Thung lũng hoa hồng dưới chân núi LangBiang

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dưới chân núi LangBiang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), nghề trồng hoa hồng nhiều năm nay đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Và cũng xuất phát từ tình yêu hoa, mưu sinh từ hoa, thương hiệu Hoa hồng LangBiang đang được gầy dựng bởi những bàn tay, đôi chân người nông dân.
Ông Păng Tin Sin trong trang trại hoa hồng của mình.
Ông Păng Tin Sin trong trang trại hoa hồng của mình.

Thầy giáo đưa hoa hồng lên núi

Xuất thân là một thầy giáo, rẽ ngang làm nông nghiệp như cơ duyên, đến nay ông Păng Tin Sin (SN 1969, ngụ tổ dân phố Bon Đưng 1, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) là một trong những người thành công nhất ở làng hoa hồng dưới chân núi LangBiang.

Năm 1987, chàng trai Sin tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt và được bố trí dạy tiểu học ở phân trường Păng Tiêng (huyện Lạc Dương). Sau một thời gian về công tác ở phòng giáo dục huyện, thầy giáo trẻ trở lại công tác tại phân trường Păng Tiêng với vai trò Phó Hiệu trưởng.

Làm việc trong ngành sư phạm, nhưng Păng Tin Sin lại cảm thấy không phù hợp với công việc ở trường học. Ngược lại anh rất đam mê làm vườn, có ý định phát triển kinh tế từ nông nghiệp. “Năm 1990, vợ tôi “bắt chồng”, tôi đã quyết định bỏ nghề giáo theo vợ về làm nông dưới chân núi Langbiang”- ông Sin kể .

Ông Păng Ting Sin (bên phải) giời thiệu về hoa hồng tại vườn.

Ông Păng Ting Sin (bên phải) giời thiệu về hoa hồng tại vườn.

Ông Sin nói thêm, cuộc sống của người dân tộc K’ho Lạch dưới chân núi LangBiang nghèo lắm, cái nghèo đeo bám họ trong cả cái tên. Chữ “Lạch” theo tiếng đồng bào có nghĩa là đồi trọc. Người Đồng bào dân tộc thiểu số ở Lạc Dương chủ yếu trồng ngô, lúa, cà phê, lagim,...nhưng hiểu quả kinh tế không cao. Nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu ở chân núi LangBiang thích hợp với việc trồng hoa hồng. Năm 2010 ông Sin quyết định chuyển đổi từ trồng lúa, la gim sang sản xuất hoa hồng.

Păng Tin Sing kể lại, khi mới làm quen với cây hoa hồng, mọi thứ đều rất mới mẻ, từ kỹ thuật canh tác, nguồn vốn đầu tư thiết bị, nhà kính, nhân công, tìm kiếm thị trường...Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế, thầy giáo Sin mạnh dạn cầm sổ đỏ vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất.

Để có kiến thức canh tác hoa hồng, ông Sin đã dành nhiều thời gian đến các vựa trồng hoa lớn của Đà Lạt như Vạn Thành, Thái Phiến, Đông Anh học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời tham gia các buổi tập huấn, hội thảo về hoa trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu các kĩ thuật trồng hoa hiện đại, trồng hoa công nghệ cao.

Nhờ biết cách nắm bắt kĩ thuật, kết nối thị trường, sau năm thứ hai trồng hoa kinh tế của gia đình ông Sin đã có sự thay đổi rõ rệt. Nhiều hộ dân trong tổ dân phố nhận thấy hiểu quả từ mô hình của chàng trai trẻ đã mạnh dạn làm theo.

Với vai trò tiên phong, ông Sin đã tích cực vận động người dân chuyển đổi một số diện tích trồng rau, cà phê năng suất thấp sang trồng hoa hồng. Anh trực tiếp giúp đỡ bà con về kỹ thuật dựng nhà lưới, nhà kính, chọn giống, phương pháp trồng trọt,...Đến nay, tính riêng trong tổ dân phố nơi ông Sin ở đã có hơn 30 hộ canh tác hoa hồng.

Nói về tính hiệu quả, ông Sin so sánh, người nông dân trồng rau thường đối diện cảnh được mùa mất giá. Nhưng với hoa hồng, giá cả thường được nông dân và đầu mối thu mua thoả thuận trước nên ổn định và cao hơn rất nhiều. Với diện tích 1.000 m2 trồng hoa hồng, mỗi tháng cho thu hoạch khoảng 15.000 cành hoa, với mức giá cứng từ 1.200 đến 1.500 đồng/cành sau khi trừ chi phí người trồng hoa lời ít nhất 10 triệu đồng/tháng. Nếu mạnh dạn đầu tư thêm có thể kiếm vài chục triệu mỗi tháng, dễ gấp nhiều lần so với trồng cà phê hay la-gim.

Theo ông Sin, việc chuyển đổi từ trồng rau, cà phê, lúa dù hiểu quả nhưng cũng có không ít khó khăn. Trước hết là việc hoa thường xuyên bị nhiễm các sâu bệnh hại, cần phải có sự hiểu biết để phát hiện và xử lý kịp thời, nếu không hoa sẽ cho năng suất thấp, thậm chí bị chết cây. “Có thời điểm tôi phải mò mẫm cả tuần trời ngoài vườn hoa để xử lý sâu bệnh, côn trùng”- Ông Sin cho hay.

