Hồi trước, thuốc phiện được người Pháp du nhập vào nước ta từ trên Lào xuống. Họ đánh thuế nhẹ, giá rẻ gần như khuyến khích… có mục đích đầu độc, ru ngủ dân ta cho dễ cai trị.
Các nhà giàu xưa thuở trước, nhiều người hút thuốc phiện cho đến ghiền. Cũng như rượu, người Pháp giữ độc quyền phân phối thuốc phiện trên toàn cõi Đông Dương. Tài liệu của nhà văn Hồ Trường An cho thấy:
“Hãng nấu thuốc phiện ở đường Paul Blanchy (sau này là đường Hai Bà Trưng), gọi là Régie central d’opium, gọi tắt là R.G.O. Hãng nấu thuốc phiện này giữ độc quyền bán thuốc phiện cho những tiệm hút có môn bài. Tiệm hút được gọi là Régie Opium, thường phía trước cửa có treo cờ với hai chữ viết tắt kể trên.
Ở Sài Gòn, tại đường Lefèbre (sau là Nguyễn Công Trứ), xéo xéo Đông Dương Ngân hàng, có ba tiệm hút. Mỗi tiệm có mặt tiền bằng ván ghép, cửa đóng kín mít. Ở cửa đi vô, có khoét một lỗ hình vuông dài, phía trong có chong đèn đầu. Cạnh lỗ có treo tấm bảng bằng thiếc sơn, vùng trên có chữ nổi Régie Opium. Khách tới, đẩy cửa hông bước vào, thì thấy một anh chàng ngồi đó.
|
Cận cảnh một bàn đèn |
Qua khỏi quầy thì vào trong căn phòng dài, có kê vách tường một bộ sạp gỗ, dài cỡ 5 tới 7 thước, có bày gối bằng sành. Khách gọi thì họ đem bàn đèn lại, và hỏi “ngao tài” hay “ngao xỉu”, tức các đơn vị thuốc phiện trong tiệm hút để hút tại chỗ.
Thuốc phiện bán tại Régie Opium được đựng trong hộp. Hộp lớn đựng một lượng (37g5) thuốc phiện, hộp vừa đựng 5 chỉ, hộp nhỏ đựng 2 chỉ. Khách mua hút tại chỗ, có thể mua ngao tài (thứ lớn) có thể hút từ 3 tới 5 điếu, hoặc có thể mua ngao xây (xỉu) là thứ nhỏ chỉ hút có hai điếu. Hai người rủ nhau vào tiệm hút có thể mua một ngao tài chia nhau mỗi người 2 điếu hút cũng đủ say.
|
Dân nghiện cùng hút, cùng ngủ và trò chuyện trong một "dưỡng đường giải độc", tên gọi một cách hoa mỹ cho các tiệm hút. Hình chụp tại Sài Gòn năm1948 |
Khách hút thường trực nhứt là các văn nhân đào kép cải lương. Nhiều nghệ sĩ có tài, có sắc, nhưng vì là đệ tử của nàng tiên nâu, nên nhiều người chết trẻ, thân tàn ma dại. Nếu họ hút đủ và điều độ thuốc nguyên, thì có lẽ nhan sắc và giọng hát có thể cầm cự được một khoảng thời gian. Đằng này, trước hút thứ nguyên chất, sau vì không tiền, họ hút thuốc sái, cho đến nỗi trỏ thành hình ảnh trong câu ngạn ngôn như sau:
Trai tráng sĩ phải co vai rút cổ,
Gái thuyền quyên phải mặt bủng da chì.
Đã vậy giọng hát của họ bị khói thuốc phù dung ám đục và dây thanh đới không mềm dẻo như xưa nữa. Cho nên âm lượng trong tiếng hát hao hụt, âm sắc trở nên khàn đục, để rồi giọng hát tắt lịm đi. Thường các văn nhân vào tiệm hút thường trao đổi tin tức cho nhau sau khi hút xong vài điếu. Họ tỉnh táo như sáo sậu.
