Chỉ vài cân kẹo bánh, tút thuốc mua theo phiếu tiêu chuẩn sau khi đã đăng kí kết hôn, ấm +tích trà mạn, trà xanh, văn nghệ... Đại diện cơ quan hoặc đoàn thanh niên làm chủ hôn với khẩu hiệu: “Vui duyên mới, không quên nhiệm vụ”. Vậy là, cặp đôi “về chung một nhà” ...
“Vui duyên mới, không quên nhiệm vụ”
Khác với những đám cưới hiện đại ngày nay, hôn lễ ngày trước được tổ chức rất giản dị, ấm cúng. Ở Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành khác, từ trước năm 1954, quan niệm cưới hỏi có thay đổi đôi chút nhưng dù giàu hay nghèo vẫn phải có đầy đủ các nghi thức cơ bản. Một đám cưới bao giờ cũng bắt đầu bằng lễ chạm ngõ (có nơi gọi là dạm ngõ) sau đó là lễ ăn hỏi và cuối cùng là lễ đón dâu.
Sau khi đi đăng ký kết hôn, chú rể được phòng Thương nghiệp cấp một phiếu mua hàng cưới có nhiều ô số, mỗi ô được mua một mặt hàng. Có thể liệt kê như sau: 2kg kẹo, 1kg chè, 2 tút thuốc lá Tam Đảo hoặc Trường Sơn, 1 đôi chiếu hoa, vải xô đủ may một chiếc màn, mấy mét vải hoa để làm cái ri-đô che giường nằm, 1 cái gường giẻ quạt, 1 cái chạn bát, 2 bánh pháo…
Cũng khi có đăng ký kết hôn kèm theo hộ khẩu mới thuê được phòng cưới và hợp đồng thuê xe ô tô đón dâu. Ô tô là loại xe Hải Âu của Liên Xô hay xe Ba Đình máy IFA, vỏ do Xí nghiệp Xe ca đóng. Nếu thích oai có thể thuê loại xe đắt tiền hơn là Karosa của Tiệp.
Thời gian chiến tranh cũng như đến những năm 70, 80, các đám cưới chủ yếu là tiệc trà và tổ chức ở phòng cưới thuê của Nhà nước. Trên phông treo ở phòng cưới bao giờ cũng dán hai con chim bồ câu bằng giấy trắng châu mỏ vào nhau, ngoài chữ hỷ và hai chữ cái là chữ đầu của tên cô dâu, chú rể quấn quýt vào nhau lại có dòng chữ khẩu hiệu đi cùng năm tháng: “Vui duyên mới, không quên nhiệm vụ”.
|
Đám cưới với dòng khẩu hiệu đi cùng năm tháng: “Vui duyên mới, không quên nhiệm vụ”. |
Khăn trải bàn ở phòng cưới là miếng vải hoa, còn ở nhà thì phủ tấm áo mưa đủ màu. Phần lớn chú rể đều mặc quần âu, áo sơ mi trắng “cắm thùng”, đi dép nhựa Tiền phong, còn cô dâu có khi áo dài trắng, nhưng cũng có người quần lụa, áo sơ mi trắng cổ lá sen, đi guốc gỗ sơn đen, trên đầu cài nhành hoa giấy.
Thời đó, cô dâu, chú rể đều có 4-5 phù dâu, phù rể đi kèm. Đón dâu và ra phòng cưới đều có đốt pháo Trúc Bạch giòn giã, lại có cả giấy màu cắt vụn để tung lên đầu cô dâu, chú rể khi bước vào phòng cưới. Văn nghệ góp vui cho đám cưới là “cây nhà lá vườn” với các bài hát hừng hực khí thế chống Mỹ như “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây”, “Nổi lửa lên em”, “Bài ca năm tấn”… Đôi nào may mắn xin được căn hộ tập thể thì còn được riêng tư. Nhiều gia đình ở Hà Nội thì có khi vài cặp vợ chồng, bố mẹ cùng ở chung một căn phòng chật chội suốt nhiều năm... Bởi thế, theo nhà văn Lê Tự, thời kỳ khó khăn đó, đám cưới không phải cặp vợ chồng nào cũng có một đêm tân hôn trọn vẹn, thoải mái...
