Thực hư thông tin Cha mẹ thu tiền lì xì của con có thể bị phạt đến 30 triệu đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tết Nguyên đán 2022 đang đến gần, vấn đề giữ tiền lì xì của con lại nhận được sự quan tâm của dư luận. Thậm chí xuất hiện thông tin cho rằng, từ Tết năm nay, nếu cha mẹ giữ hết tiền lì xì của con có thể bị phạt đến 30 triệu đồng.  Vậy thực hư quy định như thế nào? 
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Như một nét văn hóa có từ lâu đời, mỗi dịp năm mới đến, trẻ con háo hức vì được nhận những phong bao lì xì đỏ chói mang thông điệp của sự may mắn, bình an. Tuy nhiên, rất nhiều bậc cha mẹ có thói quen giữ tiền lì xì của con vì sợ con cái chi tiêu không kiểm soát, dễ sa đà vào những thói hư tật xấu.

Tết Nguyên đán năm 2022 đang đến gần, vấn đề giữ tiền lì xì của con lại một lần nữa nhận được nhiều quan tâm của các bậc phụ huynh và dư luận. Có thông tin có rằng, nếu cha mẹ giữ hết tiền lì xì của con trong dịp Tết này sẽ bị phạt đến 30 triệu đồng. Vậy thực hư thông tin này thế nào?

Trước thông tin trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết:

Dưới góc độ pháp lý thì hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ các quyền trẻ em trong đó có quyền có tài sản, quyền định đoạt tài sản và quyền tham gia các quan hệ dân sự. Tùy vào từng độ tuổi nhất định, trẻ em được quyền tham gia các giao dịch dân sự có sự kiểm soát của cha mẹ hoặc không có sự kiểm soát của cha mẹ.

Đối với tài sản riêng thì pháp luật quy định trẻ em hoàn toàn có quyền có tài sản riêng và được pháp luật bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản riêng của trẻ em.

Bởi vậy nhiều người không biết rằng hành vi thu tiền lì xì của trẻ em, sử dụng trái phép tiền lì xì của trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể bị phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự dù người đó là cha, mẹ, ông, bà hoặc những người giám hộ, người đại diện khác.

Hiến pháp năm 2013 quy định về ghi nhận, bảo hộ quyền sở hữu tài sản của mọi công dân như sau: "Điều 32. 1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. 2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ." "Điều 37. 1. Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. 2. Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân; đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc. 3. Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."

Như vậy, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và đều có quyền được sở hữu tài sản, được nhận thừa kế, trong đó có trẻ em mà không phân biệt độ tuổi để được ghi nhận, thực hiện quyền sở hữu tài sản.

Hành vi xâm phạm vào quyền sở hữu tài sản của trẻ em là vi phạm hiến pháp và vi phạm pháp luật. Điều 20. Luật trẻ em năm 2016 cũng quy định về quyền tài sản của trẻ em, theo đó quy định: "Trẻ em có quyền sở hữu, thừa kế và các quyền khác đối với tài sản theo quy định của pháp luật.".

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì: "Con có quyền có tài sản riêng.

Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con".

Như vậy, hiến pháp và các văn bản pháp luật đều ghi nhận quyền có tài sản của trẻ em. Theo đó trẻ em sinh ra có quyền được nhận thừa kế, quyền được nhận tặng cho tài sản, được sở hữu tài sản dựa trên các căn cứ pháp luật. Trong đó tiền lì xì, mừng tuổi cho trẻ em là tiền tặng cho, là người lớn tặng cho trẻ em vào dịp đầu năm.

Bởi vậy theo quy định của pháp luật thì tiền lì xì mà trẻ em nhận được vào dịp tết hoặc những dịp kỷ niệm cá nhân khác là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của trẻ em. Trẻ em có quyền sử dụng số tiền này để thực hiện các giao dịch dân sự, phục vụ các nhu cầu thiết yếu của mình hoặc cho các sở thích cá nhân.

Trẻ em được giữ tiền lì xì khi nào?

Luật sư Cường cho biết thêm, việc tham gia các quan hệ dân sự có thể có người giám hộ giám sát hoặc không tùy thuộc vào độ tuổi theo quy định của pháp luật. Cụ thể bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau: "Điều 21. Người chưa thành niên 1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. 2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. 3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. 4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.".

Như vậy, bộ luật dân sự quy định ở những độ tuổi khác nhau: dưới 06 tuổi, từ 06 tuổi đến 15 tuổi và trên 15 tuổi.

