Thượng nguồn sông Hồng kêu cứu

Chúng tôi cứ nghĩ nước sông nơi đây sẽ cuồn cuộn như thác tuôn chảy vào đất Việt nhưng tất cả chỉ là dòng sông cạn kiệt, trơ trọi những bãi đá, bãi bồi giữa dòng chảy. Nguồn nước nơi đây gần như cạn kiệt. Nơi con sông Hồng đổ vào đất Việt không khác gì con lạch, hay dòng suối con...

Gần 1 tháng nay, hai bờ ven sông Hồng đoạn chảy qua địa phận tỉnh Lào Cai và một số tỉnh phía Bắc, nước sông xuất hiện màu sắc đỏ sậm không bình thường. Không những thế, sau mỗi đợt thủy triều xuống, lòng sông đã xuất hiện những vệt đỏ ở trên cát. Hiện tượng bất thường và chưa từng có này đã  khiến cho nhiều người dân lo lắng, khi đời sống của họ đang bị ảnh hưởng trực tiếp.

Thượng nguồn dòng sông Hồng đang thực sự bị nhiễm bẩn với chất thải được đổ vào rất nhiều.
 

Để tìm hiểu nguyên nhân về sự ô nhiễm của dòng sông mẹ này, chúng tôi đã quyết định khởi hành từ TP.Lào Cai, hành trình bằng xe máy men theo con đường mòn ngược dòng sông Hồng đi lên thượng nguồn, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. 

Lao đao vì sông bỗng dưng nhiễm bẩn

Với chiều dài hơn 500 km trên lãnh thổ Việt Nam, hàng năm dòng sông Hồng cung cấp 122 tỷ m3 nước và 120 triệu tấn phù sa. Sông Hồng có tầm quan trọng bậc nhất trong sinh hoạt đời sống của người dân cũng như trong sản xuất nông nghiệp các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Thế nhưng, nước sông Hồng đang hao mòn, cạn kiệt và dòng sông đang quằn quại trong ô nhiễm. Nguồn nước chính cho nông nghiệp các tỉnh phía Bắc đã đổi màu…

Khi chúng tôi có mặt tại phường Cốc Lếu (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai), nơi đây có rất nhiều thuyền, phà đang neo đậu tại hai bờ sông. Đây cũng là nơi sự ô nhiễm của con sông đã được thấy rõ. Rất nhiều người dân đã phản ánh tình trạng trong cả tháng nay, cả dòng vốn yên ả bỗng dưng bị biến sắc. Không những thế, trong những đợt nước triều dâng, bao nhiêu váng đỏ màu rỉ sắt cùng với mùi hôi thối nồng nặc bốc lên khiến bầu không khí vốn yên lành bỗng dưng bị ô nhiễm nặng nề.

“Phải là người địa phương mới cảm nhận rõ được sự ô nhiễm của dòng sông trong thời gian qua. Đã gần một tháng nay, cuộc sống của người dân chúng tôi dường như bị đảo lộn tất cả cũng chính bởi sự ô nhiễm đó. Nước sông Hồng đã có  nhiều biểu hiện rất khác thường, từ màu đỏ của phù sa chuyển sang lúc thì xanh thẫm, khi hơi xám đen và có thời điểm lại bạc phếch. Có thời điểm không ai dám xuống sông vì đứng dưới sông một lúc là bị tức ngực, choáng đầu và khó thở...”, anh Giàng A Lình, một lái thuyền trên sông Hồng tại TP Lào Cai cho biết.

Đưa mắt về dòng sông Hồng cuộn chảy, anh Hoàng Văn Mạo (Bát Xát, Lào Cai) ngậm ngùi: “Chúng tôi sinh ra ở đây, lớn lên trên mảnh đất này, nhưng chưa bao giờ gặp phải cảnh tượng như thế. Chỉ mùa hè năm ngoái thôi, cứ chiều chiều là già, trẻ, gái, trai lại ra sông tắm giặt. Thậm chí nhiều gia đình còn lấy nước về phục vụ cho sinh hoạt. Nhưng giờ đây, nhìn dòng sông như thế, có ai còn đủ can đảm để xuống mé sông, chứ nói gì đến chuyện tắm”.

Có nhiều nơi, nước đã chuyển sang màu đen
 

Cũng theo anh Mạo, dòng sông bị ô nhiễm đang trở thành bài toán nan giải về vấn đề nước sinh hoạt của người dân ven bờ 2 sông Hồng. Mất đi nguồn nước chủ yếu, nhiều gia đình thậm chí đã tính tới phương án đào giếng khoan. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, đào giếng cũng không thể giải quyết được triệt để vì dòng sông ô nhiễm như thế, ai dám đảm bảo các mạch nước ngầm không bị nhiễm độc.