Sang thập niên 80, Hà Nội xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ như cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu, nấu cỗ thuê rồi quay phim, chụp ảnh, từ lúc ăn hỏi đến lúc đón dâu và tổ chức lễ cưới. Những chiếc máy hát chạy băng cối Sony, Akai từ miền Nam ra, thế là đám cưới nhà nào cũng nỉ non: “Chuyện tình Lan và Điệp”, có nhà lại mở cả Boney, Abba to hết cỡ…
Đám cưới của dân chơi lắm tiền lại thuê nhạc sống. Ban nhạc thời kỳ này có Hà Xồm, Hiếu Văn hóa, Vân Hàng Bông, Tuấn Gù Lò Đúc. Các bản nhạc hay được ưa chuộng là: “Tình ca trên thảo nguyên”, “Đôi bờ”, “Chiều Matxcova”, “Tuýt Sông Hồng” và cả nhạc của The Beatles nữa. Những đám cưới mà cô dâu, chú rể học tập, lao động ở châu Âu về còn tổ chức cả nhảy đầm vô cùng náo nhiệt.
Thường sau tiệc ngọt, vài nhà có điều kiện làm dăm mâm mặn đãi hai họ, người thân trong nhà. Món ăn nhỉnh hơn ngày thường, có gà luộc, bát măng, bát miến, giò lụa, bí xào lòng gà... Không khí ăn uống vui vẻ, hai gia đình trò chuyện là chính chứ không đặt nặng chuyện phải mâm cao cỗ đầy. Hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn, con người ta dễ rộng lòng, thông cảm với nhau.
Khách tới dự đám cưới không mừng tiền như bây giờ, thường đem tới mừng bằng thứ nhà mình có - mua bằng tem phiếu để dành, cần thiết cho cuộc sống gia đình riêng của cặp vợ chồng mới cưới. Người đem chiếc phích Rạng Đông, người ôm cái chậu nhôm Liên Xô hoặc thau sắt tráng men Hải Phòng, người cho chục bát ăn cơm, rồi cả khăn mặt, vải vóc, nồi niêu, xoong chảo, trên chiếc bàn to để sẵn mép sân khấu chỉ một chốc là đầy tú hụ, giống như quầy hàng bách hóa tổng hợp...
Và những đan xen hoài nhớ
Trước Covid-19, tại một số khách sạn Hà Nội hay những triển lãm thỉnh thoảng tái hiện đám cưới đầm ấm, mộc mạc mà sôi nổi thời kỳ đổi mới những năm 1980. Ở đó, chúng ta được trở về thời bao cấp với các vật dụng trang trí đám cưới đặc trưng như họa tiết chăn con công, chữ cắt dán bằng giấy màu, hoa lay ơn, huệ trắng bó dài, rèm voan, hoa, xe cúp, xích lô, tráp quả… Hay những góc đường quen, mái nhà xưa, góc cửa hàng trang trí thời bao cấp… Ở đó là cảm xúc hạnh phúc, ấm áp, đầy hoài niệm về những khung cảnh, hình ảnh xưa cũ quen thuộc, đậm chất cổ xưa nhưng không hề lỗi thời. Có lẽ vì thế, vài năm trở lại đây, những bộ ảnh tái hiện đám cưới phong cách những năm 80, 90 dần trở thành xu hướng được nhiều cặp đôi lựa chọn.
|
Bó hoa cưới và những món quà đặc trưng của đám cưới một thời |
Tại một chương trình của Hội quán Thanh xuân, các khách mời chia sẻ những câu chuyện về ngày cưới của mình trong không khí ấm áp, thân mật như một gia đình. Giáo sư Đặng Hanh Đệ kể rằng, ngày đón dâu ông phải đạp xe qua nhà vợ là bác sĩ Lê Lan Phương để đón cô dâu về. Bà Lan Phương cười hạnh phúc chia sẻ rằng, khi đó khó khăn quá, có phương tiện gì thì đi phương tiện đó. Ngày đón dâu, hai cụ thân sinh của bà đi xích lô qua nhà trai, còn cặp vợ chồng trẻ đi xe đạp. Duy chỉ có một điều đáng tiếc là hai người không có tấm ảnh cưới lưu kỷ niệm nào.
