Thực hư hang giấu vàng trên đảo Lý Sơn

(PLO) - Nhờ vị trí “đắc địa” mà hàng trăm năm trước, đảo Bé được bọn cướp biển  (người dân ở đây gọi là giặc Tàu Ô) chọn làm sào huyệt cất giấu của cải. Đến nay, dù vết tích của hang Kẻ Cướp giấu vàng năm xưa đã bị bồi lắp nhưng những câu chuyện huyền bí về nó vẫn còn lưu truyền trong dân gian. Đặc biệt là tội ác man rợ của bọn giặc Tàu Ô.
Hang Kẻ Cướp ở đảo Bé bây giờ

Sự tàn bạo của giặc Tàu Ô 

Lâu nay, người huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vẫn truyền tai nhau rằng hang Kẻ Cướp ở xã An Bình (còn gọi là đảo Bé) là nơi chứa đầy kho báu, gồm vàng bạc mà giặc Tàu Ô cướp từ các tàu buôn trên biển. Mỗi khi ai đó nhắc đến hang Kẻ Cướp là họ lại rùng mình. Ký ức kinh hoàng về giặc Tàu Ô cướp của, hãm hiếp phụ nữ như vẫn còn lẩn khuất đâu đây.

Theo ông Phạm Thoại Tuyền (68 tuổi, một người am tường về văn hóa, lịch sử nơi đây), hơn 400 năm trước, Lý Sơn là điểm dừng chân của những chuyến tàu thuyền trên con đường biển Bắc - Nam để lấy nước ngọt. Hồi đó nước ngọt khan hiếm, trên đảo chỉ có duy nhất giếng cổ Xó La nằm sát mép biển, nhưng quanh năm cho nước ngọt. 

Nhờ đó, đảo Lý Sơn trở thành điểm trung chuyển trên tuyến hàng hải Bắc - Nam, trở thành con đường giao thương giữa các thuyền buôn trong và ngoài nước.

Cũng vì vậy mà khu vực này thường xuyên xuất hiện bọn cướp biển, mỗi khi cướp bóc xong chúng thường ghé vào đảo để lấy nước ngọt. Chưa dừng lại ở đó, chúng còn cướp phá của cải của cư dân trên đảo và bắt giữ phụ nữ rồi kéo nhau bỏ đi. 

“Nhiều toán cướp biển chọn đảo Bé làm căn cứ để tấn công các tàu thuyền lưu thông trên biển và làm bàn đạp tấn công sang các đảo lớn ở Lý Sơn, sau đó vào cửa Sa Cần, cửa Sa Kỳ, cửa Cổ Lũy, vũng Dung Quất”, ông Tuyền cho biết.

Sách “Đại Nam thực lục” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, ghi: “Năm 1867, thuyền giặc Tàu Ô gồm 22 chiếc vào cửa biển Sa Kỳ lên trên cạn hơn 300 tên, quan tỉnh Quảng Ngãi vì có ít quân, xin điều quân ở quân thứ Tĩnh Man hội lại cùng đánh tan tác lũ giặc, buộc chúng phải rút chạy bằng đường biển”. 

Còn sử sách viết về Lý Sơn ghi rằng, cướp biển Tàu Ô thời đó chọn hang đá tại đảo Bé, là một nơi không có người sinh sống làm sào huyệt. Sau khi cướp phá, chúng đem vàng bạc về đây tập kết. Từ đó, người dân gọi hang đá này là hang Kẻ Cướp. 

Mỗi lần giặc Tàu Ô từ ngoài biển tràn vào đảo, người dân trên đảo sử dụng tù và, ốc u báo động để mọi người cùng chống chọi. Trên đảo cũng thành lập đội quân dũng sĩ, sẵn sàng lao ra bãi biển chiến đấu chặn giặc Tàu Ô cướp phá. 

Vào khoảng giữa năm 1645, dòng họ Phạm của ông Tuyền có bà Phạm Thị Lôi, tên chữ là Phạm Tiên Điều, khi ấy mới 16 tuổi, đang ở ngoài bờ biển thì bị bọn cướp bắt. Sau khi cố gắng la lớn cho mọi người biết có cướp đến, bà vùng vẫy, thoát khỏi chúng rồi nhảy xuống vũng Thầy Tu tự vẫn.

Bà trầm mình với tư thế tựa ngồi thiền, mặc sóng cao, gió lớn. Xác của bà được dân làng vớt về chôn cất và lập đền thờ, gọi là dinh Bà Roi. 