Khổ nhất có lẽ là dân vạn chài dọc theo sông Hồng. Trước đây, dù nghèo, nhưng nguồn cá của sông Hồng vốn dồi dào, vẫn đảm bảo cho người dân có cuộc sống đủ ăn, đủ mặc. Ấy thế mà gần tháng nay, không ít lần, người dân ở huyện Bát Xát bỗng thấy cá chết nổi trên sông. “Con sông vẫn nuôi sống gia đình chúng tôi bỗng dưng ô nhiễm bất thường. Nước sông vừa nhiều mùi hôi, lại nhiều váng. Người còn không sống được huống gì là cá, tôm” – một người dân cho biết.

Không còn vẻ đẹp huyền thoại nơi thượng nguồn

Ngược theo dòng chảy, gã xe ôm chở chúng tôi đi theo con đường mòn để lên tới thượng nguồn con sông mẹ. Dòng sông Hồng chảy vào Việt Nam từ thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) nơi hợp lưu với dòng Lũng Pô trước khi chảy dọc biên giới Việt - Trung.

Trên dọc lộ trình về thượng nguồn, gã xe ôm đưa tay chỉ cho chúng tôi Nhà máy tuyển đồng Sin Quyền (cách trung tâm huyện Bát Xát hơn 10km), nằm ngay bên bờ sông Hồng. Theo như người xe ôm bảo, đây cũng là nguyên nhân gây nên sự ô nhiễm trầm trọng của con sông Hồng.

Nhiều nơi xuất hiện rất nhiều váng bẩn
 

Chỉ bằng mắt thường quan sát cũng có thể thấy được điều đó. Khu bể lắng chất thải của nhà máy này án ngự ngay sát mép bờ sông. Từ trong bể chứa, những chất thải đen kịt, đặc sệt bốc mùi hóa chất  bốc lên nồng nặc. Cái bể hóa chất đó chỉ được ngăn cách với sông Hồng bằng những đập đất mỏng manh.

Tiếp theo cuộc hành trình, chúng tôi ngược dòng sông Hồng đi lên địa phận xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) để đến thôn Tân Thành - giao điểm của nhiều con suối với sông Hồng.

Về việc mặt nước nơi đây đen ngòm và bốc mùi hôi tanh, chị Sùng Thị Hiền, một người dân địa phương nói: “Suối Bản Mạc ngày ngày phải tiếp nhận phân của trâu bò, lợn cùng rác thải trong sinh hoạt của người dân. Suối Đà Nặc ở cách đây khoảng 5 km thì chảy qua mỏ khai thác quặng sắt (thuộc xã Trịnh Tường) nên đen ngòm và nồng nặc mùi kim loại. Vào mùa cạn, thậm chí nước sông khi rút đi còn để lại lớp chất thải đỏ quạch, lắng đọng hai bên bờ”.

Càng tiến sát thượng nguồn, dọc ven bãi sông Hồng càng xuất hiện nhiều hơn các váng đỏ quạch như gỉ sắt và mùi xú uế, hôi tanh càng nồng nặc hơn qua từng mét đường.

Xe chạy mải miết, sau gần 4 giờ đồng hồ men theo con đường mòn, chúng tôi đã có mặt tại địa danh huyện thoại, ngã ba sông Hồng, thuộc thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung”, địa danh huyền thoại, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

 Khác với hình ảnh đẹp đẽ trong bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng”: “Ở nơi ấy mùa này con nước, lắng phù sa in bóng đôi bờ”, tất cả những gì đập vào mắt chúng tôi khác hẳn.

Trước khi tới đầu nguồn sông Hồng của Việt Nam, nơi ngã ba sông hợp nhất giữa sông Hồng từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và con suối Lũng Pô (thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát), chúng tôi cứ nghĩ nước sông nơi đây sẽ cuồn cuộn như thác tuôn chảy vào đất Việt nhưng tất cả chỉ là dòng sông cạn kiệt, trơ trọi những bãi đá, bãi bồi giữa dòng chảy. Nguồn nước nơi đây gần như cạn kiệt!. Theo đó, nơi con sông Hồng đổ vào đất Việt không khác gì con lạch, hay dòng suối con.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tiến, đồn Biên phòng A Mú Sung cho hay: “Những năm về trước, nước sông nơi đây chảy cuồn cuộn, ào ạt. Thế nhưng một vài năm trở lại đây, dòng sông đã suy kiệt đến không ngờ. Dòng sông xưa bây giờ thay đổi lắm. Chẳng biết nhiều năm về sau số phận dòng sông huyền thoại sẽ như thế nào?!”.

Hoàng Phan

 

Đọc thêm