Thành phố... Chợ
Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay đã là một trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của cả nước và chợ đóng vai trò quan trọng tất yếu trong sự phát triển của vùng đất này. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội còn được gọi là Kẻ Chợ.
Người Hà Nội sẽ chẳng bao giờ quên được những ký ức đẹp về những phiên chợ Bưởi, chợ Mơ, cảnh chợ Tết Đồng Xuân, chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược. Chợ là nơi người ta đến mà có lúc chẳng cần mua bán gì. Bởi chợ là nơi gặp gỡ, giao lưu, là một nét văn hóa trong sinh hoạt của người dân Hà Thành.
Chợ không chỉ có ở các phường nghề mà còn họp ở cửa thành, cửa sông, bến đò. Ngoài những chợ lớn, Thăng Long - Hà Nội còn vô số những chợ nhỏ, chợ lưu động không tên, mà ở đó những người bán hàng rong, những người tự sản xuất mang sản phẩm của mình ra bán, chẳng cần hàng quán và họp ở tất cả những nơi nào đông người qua lại. Paul Bourde - phóng viên thường trú báo Le Temps tại Hà Nội (năm 1883) mô tả: “Thành phố biến thành một cái chợ mênh mông ngoài trời. Cứ 6 ngày lại có một phiên chợ Hà Nội, lái buôn và thợ thủ công đủ loại từ các làng mạc xung quanh kéo tới. Những người nông dân bày bán hàng hóa của mình trong chiếc khăn vải, trong rổ, hoặc ngay trên mặt đất nếu hàng không sợ hư hỏng. Ngày xưa, mặt phố tràn ngập người”…
Trẻ em thường được người lớn đưa theo, những đứa con lớn sẽ “được” giúp mẹ mang đỡ đồ đạc. Phụ nữ thời xưa khi ra chợ thường cắp theo một chiếc rổ, rá hoặc thúng nhỏ đan bằng tre để khi mua hàng thì bỏ vào đó mang về. Cái thúng đi chợ ấy còn bao công dụng khác nữa, như để bánh trái, đồ ăn ngày giỗ, Tết…
|
Chợ xưa đất Kẻ Chợ - Ảnh: Trung tâm lưu trữ Quốc gia I |
Những phiên chợ Tết trong ký ức
Trong sách “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi chép: “Vào dịp gần Tết, triều đình cho mở chợ hoa ở chợ Cầu Đông”. Chợ Cầu Đông (tương ứng khu vực giữa phố Hàng Đường hiện nay) nằm bên bờ sông Tô Lịch, không chỉ bán cho dân chúng Thăng Long chưng Tết mà còn bán cho người cất buôn mang đi các vùng miền khác.
Chợ hoa Hàng Lược bắt đầu họp từ ngày 23 tháng Chạp cho đến trước Giao thừa. Chợ bán nhiều loại hoa trong nước, nhưng nhiều nhất vẫn là hoa đào. Không chỉ bán hoa, chợ Hàng Lược còn bán bát, chậu, đôn, bình, lọ… làm ở làng gốm Bát Tràng bên kia sông Hồng đưa sang.
Chợ đồ cổ - cũng nằm ngay trong khu chợ hoa Hàng Lược, mỗi năm họp chỉ vào những ngày cận Tết. Người Hà Nội thường đến tìm một món đồ nào đó có “duyên” với mình để chơi Tết. Mặc dù phần lớn mặt hàng được bày bán ở phiên chợ đặc biệt này là đồ giả cổ, đồ đồng có niên đại hàng chục năm… Tuy nhiên, những món đồ này được chế tác rất tinh xảo, chỉ những người sành chơi mới có thể phân biệt được là đồ cổ thật hay giả cổ…
Nửa cuối thế kỷ 19, đoạn ngã tư Hàng Bồ - Hàng Thiếc chuyên bán giấy của Kẻ Bưởi, nghiên mực làm bằng đá của vùng đá vôi Hà Nam và mực làm ở Hưng Yên cùng các loại giấy và mực nhập từ Trung Quốc. Vào dịp gần Tết, khu vực này xuất hiện các ông đồ trải chiếu viết chữ và bán câu đối đã viết sẵn. Ai không biết chữ thì trình bày mong muốn để thầy đồ tìm chữ hợp với bản thân và gia cảnh. Câu đối và chữ viết trên giấy hồng điều. Trong cuốn “Từ Paris đến Hà Nội”, nhà báo Paul Bourde đã mô tả về câu đối ở Hà Nội cuối thế kỷ 19 là: “Dù nghèo đến xác xơ thì vào dịp năm mới họ vẫn phải thay miếng giấy đỏ trên tường bằng miếng giấy đỏ khác. Có nhà mong chữ “Phú Quý” hay “An Khang”, cũng có nhà là chữ “Vạn sự như ý”. Họ tin vào trời đất”.
|
Phụ nữ xưa đi chợ thường chỉn chu áo dài - Ảnh: Trung tâm lưu trữ Quốc gia I |
Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, ngày Tết khách đến nhà chơi, ngồi uống rượu và bình chữ, bình câu đối là một cái thú. Thế rồi, sang thập niên 30 của thế kỷ 20, chữ Nho thất thế nhường chỗ cho chữ Quốc ngữ. Và phố Hàng Bồ không còn những ông đồ trải chiếu “bên phố đông người qua”, nhưng thú chơi câu đối Tết, xin chữ đầu năm vẫn hiện hữu trong cuộc sống hôm nay. Đó là chợ Ông đồ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám mỗi độ Xuân về.
Một phiên chợ ngày Tết khác, muộn nhất phải kể tới Kẻ Mọc, nay là khu vực Trung Hòa - Nhân Chính, đến nay vẫn còn phiên chợ duy nhất trong năm. Chợ chỉ diễn ra vẻn vẹn trong buổi sáng 27 tháng Chạp. Người đi chợ làng Mọc ngày 27 Tết, không hẳn là đi chợ, đi sắm Tết mà còn thưởng thức không khí nhộn nhịp của những ngày Xuân.
Có thể nói, dù những phiên chợ Tết ngày nay không vẹn nguyên không khí xưa, nhưng chợ phiên ngày Tết đã trở thành những miền ký ức đẹp. Đó là nơi cha mẹ, ông bà tảo tần lo sắm Tết trong những tháng ngày gian khó. Để mãi cho đến sau này, mỗi chúng ta lớn lên, mang theo những niềm thương sâu thẳm về nguồn cội, gia đình. Và những phiên chợ Tết vẫn mãi được mong đợi trong những ngày Tết đến, Xuân về...
Dù những phiên chợ Tết ngày nay không vẹn nguyên không khí xưa, nhưng chợ phiên ngày Tết đã trở thành những miền ký ức đẹp. Đó là nơi cha mẹ, ông bà tảo tần lo sắm Tết trong những tháng ngày gian khó.