Tôi thương cha mẹ tôi mắt thâm quầng, chắt chiu từng đồng để có đủ tiền cất lại căn nhà sau bao đận bể dâu, biến cố cuộc đời. Tôi thương ông nội tôi, ông nằm xuống khi tuổi ngoài 90 nhưng đầu óc còn quá minh mẫn. Tôi thương ông ngoại, một người đàn ông hào hoa, phong lưu nhưng lúc lìa đời đột ngột đến nỗi không ai ngờ được. Cậu ruột tôi mất vì bạo bệnh, khi mợ và 2 đứa con còn thơ dại lắm… Nhưng tôi sẽ chọn bà nội tôi.
Bởi tôi thương yêu nội nhất. Trong vô vàn câu chuyện về thuở ấu thơ của mình mà tôi thường kể cho người thân, bạn bè lúc nào cũng có bóng dáng nội tôi. Hơn nữa, khi càng lớn dần lên, tôi sống với cha mẹ tôi nhiều hơn nên làm được đôi điều bé nhỏ để tỏ lòng đền đáp công ơn. Còn đối với nội, hầu như tôi chưa làm được gì cho nội cả.
Mẹ sinh ra tôi 3 tháng thì phải đi mổ vì viêm ruột thừa. Sau này nội kể, nhà có nuôi con mèo tam thể nhưng quắt queo mãi không lớn. Nội đặt tôi trên giường, con mèo leo lên nằm bên cạnh, tôi và nó bằng nhau.
Nội cuốn tôi vào mảnh chăn nhỏ, ôm đi khắp làng bất kể sớm khuya, tìm những người đàn bà bưng sữa nuôi con để bú nhờ. Người làng thấy vậy nói: “Để cha mẹ nó nuôi chứ sao bà lại phải vất vả?” Nội quay ngoắt mặt đi: “Việc chi của mấy người! Tôi nuôi cháu tôi chứ nuôi cháu mấy người à?” Tôi thiếu hơi mẹ thường khóc trắng đêm, nội ôm tôi trên tay, đi quanh gian nhà và hát ru suốt đêm.
Thời ấy tôi còn có tên khác được người làng đặt cho là “Cu Cùi”. Ngày ấy ở quê nghèo lắm, nhưng cứ đều đặn 2 ngày 1 lần nội gom một gánh hàng rau, mấy bó chè, nải chuối để sang phiên chợ. Đến chợ dù chưa bán được gì nhưng nội đã quăng gánh xuống đi thẳng đến hàng thịt, xách bằng được phần chân dưới của đùi lợn (người quê tôi gọi là “cùi heo”) bỏ vào gánh.
Khi nào bán hết gánh hàng rau, nội mới tìm đến bà hàng thịt để trả đủ tiền. Việc đầu tiên nội làm khi từ chợ về là nhóm lửa nhỏ liu riu, bắc nước hầm nhừ chiếc cùi ấy ra để chiều nấu cháo cho tôi ăn bù sữa mẹ. Tôi may mắn lớn lên như bao đứa trẻ khác, trong vòng tay chở che, nuôi nấng của nội.
Anh em chúng tôi ai cũng rất thích ngủ cùng nội. Bởi chúng tôi luôn thấy nội thương và chiều chúng tôi nhất, có thể cầm mo cau không mỏi tay để quạt cho chúng tôi suốt đêm và kể chuyện xưa. Chuyện của làng, của xã. Chuyện của mấy ông theo cách mạng bị giặc bắt, chuyện hổ về làng bắt người. Chuyện về ông nội, về cha, về bác cả. Chuyện những người không may chết vì bệnh tật. Chuyện buồn, chuyện vui, đủ cả…
Mãi sau này, khi bôn ba nghiệp làm báo, đến đâu thấy một làng quê, cây cổ thụ hay bến nước, gánh chợ quê… hình ảnh nội cứ hiện ra như nguyên sơ trong ký ức của tôi. Và bối cảnh nền trong hình ảnh về nội cũng chính là quê hương xứ sở, nơi chôn nhau cắt rốn.
Nhớ ngày xưa mỗi lần tôi bị cảm là nội ra vườn, cắt đủ các loại lá nhét vào nồi, đun sôi. Nội ép buộc tôi phải ôm lấy cái nồi nóng hầm hập rồi trùm chăn kín. Tôi hất nắp nồi thì khói nước bốc lên mịt mù. Được vài giây, nóng quá tôi tung chăn chui ra.