Họ nói chuyện thời cuộc, tin trong giới chính trường, trong giới sinh hoạt nghệ thuật. Những tin tức đó gọi là “Tin Radio một đèn”. Một đèn ngầm ám chỉ ngọn đèn dầu phộng của mâm thuốc phiện. Tin radio một đèn không phải là “tin chính xác, đó là tin miệng, tin truyền miệng”. Trên các báo Tin Điển, Đuốc Nhà Nam (lúc đầu), Ánh Sáng, Sài Gòn, Thần Chung (lúc sau) thường có mục “Radio một đèn”. Về sau “Tin radio một đèn” còn gọi là “Tin lạt dừa”, tin hành lang…
|
Cảnh bê tha nhếch nhác của gia đình một người nghiện |
Cô Sáu Huỳnh Kỳ, ngôi sao trong gánh Huỳnh Kỳ – Trần Đắc có giọng kim đồng bất hủ. Đó là giọng ca thật cao vút trong trẻo và lảnh lót mỗi khi cô ca tới câu “… chuông đồng hồ điểm boong boong, em lắng nghe 12 tiếng” thì thính giả cảm thấy xương sống mình tê rần ngay. Vì rằng khi hát tới hai chữ “boong, boong” giọng cô ngân nga, dư vang lanh lảnh như tiếng chuông…
Về sau, cô bị ả phù dung mê hoặc, phải bỏ nghề. Rồi cô bịnh lao phổi, tiếng tắt tịt. Cô lại không tiền, không thân nhân giúp đỡ. May cho cô, một ông bác sĩ vốn là người ưa bảo trợ văn nghệ sĩ, đưa cô về nhà ông đễ săn sóc. Mỗi khi cô cần gọi ai, cô không thể kêu lớn, đành phải lắc cái lon rỗng có đựng sỏi sạn. Một dịp đi chợ Tết, cô mua một trái dưa hấu rồi khấn hứa: “Vái cùng hoàng thiên hậu thổ, xin cho con biết cái thời vận con ra sao khi xẻ trái dưa hấu này.
Nếu ruột dưa hấu mà đỏ tươi là điềm lành cho con biết thời cơ còn đỏ. Còn nếu ruột dưa lợt nhách, tức là vận số đưa con tới bước đường cùng”. Và than ôi, khi trái dưa hấu bị cắt đôi, chỉ bày một màu hường vừa lợt vừa tái ngắt. Thất vọng, cô treo cổ tự tử.
Thời tàn tạ của hoa khôi Ba Trà (Trần Ngọc Trà) ít ai biết. Nhưng vào năm 1936, trước khi lập gia đình, một nhân chứng có theo bạn bè đi hút ở một tiệm tồi tàn trong Chợ Lớn. Người tiêm thuốc cho ông là cô Ba Trà.
Cô đã già, tròm trèm 60 tuổi, mặt mày cô tiều tuỵ, nhưng sống mũi vẫn còn thanh tú, mắt vẫn còn đen láy và loang loáng ánh gương. Cô kể chuyện đời rất hay, rất thấm thía. Tuy ít học nhưng nhỏ có nhiều kinh nghiệm về tình đời nên cách ăn nói, kể chuyện của cô dễ làm mềm lòng người nghe.
Vào những năm 1950, 1951, 1952 tại Sài Gòn, gần sòng bạc Kim Chung có tiệm hút của ông Hai Thóc. Nơi đây có các nhà văn, nhà thơ hay lui tới như:
- Thanh Nam (nhà văn) tại đó đã sáng tác những quyển tiểu thuyết ướt át như: Cuộc Đời Một Thiếu Nữ, Lỡ Một Đời Hoa, Người Nữ danh Ca, Hồng Ngọc…
- Trọng Thương (nhạc sĩ) lúc đó đã sáng tác các bản: Ghen (phổ nhạc bài thơ cùng tựa của Nguyễn Bính). Về sau, những năm 1960, ông sáng tác bản “Về Miền Nam” rất nổi tiếng và “Đường Về Nhà Tôi”. ông còn là tác giả bản “Bánh Xe Lãng Tử”. Trọng Thương có giọng hát điêu luyện và đẹp.