏ khô, ông ra lệnh cho nghĩa quân đốt cỏ. Cỏ cháy tạo thành một biển lửa khói bốc ngụt trời theo chiều gió lan rộng về phía địch làm giặc Pháp hoảng hốt rút lui. Nhưng non một giờ sau, trời nổi giông gió đổi hướng, khói mù thổi ngược về phía quân ta. Quân ta thất lợi. Nhờ đó giặc Pháp mở đợt tấn công chiếm lại được căn cứ Tháp Mười.

Khi quân ta thất bại, có người kể rằng, Thiên Hộ Dương giả dạng thành dân thường, quá giang ghe bầu về Huế báo cáo tình hình kháng Pháp ở Đồng Tháp Mười. Trong lúc vắng mặt Thiên Hộ Dương, Đốc binh Lê Công Kiều tiếp tục chiêu tập nghĩa dõng, xây dựng căn cứ chống Pháp ở Đồng Tháp Mười.

Sau khi được củng cố binh lực, quân ta chia làm hai toán kéo ra tấn công Cao Lãnh. Toán thứ nhất do Quản Cơ Đồng chỉ huy tiến vào Cao Lãnh theo đường Cầu Móng, toán thứ hai tiến theo đường Đòn (vàm Cần Lố). Chẳng may đêm ấy trời sa mù, toán quân đi ngả đường Đồn đi chậm, không hợp đồng đúng giờ quy định nên cuộc tấn công thất bại.

Về sau, Thiên Hộ Dương bị bệnh mà mất, nhân dân lập đền thờ ông tại Đồng Tháp Mười và hàng năm đến ngày giỗ, dân chúng trong vùng đem lễ vật đến cúng vái rất đông. Do vậy, ở đây còn truyền tụng câu hát:

Ai về Đồng Tháp mà coi,

Mả ông Thiên Hộ trăng soi lạnh lùng.

Bà con đùm đậu quanh vùng,

Tháng giêng ngày giỗ xin đừng ai quên.

Nhân một cuộc viếng thăm Đồng Tháp Mười, nhà thơ Nguyễn Công Minh có làm một câu đối ca ngợi Thiên Hộ Dương:

Ảm hậu anh hùng, tự Bắc tự Nam, Thập tháp hương yên trường diếu diếu,

Kiên cang tuấn kiệt, nhi kim như cổ, Ngũ linh phong độ thượng y y.

Nghĩa là:

Ngậm tức anh hùng, tiếng dội Bắc Nam, Tháp Mười lửa hương còn phơi phới,

Bền gan tuấn kiệt, danh truyền kim cổ, Ngũ linh dáng cánh vẫn như xưa.

Tục truyền có hai phiến đá lớn, mỗi khi tập luyện xong, Thiên Hộ Dương thường cặp vào nách, mỗi bên một phiến, đem xuống rạch lót để đứng tắm. Tắm xong ngài lại xách lên để chỗ cũ.

Chẳng những có sức khỏe hơn người, Thiên Hộ Dương còn tinh thông võ nghệ; nhất là đường roi “song đôi” của ngài, đương thời ai ai cũng đều thán phục.

Mỗi lần ra đến bãi tập, ngài cởi áo, đoạn chọn một cây roi bằng mây lớn bằng cườm tay múa lên. Lúc đầu người xem còn thấy bóng người, nhưng về sau chỉ nghe tiếng vù vù và đường roi chuyển đông nhanh như chớp bao bọc lấy thân ngài. Lúc tiến, lúc thoái, lúc trụ lại giữa sân. Đôi chân ngài bước đi thoăn thoắt lẹ làng. Thật là một thế “yếm bách” mười phần lợi hại. Cuối cùng ngài ngừng roi, vút một tiếng, ngọn roi đập xuống đất và lẹ như chớp, ngài dã nhảy vọt lên đứng trên gò đất cao chừng ba thước ở góc sân. 

Đọc thêm