Du khách thích thú bơi lặn ở khu vực hang Kẻ Cướp

“Câu chuyện về bà Phạm Tiên Điều gieo mình xuống biển tuẫn tiết để bảo vệ trinh tiết là một minh chứng cho những hành động hung ác khi tràn lên cướp của, hãm hiếp dân lành của giặc Tàu Ô đối với người dân trên đảo.

Hiện dinh Bà Roi vẫn còn nhưng hư hại nhiều theo sự phá hủy của thời gian. Còn vùng nước nơi bà nhảy xuống bây giờ là nơi tổ chức đua thuyền truyền thống hằng năm của người dân trên đảo Lý Sơn”, ông Tuyền cho biết.

Bí ẩn hang Kẻ Cướp 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cái tên hang Kẻ Cướp trước đó còn có tên khác là hang Chàng Thiếp. Tên gọi này xuất phát từ câu chuyện về đôi nam nữ, những người đầu tiên sinh sống ở hang đá này. 

Ngày xưa khi trên đảo chưa có cư dân sinh sống, có một đôi nam nữ là thương nhân buôn đường biển không rõ quê quán ở đâu, tàu của họ bị sóng biển đánh chìm và trôi dạt vào đảo Bé. Thấy hang đá đẹp nên hai người chọn làm nơi trú ngụ. Họ ra gành để hái rong, bắt cá sống qua ngày, tìm cơ hội để trở về quê. Nhưng vì cuộc sống ở đảo yên bình và hạnh phúc nên họ quyết định ở lại đây sinh sống. 

Được một thời gian thì bọn giặc Tàu Ô xuất hiện, chúng xông lên đảo và giết chết người chồng, hãm hiếp người vợ trẻ, rồi chiếm hang đá làm đại bản doanh để tiến hành cướp bóc trên đảo Lý Sơn và tấn công vào đất liền. Từ đó, cái hang được đổi tên thành hang Kẻ Cướp. 

Thời chiến tranh chống Mỹ, vì sợ loạn lạc nên một số hộ dân bên đảo Lớn đưa gia đình qua đảo Bé sinh sống, để tránh tai mắt của giặc. Nhiều người đi đánh bắt ở khu vực này thường vào hang Kẻ Cướp nghỉ chân. Khi họ bới lớp cát trên mặt thì thấy rất nhiều mảnh gốm cổ bị bể nơi cửa hang. Nhiều người còn nhặt được cả những thỏi vàng, bạc trắng, đồng đỏ hoen gỉ. 

“Sau giải phóng, một số người từ đất liền đến đảo Bé và tìm đường vào hang nhưng bất thành vì toàn bộ miệng hang được cát bồi lấp. Có một điều lạ ở đây là, hòn đá nằm chếch về phía trước miệng hang cứ lớn dần. Trước kia hòn đá rất nhỏ nhưng bây giờ nó to ra rất nhiều”, ông Tuyền cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng thôn Bắc (xã An Bình) cho biết: “Lâu lâu cũng có người đi thuyền đến đây, họ đưa máy móc lùng sục, hút cát để tìm đường vào hang. Thấy người lạ, có hành động bí ẩn nên người dân trên đảo cảnh giác và báo với chính quyền nên họ đến rồi lại lên thuyền bỏ đi.

Câu chuyện có kho báu hay vàng bạc gì đó đã là qua khứ rồi, người dân trên đảo giờ chỉ mong muốn sự bình yên. Đừng có ai vì ham của mà ra đây lùng sục nữa”.

Theo ông Huỳnh Lũy - Bí thư Đảng ủy xã An Bình, chuyện hang Kẻ Cướp giấu vàng của giặc Tàu Ô đã lùi vào quá khứ. Hiện nay, đảo Bé đang sở hữu một “kho vàng” vô tận đó là cảnh thiên nhiên đẹp và sự bình yên thu hút đông khách du lịch. Dù cuộc sống của người dân trên đảo còn gặp nhiều khó khăn nhưng nơi đây kỳ vọng vào sự đổi đời ngày mai. 

“Điện cáp ngầm xuyên biển đã kéo ra đảo Lý Sơn, nhiều công trình trọng điểm trên đảo cũng đang được đầu tư xây dựng. Tương lai không xa đảo Bé sẽ là thiên đường giữa biển, là địa danh thu hút khách du lịch từ đất liền ra với đảo. Tôi tin tương lai cuộc sống người dân sẽ thay đổi”, ông Lũy cho biết.

Đọc thêm