Theo đó trẻ em dưới sáu tuổi thì không được phép tham gia các quan hệ dân sự, việc chi tiêu tiền của trẻ em dưới 06 tuổi do cha mẹ, người giám hộ quyết định. Còn đối với trẻ em từ 06 tuổi đến 15 tuổi thì có quyền tham gia các quan hệ dân sự để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của mình.

Trẻ em từ 15 tuổi trở lên thì có toàn quyền quyết định đối với tài sản của mình, trừ bất động sản và tài sản tài sản có đăng ký quyền sở hữu.

Như vậy với trẻ em dưới 06 tuổi thì tiền lì xì có thể do cha mẹ giữ nhưng việc sử dụng tiền lì xì đó thì phải phục vụ cho nhu cầu của trẻ em phải cha mẹ không được phép chiếm dụng số tiền này.

Trẻ em từ sáu 06 đến 15 tuổi thì có thể giữ tiền mừng tuổi để phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt cá nhân phù hợp với lứa tuổi của mình. Còn khi chi tiêu số tiền lớn không phải nhầm phục vụ nhu cầu cá nhân thì cần có ý kiến của người giám hộ.

Trẻ em từ 15 tuổi trở lên thì hoàn toàn có quyền cầm giữ toàn bộ số tiền mừng tuổi của mình và có toàn quyền chi tiêu số tiền này mà không phụ thuộc vào ý kiến của cha mẹ. Vấn đề này hiến pháp và pháp luật đã ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền sở hữu tài sản này của trẻ em.

Trường hợp cha mẹ, người giám hộ hoặc những người khác xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của trẻ em, có bạo lực về kinh tế đối với trẻ em thì tùy vào tính chất mức độ hành vi người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình quy định những người trong gia đình mà có bạo lực về kinh tế, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, trong đó có trẻ em thì có thể bị phạt đến 30.000.000 đồng, cụ thể như sau: "Điều 58. Hành vi bạo lực về kinh tế Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: 1. Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình. 2. Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động. 3. Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.".

Ngoài ra, hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của các thành viên khác trong gia đình bằng thủ đoạn gian dối, lén lút hoặc bằng vũ lực, bạo lực cũng có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội trộm cấp tài sản hoặc tội cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản... theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015.

Các tội danh này không có quy định hạn chế về chủ thể cũng như mối quan hệ giữa những người trong cuộc, bởi vậy bất kỳ ai xâm phạm trái pháp luật đến quyền sở hữu tài sản của người khác cũng sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Pháp luật quy định quyền, trách nhiệm của người giám hộ, của cha mẹ, ông bà đối với con cháu nhưng đồng thời cũng bảo vệ quyền sở hữu tài sản của các thành viên trong gia đình. Việc quản lý, sử dụng tài sản của các thành viên trong gia đình trong đó có tiền lì xì phải phù hợp với văn hóa, đạo đức và phù hợp với quy định của pháp luật.

Hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của các thành viên trong gia đình, trong đó có trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật. Khi xã hội ngày càng văn minh các quyền của công dân ngày càng được ghi nhận và đảm bảo đầy đủ trong đó có quyền trẻ em thì việc thực hiện quyền đó là vấn đề càng quan trọng.

Các bậc cha mẹ, ông bà, cô dì chú bác, anh chị em cũng cần tìm hiểu các quy định của pháp luật, cần hiểu biết các quyền trẻ em, tôn trọng và bảo vệ quyền trẻ em trong đó có quyền sở hữu tài sản. Việc lì xì, mừng tuổi cho trẻ em là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Số tiền lì xì của trẻ em có thể chỉ vài trăm ngàn đồng, cũng có thể vài chục triệu đồng, thậm chí vài tỷ đồng tùy từng hoàn cảnh, trường hợp cụ thể.

Với những trẻ em gia đình giàu có, bố mẹ có nhiều mối quan hệ thì số tiền mừng tuổi cũng sẽ rất lớn. Bởi vậy việc quản lý, sử dụng số tiền này như thế nào thì phải trên cơ sở các quy định của pháp luật để đảm bảo tôn trọng các quyền trẻ em, đảm bảo việc sử dụng số tiền mang lại các giá trị tích cực cho trẻ em và tránh việc lạm dụng các mối quan hệ để chiếm đoạt tài sản của các em, ảnh hưởng đến quyền trẻ em, xâm phạm đến quyền sở hữu của trẻ em mà pháp luật đã ghi nhận.

Đọc thêm