Đức Việt “bán mình” đến 99,99% cho chủ Hàn
Cuối năm 2016, Tập đoàn chế biến thực phẩm Daesang Corp (Hàn Quốc) cho biết đã hoàn thành thương vụ mua 99,99% cổ phần của Công ty CP Thực phẩm Đức Việt hoạt động trong lĩnh vực chế biến thịt. Thương vụ có giá 32 triệu USD (khoảng 770 tỷ đồng), diễn ra từ tháng Chín.
Công ty CP Thực phẩm Đức Việt - nổi tiếng với thương hiệu xúc xích Đức Việt được thành lập vào năm 2000, do ông Mai Huy Tân, một tiến sĩ trong lĩnh vực toán học, gây dựng. Đây là doanh nghiệp liên doanh đầu tiên với đối tác của Đức trong lĩnh vực sản xuất xúc xích tươi và thực phẩm chế biến sẵn tại Việt Nam. Trong nhiều năm trước khi bị thâu tóm, đây được xem là nhà sản xuất xúc xích hàng đầu Việt Nam.
Năm 2000, những mẻ xúc xích nướng (Bratwurst) – một loại xúc xích nổi tiếng của vùng Thuringen của miền Trung nước Đức - đầu tiên của Đức Việt xuất xưởng, trở thành sản phẩm gợi nhớ kỷ niệm của những người đã từng học tập, lao động tại nước Đức. Từ nhóm người tiêu dùng đặc biệt này, xúc xích Việt Đức đã len lỏi được vào từng gia đình, trở thành món ngon không thể thiếu trong các dịp tụ họp.
|
Thương hiệu Đức Việt Foods đã về tay ông chủ Hàn |
Qua một thời gian phát triển thương hiệu, Đức Việt đã cung ứng tới gần 60 loại sản phẩm, gồm xúc xích và thịt cắt lát hun khói với hệ thống phân phối có mặt trên cả nước, tập trung chủ yếu tại các thành phố và đô thị lớn như: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Quảng Ninh… Cùng với đó, Đức Việt cũng phủ sóng đều khắp ở các kênh phân phối như siêu thị lớn (Metro, Big C…), kênh nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng thực phẩm, quán bia, các điểm vui chơi, khu du lịch, trường học, đường sắt, hàng không... Vốn điều lệ công ty đạt 130 tỷ đồng và theo danh sách cổ đông được cập nhật tới tháng 5/2016, ông Mai Huy Tân vẫn là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 28,62%.
Trong khi đó, Tập đoàn Daesang thành lập năm 1956, chuyên sản xuất thực phẩm và gia vị, gồm tương đậu nành, sốt đậu nành, súp và mì Trung Quốc. Tập đoàn Hàn Quốc bắt đầu tiến vào thị trường thực phẩm Việt Nam trong những năm 1990 thông qua xây dựng một số nhà máy sản xuất gia vị. Bột ngọt Miwon là một trong những sản phẩm chủ lực thuộc sở hữu của Tập đoàn này.
Sau thương vụ M&A, Daesang công bố, tổng tài sản của Thực phẩm Đức Việt được ước tính ở mức 16 tỷ won (13,6 triệu USD). Nợ phải trả 7 tỷ won (khoảng 140 tỷ đồng). Năm 2015, Thực phẩm Đức Việt đạt doanh thu 31 tỷ won (hơn 600 tỷ đồng) và lợi nhuận thu về là 2 tỷ won (40 tỷ đồng).
Vì sao Daesang sẵn sàng chi số tiền lớn mua Đức Việt?
Thị trường cho thịt chế biến tại Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh. Theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Mintel Group, nhu cầu sản phẩm chế biến từ thịt đạt 490 triệu USD trong năm 2015. Trong đó, nhu cầu đối với xúc xích đông lạnh chiếm 23%, tiếp theo là 19% xúc xích bảo quản, 18% xúc xích truyền thống.
