Phiên tòa ly hôn hôm đó giữa cặp vợ chồng già đã từng có đến 50 năm chung sống với nhau, họ có cả bầy con, cháu, chắt đến vài chục người. Bà vợ làm đơn nhất định phải ly hôn với chồng bằng mọi giá, ông chồng nghễnh ngãng đồng ý ly hôn vợ, chỉ duy nhất việc tranh chấp tài sản là khiến ông quyết không nhượng bộ bà.
Tôi hỏi bà vợ: “Lý do vì sao bà đứng đơn xin ly hôn với chồng trong khi tuổi của ông bà thuộc dạng “xưa nay hiếm” rồi?” Chỉ chờ câu hỏi đó, bà cụ trả lời một mạch như đọc “bản cáo trạng” dành cho ông chồng để nhất quyết đạt được mong muốn ly hôn của mình:
“Do gần đây tánh tình ông ấy đổ đốn, lúc trẻ không sao, về già lại sinh tật nhậu nhẹt la cà, lại còn “mèo mả gà đồng” với con ranh mới nứt mắt bằng đáng tuổi con mình, không làm gương cho con cái, chỉ được thêm cái tội làm tan cửa nát nhà, khuynh gia bại sản…
Ông ấy vay nợ khiến tôi phải bán đi một khoảnh vườn của gia đình mà chúng tôi gầy dựng từ ba bốn chục năm trước mới có được để trả nợ cho ông ấy. Đã thế, khi “trò mèo” chán chê rồi, về nhà lại ức hiếp tôi, ăn cái gì tôi nấu cũng chê, tôi nói gì cũng quát tháo dù trước mặt con cháu, dâu rể…”.
Tôi nhắc: “Bà dừng lại. Tòa hỏi tới đâu, bà trả lời tới đó thôi”.
“Chưa hết, ông ấy còn đòi bán luôn căn nhà để chia đôi mỗi người một nửa, tôi không chịu thì ổng làm mình làm mẩy hết ngày này tháng nọ…”.
Tôi cắt ngang: “Thôi đủ rồi, ý bà là muốn ly hôn với chồng vì tiền đã hết, tình cũng đã cạn, đúng không?”.
“Không những thế, ổng còn đòi tôi trả lại ổng chiếc lắc, đôi bông hồi mới cưới nhau. Đó là vật kỷ niệm, tôi chỉ sử dụng khi ngồi đám cho con cháu…”.
Không dừng lại được “bản cáo trạng” đanh thép của bà vợ, tôi đành ra dấu cho bà ngồi xuống để hỏi ông chồng: “Ông có đồng ý ly hôn không?”. Sau nhiều lần ngóng tai hỏi lại, ông cụ mới nghe được câu hỏi và trả lời: “Tôi đồng ý chứ!”.
“Nguyên nhân vì sao ông đồng ý ly hôn vợ?”.
Khi nghe được câu hỏi của tôi, ông bật khóc nức nở và trả lời trong tiếng nấc đứt đoạn: “Tôi già chừng này tuổi đầu rồi, bà ấy nghĩ sao lại ghen đứa con của thằng đồng đội cũ của tôi. Thằng bạn tôi bị tai nạn chết, vợ nó sống cũng như chết vì bị bán thân bất toại, chết nửa người, còn đứa con gái duy nhất của nó bị tật nguyền từ nhỏ. Thấy vợ con nó như vậy, thiếu gạo tôi cho gạo, thiếu thuốc uống tôi lo cho thuốc uống…
Mà đâu chỉ có mình tôi, anh em cựu chiến binh cùng đơn vị mỗi người góp một tay để lo cho vợ con nó. Bả còn có con có cháu lo, còn vợ con của thằng bạn của tôi thì chỉ có đồng đội. Vậy mà bà ấy ghen sảng.
Ghen thì cứ chia đều gia sản, tôi sẽ đi luôn để bạn bè dẫu có nhắm mắt cũng còn an lòng vì có đồng đội nó lo phần hậu sự…”.
“Căn nhà đã được định giá trị là trăm lượng vàng, ông muốn nhận bao nhiêu?”. “Tôi phải nhận phần mình phân nửa là năm mươi lượng, không thiếu một ly”.
“Nhà bán, chia rồi thì ông ở đâu, bà ở đâu, con cháu của ông ở đâu?”. “Tôi chỉ trả lời phần của tôi thôi nhé! Tôi sẽ hiến tài sản của mình vào quỹ nhân đạo một phần, một phần cho vợ con thằng bạn, phần còn lại tôi mua bảo hiểm để dưỡng già. Còn bả sống sao thì thây kệ bả”.
Bà vợ đứng phắt dậy nói một hơi: “ Đó là lý do vì sao tôi muốn ly hôn với ông ấy sau nửa thế kỷ chung sống. Ông ấy đã vì bạn bè, người dưng mà không màng tới vợ con.
Bao năm qua ông ấy đau ốm bệnh hoạn ai chăm sóc, bây giờ ông ấy lại đi chăm sóc người dưng. Nói động tới một tí là lớn tiếng bênh vực người ngoài…”.
Tôi gắt: “Đây là phần thẩm vấn, không phải phần tranh luận, bà chỉ được phép trả lời những câu hỏi của tòa mà thôi!”.
Ngay lập tức, ông chồng đứng phắt dậy lớn tiếng: “Ngày xưa ở chiến trường bom đạn, giữa sự sống và cái chết, bà có mặt ở đó để chia sẻ sự sống với tôi hay chỉ có đồng đội của tôi? Do bà không sống trong cảnh cuộc sống mong manh giữa làn tên mũi đạn, giữa sống mái, đồng đội tụi tôi đã phải chia lửa cho nhau để tồn tại thì làm sao bà hiểu được tình cảm thiêng liêng của chúng tôi…”.
Tôi lại phải nhắc chừng ông chồng: “Đã bảo đây là phần thẩm vấn, không phải phần tranh luận, đề nghị ông cụ ngồi xuống, bao giờ tòa hỏi thì mới trả lời”.
Thấy khó kiềm chế được những cơn giận dỗi của đôi vợ chồng già, tôi hỏi người con trai trưởng của ông bà: “Cha mẹ anh hiện nay có ở chung nhà không?”. “Dạ thưa có”. “Hai cụ ngủ riêng hay ngủ chung?”. “ Trước giờ cha mẹ tôi vẫn ngủ chung một phòng”. “Trong phòng có mấy cái giường?”. “Chỉ một”. “Vậy hiện nay hai cụ vẫn ngủ chung một giường?”. “Thưa, vâng!”.
Bản án hôm ấy đã tuyên bác đơn ly hôn của bà cụ và không xem xét đến phần tranh chấp tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vì tòa xét thấy đời sống chung vợ chồng của hai cụ chưa đến mức trầm trọng, tình trạng mâu thuẩn giữa vợ chồng chỉ nhất thời, mục đích hôn nhân hoàn toàn đạt được.
Đôi bạn già có vẻ hậm hực ra về, chỉ những đứa con của các cụ là tỏ ra vui mừng, cùng đỡ cha mẹ ra bãi xe, chở hai cụ về nhà./.