Theo Giáo sư Đặng Hanh Đệ, sinh đứa con đầu lòng mới hơn một tháng tuổi thì vợ con ông phải đi sơ tán tại làng Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Tây cũ). Giáo sư thì ở trong viện để cấp cứu khi B52 ném bom. Ông kể rằng, mãi sau này bà Lan Phương mới nói với ông rằng mỗi lần tiễn ông quay về Hà Nội đều lo rằng “đi tiễn liệu ngày mai có còn được gặp nữa không”...
Vợ chồng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ câu chuyện hài hước về ngày cưới. Ông kể rằng, chính bởi con vi khuẩn mủ xanh thời đó bộ đội ta mắc phải, ông đã phải vào Bệnh viện 108 cùng đội ngũ nghiên cứu thuốc và được Chủ nhiệm khoa của ông mai mối cho bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu. Sau khi định ngày cưới xong xuôi hết thì Hà Nội gặp phải trận lụt nặng nề do vỡ đê, nên ngày cưới phải lùi liên tục.
Giáo sư Lân Dũng khi đó ở trong đội chống lụt nên ngay cả vào chính ngày cưới của mình ông cũng phải đi chống lụt. Khi gia đình đã tập trung để mừng đám cưới thì ông mới trở về từ nơi đắp đê và chỉ kịp thay bộ quần áo để ngồi xuống ăn ít bánh kẹo mậu dịch cùng họ hàng, bạn bè tại nhà riêng.
Bà Hiếu kể, khi mang thai con trai đầu lòng thì được ra chiến trường để tiếp tế cho quân đội. Sau khi bàn bạc với cả gia đình, bà Hiếu quyết định vẫn đi, bởi nếu không sẽ không còn cơ hội nào khác.
Những bữa cơm nhỏ ngày chủ nhật hàng tuần là những tháng ngày hạnh phúc, bình yên vô cùng giữa giao thời của cặp vợ chồng trẻ. Bà Hiếu kể, khi đó mang quân hàm Trung tá, đang giữ chức Phó Viện trưởng Viện Quân y 108 nhưng vẫn phải đi giao lạc tại chợ, nhưng không bao giờ bị nợ vì ai cũng biết đến danh tiếng bà và thương gia đình cán bộ nghèo khó.
Nhà văn Vũ Thị Hồng kể lại, bởi là nhà văn nên nhà có rất nhiều sách. Vợ chồng đã dành đêm tân hôn để đọc sách cùng nhau. Nhà văn Chu Lai phải bán chiếc xe đạp đi để có tiền mua tủ lạnh đựng đồ ăn cho con. Vợ chồng tích cóp từng đồng một và còn phải kiếm thêm thu nhập bằng cách bán đá.
Trong một đoạn clip ngắn, nhiếp ảnh gia Quốc Sỹ, thợ ảnh của Hiệu ảnh Quốc tế (Tràng Thi) chia sẻ những câu chuyện vui thời trẻ khi nhận chụp ảnh cưới. Thời đó, xa xỉ lắm cô dâu, chú rể mới mời thợ ảnh chuyên nghiệp đến để lưu giữ lại những khoảnh khắc ngày cưới. Vậy nhưng, cũng có câu chuyện “dở khóc, dở cười” khi cô dâu, chú rể bặt tăm mất một năm sau ngày chụp và không đến nhận lại ảnh. Sau mới vỡ lẽ ra rằng gia đình không có tiền để trả. Ông vẫn giao lại những tấm ảnh đó không công, hoặc tới khi nào gia đình có tiền thì trả sau.
Có thể nói, nhắc tới đám cưới thời bao cấp là những rưng rưng thương nhớ về những năm tháng còn nhiều gian khó, nhưng chan chứa và ấm áp tình người đến thế...