Thực phẩm chức năng MrSun: “Nổ” là biệt dược chữa yếu sinh lý hàng đầu Việt Nam?

(PLVN) - Sản phẩm MrSun là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng quảng cáo ngụy tạo có thể chữa được bệnh yếu sinh lý là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, để lừa dối người tiêu dùng. 
Thực phẩm chức năng MrSun: “Nổ” là biệt dược chữa yếu sinh lý hàng đầu Việt Nam?

Thực phẩm chức năng “nổ” như thuốc biệt dược

Sản phẩm sinh lý nam MrSun được phân phối chính hãng bởi: Công ty TNHH Pimoom Quốc tế (VP đại diện: CT2B Gelexia Riverside - 885 Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội). Sản phẩm được sản xuất tại: Công ty TNHH Medistar Việt Nam. Theo tìm hiểu tại website: https://mrsun.vn sản phẩm MrSun được đăng ký là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chỉ có tác dụng bổ sung, hỗ trợ tuy nhiên lại được quảng cáo công khai như thuốc chữa bệnh, triều trị hiệu quả bệnh yếu sinh lý.

Trong đó, những nội dung vi phạm quảng cáo thể hiện công khai như sử dụng hình ảnh của Tiến sĩ khoa học, Thầy thuốc ưu tú- Đại tá Phạm Hòa Lan- Nguyên chủ nhiệm khoa nghiên cứu thuốc, Trang thiết bị Y tế Cục Quân Y- Bộ Quốc Phòng khuyên dùng sản phẩm MrSun. Bên cạnh đó, sản phẩm này còn được gắn với lời khuyên, hình ảnh của nhiều bác sỹ ở những cơ sở y tế khác khuyên dùng.

Hình ảnh quảng cáo sản phẩm MrSun trên website của Công ty
Hình ảnh quảng cáo sản phẩm MrSun trên website của Công ty  

Không chỉ có vậy, trên trang Web còn sử dụng rất nhiều hình ảnh khách hàng nhằm quảng cáo cho sản phẩm MrSun có tác dụng “chữa khỏi” “trị dứt điểm”, “không còn”… nhằm mục đích gửi gắm thông điệp sản phẩm này có tác dụng chữa khỏi bệnh yếu sinh lý. 

Thậm chí, đi thẳng vào vấn đề như: “Chia sẻ về sản phẩm chữa yếu sinh lý, xuất tinh sớm hiệu quả nhất mà tôi đã dùng”; “Chia sẻ cách chữa yếu sinh lý ở người cao tuổi – Chuyện “giường chiếu” vẫn chưa “về hưu””… Hoặc khẳng định sản phẩm MrSun chính là một loại thuốc chữa yếu sinh lý bán ở các hiệu thuốc tây… Còn trên các trang mạng xã hội thì sản phẩm Mrsun được quảng cáo công khai tới mức như sau: “Giải pháp đột phá trong điều trị yếu sinh lý – xuất tinh sớm”.

Vi phạm nghiêm trọng pháp luật

Việc sử dụng hình ảnh y, bác sỹ, đơn vị cơ sở y tế để quảng cáo cho sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe Mrsun Công ty TNHH Pimoom Quốc tế là có dấu hiệu vi phạm Thông tư 13/ BYT về hướng dẫn hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc, Bộ Y tế nghiêm cấm “lợi dụng hình thức thầy thuốc hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc bằng các bài viết trên báo, bằng các chương trình phát thanh, truyền hình để quảng cáo thuốc”.

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, việc quảng cáo thực phẩm chức năng phải tuân thủ theo Luật Quảng cáo 2012 của Quốc hội, Nghị định 181/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, Thông tư số 09/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân không quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng chữa bệnh. Không dùng hình ảnh, thư cảm ơn của bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân để quảng cáo cho sản phẩm. Hành vi cố ý quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng điều trị bệnh được đánh giá thuộc mức nghiêm trọng và cần được xử lý nghiêm minh, thậm chí thu hồi giấy phép.

Ngoài ra, Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng quy định: Tổ chức, cá nhân không được phép quảng cáo sản phẩm sai so với tác dụng thực tế. Đối với cá nhân quảng cáo sai sự thật và ở mức nghiêm trọng có thể khởi tố hình sự.

Theo luật sư cho biết, trong trường hợp y, bác sĩ bị mạo danh có thể làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng như Sở Thông tin và Truyền thông, công an xử lý hành vi vi phạm. Đồng thời, những người bị mạo danh có thể khởi kiện người vi phạm ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án ra quyết định buộc họ chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Và để “dẹp loạn” quảng cáo thực phẩm chức năng, theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ xử phạt với khung cao nhất, thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm; thanh, kiểm tra với tần suất lớn nhằm phát hiện sai phạm (nếu có) để ngăn chặn nguy cơ sản phẩm kém chất lượng tới tay người tiêu dùng. “Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát việc quảng cáo thực phẩm chức năng nhằm đưa ra các cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Và trong khi thị trường thực phẩm chức năng vẫn “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng cần sáng suốt khi lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để bảo vệ chính mình”, ông Phong nói.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ thông tin.

Cảnh báo các thủ đoạn quảng cáo giả mạo

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết vừa qua trên một số trang mạng và một số trung tâm tư vấn mạo danh là các nhà thuốc đông y gia truyền khi gọi điện đến khách hàng để tư vấn bán thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe; các nhân viên bán hàng quảng cáo giới thiệu các sản phẩm đó là thuốc hoặc sản phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Bộ Y tế thẩm định.

Các các sản phẩm chào bán thường được giới thiệu hỗ trợ về: xương khớp; sinh lý nam; tiểu đường; kích thích mọc tóc; trị mất ngủ, giảm cân... Nhân viên tư vấn mang tính hù dọa do nắm bắt được tâm lý người bệnh hay lo lắng; không cung cấp thông tin địa chỉ nhà sản xuất sản phẩm và chỉ bán hàng thông qua hình thức chuyển phát. Cục An toàn thực phẩm đã bắt và xử lý nhiều vụ, thậm chí có những trung tâm tư vấn viên chỉ là học sinh, sinh viên không có chuyên môn về khám, chữa bệnh. Do đó, người tiêu dùng cần cảnh giác với thủ đoạn trên.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cảnh báo, cá nhân hoặc tổ chức bán thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe qua mạng, không công khai nơi trưng bày, bảo quản hàng hóa, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cộng đồng bởi khó có thể tránh khỏi tình trạng sản phẩm các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.

Đọc thêm