Vấn đề khó khăn nhất đối với người trồng hoa hồng ở LangBiang đó là vốn đầu tư. Chi phí đầu tư trung bình 300 triệu đồng với 1000 m2, hầu hết người dân trồng hoa ở đây là người đồng bào dân tộc thiểu số, nên rất ít hộ gia đình có nguồn vốn để đầu tư canh tác hoa hồng, việc tiếp cận với các nguồn vay chính sách cũng rất khó khăn.

Bước đệm đưa hoa hồng Langbiang bay xa

Học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, đầu năm 2016 anh Cil Khuynh (49 tuổi, trú tại tổ dân phố Đăng Gia, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng la gim sang trồng hoa hồng. Hiện anh đang sở hữu khu vườn hơn 5000 m2 trồng hoa hồng.

Anh Khuynh chia sẻ: “Trồng hoa hồng kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng la gim. Thời gian đầu tôi vay vốn hơn 1 tỷ đồng đầu tư diện tích 4000 m2, mặc dù có nhiều lo lắng nhưng khi bắt đầu có thu nhập thì mọi thứ trở nên dễ dàng hơn”.

Không cần liên hệ với các vựa hoa trước, vườn hoa của anh Khuynh được nhập ngay cho các thương lái ở thị trấn, vì hoa hồng là mặt hàng rất được ưa chuộng nên việc tìm đầu ra không khó. Dịp 8/3 vừa qua anh cắt bán được gần 4 ngàn cành, thu về hơn 15 triệu đồng.

Các cơ sở thu mua hoa ngay tại địa phương giúp giải quyết đầu ra cho người trồng hoa hồng ở LangBiang.Các cơ sở thu mua hoa ngay tại địa phương giúp giải quyết đầu ra cho người trồng hoa hồng ở LangBiang.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương, một chủ vựa ngay dưới chân núi Langbiang cho biết: Hoa hồng ở LangBiang chất lượng không kém gì so với ở Đà Lạt, hoa có màu sắc đẹp, cứng cáp, cây phát triển tốt, do đó việc tìm kiếm đầu ra là không quá khó. Trung bình mỗi ngày chị có thể xuất từ 5 đến 10 ngàn cành, chủ yếu xuất đi Hà Nội, Hồ Chí Minh,... và nhiều thành phố lớn trong nước. Tùy vào màu hoa mà giá nhập có thể từ 3 đến 8 ngàn đồng/cây.

Tính đến hiện nay toàn thị trấn Lạc Dương có gần 300 hộ chuyên canh hoa hồng, diện tích trên 300 ha chiếm 90% diện tích hoa hồng trong toàn huyện. Mặc dù là tín hiệu tối cho thấy khả năng vận dụng, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả của người nông dân, nhưng nó cũng đặt ra thêm bài toán khó, đó là vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm.

Ngày 15/7/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 4920/UBND-VX1 về việc cho phép UBND huyện Lạc Dương sử dụng địa danh LangBiang để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm hoa hồng LangBiang.

Theo đó, ngày 24/9/2021, UBND huyện Lạc Dương đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa hồng LangBiang” nhằm phát triển mạnh thương hiệu hoa hồng trên thị trường; bảo hộ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình trồng, sản xuất, kinh doanh các loại hoa hồng trên địa bàn huyện.

Việc xây dựng nhãn hiệu “Hoa hồng LangBiang” được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội giao thương, nâng cao thu nhập cho người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đặc biệt, nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm hoa hồng của huyện Lạc Dương.

Xây dựng thương hiệu Hoa hồng Lang Biang

Theo Phòng NN-PTNT huyện Lạc Dương, địa phương hiện có 335 ha hoa hồng. Trong đó, tập trung nhiều nhất là Thị trấn Lạc Dương với khoảng 313 ha, còn lại các xã như Đạ Nhim 7 ha, Đạ Sar 4,8 ha, xã Lát 4,6 ha, Đạ Chais 0,4 ha, Đưng K’nớ 5,2 ha. Mật độ trồng trung bình hiện nay khoảng 100 nghìn cây/ha và sản lượng ước tính đạt 1 triệu cành/ha/năm.

Tại Lạc Dương, người dân đang trồng khoảng 50 loại giống hoa hồng có tên gọi, màu sắc khác nhau. Trong đó giống hoa to bao gồm đỏ ớt, đỏ trường kỳ, đỏ pháp, ohara đỏ, trắng ù…; giống hoa trung bình gồm vàng ánh trăng, vàng mai, kem dâu, kem Hà Lan; giống hoa nhỏ như đỏ sa, sen nhí, son môi…

Hiện nay, hoa hồng từ các nhà vườn ở Lạc Dương đã được tiêu thụ rộng khắp thị trường cả nước. Trong đó, nhiều thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ… Về chất lượng, hoa hồng Lạc Dương có mẫu mã đẹp, màu sắc đa dạng, bông cứng khỏe, thời gian tươi lâu, nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người tiêu dùng. Sản lượng hàng năm cung cấp ra thị trường ước tính khoảng 330 triệu cành.

Đọc thêm