Mức độ cạnh tranh trên thị trường xúc xích đông lạnh ngày càng khốc liệt giữa các tay chơi nội như Đức Việt và Vissan, bên cạnh các công ty ngoại như San Miguel của Philippines, Nippon Ham Group của Nhật Bản, CP Foods của Thái Lan. Daesang là công ty Hàn Quốc đầu tiên đặt chân vào sân chơi này và đặt mục tiêu thu về hơn 42 triệu USD doanh thu từ xúc xích tại Việt Nam mỗi năm đến năm 2020.
Giới phân tích cho rằng, việc thâu tóm Đức Việt là bước đi khôn ngoan của Daesang Corp trong kế hoạch đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực chế biến thịt tại Việt Nam. Cũng không có tên tuổi nào phù hợp hơn Đức Việt trong mục tiêu thâu tóm này. Bởi trên thị trường thời điểm đó, Đức Việt đang là một trong 3 tên tuổi tạo thành thế kiềng 3 chân, cùng với C.P (Thái Lan) và Vissan.
Trong đó, Vissan là tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực chế biến thịt, xúc xích tại Việt Nam, đã thuộc về cổ đông chiến lược là Masan Group sau thương vụ IPO nhiều sóng gió hồi đầu năm 2016. Khi đó, đại gia CJ (Hàn Quốc) cũng đã lao vào cuộc đua thâu tóm Vissan, nhưng không thành công. Còn C.P (Thái Lan) đã có hơn 20 năm kinh nghiệm đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Đây là ngoại binh đang cùng với Vissan và Đức Việt chia nhau những miếng bánh lớn nhất của thị trường này. Điểm mạnh của C.P là hoàn toàn chủ động ở khâu nguyên liệu đầu vào. Các sản phẩm của C.P được sản xuất theo quy trình khép kín cùng tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng.
Rõ ràng, chỉ có Đức Việt có thể nằm trong tầm ngắm của Daesang Corp. Sản phẩm của Đức Việt không chỉ được người tiêu dùng cả nước đón nhận vì mang hương vị đặc trưng riêng mà thế mạnh của Đức Việt còn nằm ở phân khúc của dòng sản phẩm chủ lực là xúc xích tươi. Người tiêu dùng phía Bắc thì từ lâu đã chuộng xúc xích Đức Việt vì mang “hồn” ẩm thực Đức.
Bên cạnh đó, xúc xích tươi xuất phát từ các nước châu Âu nên kinh nghiệm của họ trong việc sản xuất là hơn hẳn doanh nghiệp nội. Chưa kể việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu bài bản, chất lượng đồng đều là cơ sở để họ chiếm ưu thế lớn về giá thành. Điều này cũng lý giải một phần động thái của các doanh nghiệp trong nước khi nhanh chóng chuyển hướng chiến lược tìm đối tác chiến lược, đầu tư công nghệ mới, thâm nhập phân khúc sản phẩm này.
Đặc biệt, với Daesang Corp - một tên tuổi có thâm niên trong lĩnh vực thực phẩm, tiêu dùng ở châu Á, thì Đức Việt thực sự là miếng mồi béo bở để hãng này thâm nhập nhanh chóng vào phân khúc sản phẩm này. Có thể thấy, việc Daesang Corp sẵn sàng bỏ ra 32 triệu USD để mua lại 99,99% cổ phần Đức Việt đã chứng minh rằng sân chơi thị trường thực phẩm xúc xích ngày càng hấp dẫn đối tác ngoại mặc dù các công ty trong nước đã và đang hoàn thiện chuỗi quy trình cung ứng sản phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Việc gia nhập các hiệp định thương mại tự do giúp doanh nghiệp khối nội mở rộng thị trường xuất khẩu, nhập nguyên liệu với giá cả cạnh tranh.
Tuy nhiên, sự thâm nhập mạnh mẽ của các đối thủ ngoại mới cũng như sự bành trướng của các đối thủ cũ cùng phân khúc, cuộc cạnh tranh ở cả thị trường thành thị, nông thôn đang đẩy các tên tuổi trong nước vào cuộc chiến căng thẳng giành thị phần của thị trường xúc xích tươi.