Nội lại ép vào, mãi thế đến khi mồ hôi vã ra đầm đìa khắp người tôi, nội mới thôi. Ngày ấy, cứ bị cảm, thấy nội là rành sợ. Với nồi lá xông ấy rồi ngủ thêm một giấc ngon lành là chỉ sớm mai thôi, tôi đã đủ sức để lại trốn nội theo mấy thằng chăn trâu trong xóm rong ruổi trên khắp những khe nước, những cánh đồng làng đầy nắng gió, bắt cá, nướng khoai...
Càng lớn dần, những lần trốn nội càng ít đi. Cuộc sống của một người lớn dần, càng đẩy tôi đi xa nội những chuyến dài hơn. Để sau này, cứ mỗi lần cảm sốt, tôi nằm lì một mình trong phòng và chỉ ước ao được chui vào cái nồi nước lá xông thần dược - như lòng thương vô bờ bến của nội cho đứa cháu mà thôi.
Có đận ông nội tôi đi dự đám giỗ bên xóm xa, tôi thấy chiếc xe đạp và cái thùng mát lạnh của ông bán kem rẽ vào nhà liền “bày mưu” cho thằng em trai chui vào góc buồng của ông khuân rương sắt, hộp nhôm đựng giấy tờ và cái bi-đông đựng nước - là kỷ vật từ thời chiến tranh ông cất giữ lại, mang đi đổi. Chúng tôi được 26 cây kem đem chia khao bọn trẻ cả xóm nghèo một bữa “đại tiệc”.
Chiều hôm ấy, ông nội nổi trận lôi đình đánh tôi đến gãy cả chiếc roi ông vẫn hay dùng để “hành hình” chúng tôi mỗi khi nghịch phá. Chưa dừng lại, ông vớ lấy cái gậy ông chống đi ra ngoài trời mưa định quất vào chân tôi thì nội ào tới ôm chầm lấy tôi, gậy trúng vào hông khiến nội giật bắn mình. Tôi tủi khóc chạy một mạch ra khỏi nhà.
Đêm hôm ấy trời mưa to, nội che cái đèn dầu leo lét khập khiểng đi tìm tôi khắp làng. Hơn 2 giờ sáng, nội tìm thấy khi tôi đã mệt quá ngủ thiếp đi bên hiên nhà mẫu giáo đầu thôn thì cõng tôi về.
Năm học cuối cấp III tôi gặp một tai nạn, ai cũng nghĩ tôi sẽ không qua khỏi. Mẹ tôi lúc ấy chỉ biết khóc… Nội ở quê thẩn thờ, ngồi trước hiên nhà cả đêm không nói năng. Khi gà gáy canh ba, nội lấy chiếc áo cũ của tôi còn sót lại trong nhà, đem ra trước ngã ba đầu làng.
Nội vừa đốt vừa khóc gọi vía tôi trở về. Nội tâm tưởng rằng: Chỉ có tiếng gọi của nội, căn nhà xưa và quê hương xứ sở mới đủ sức đưa linh hồn tôi trở về… Sáng hôm sau, tình hình tôi khá hơn, sau này ai cũng bảo tôi sống được là nhờ tiếng khóc gọi vía ấy.
Những ngày cuối cùng tôi ở bên nội, là sau khi cha tôi báo nội yếu lắm rồi, tôi tức tốc trở về. Ngồi bên góc giường cầm tay nội, tôi ghé tai thì thầm: “Nội ơi! Con đây…” Nội không nói được nữa, chỉ nằm thở khẽ. Cánh tay nội giật nhẹ, tôi cảm nhận được, nội biết tôi đang cầm tay mình. Tôi không dám nhìn kỹ nội quá lâu vì tôi sợ mình không kìm được được nước mắt…
Mẹ tôi kể rằng, mấy ngày dù sức đã rất yếu những nội vẫn nằm trở rất nhiều, chỉ khi tôi về đến nhà nội mới nằm yên, không lật trở nhiều nữa, có lẽ nội chờ tôi về - đứa cháu mà nội chăm thương nhiều nhất. Tôi luôn nghĩ, mẹ là người sinh ra tôi, còn nội là người tái sinh tôi.
Hôm di quan nội về quê chôn cất, đoàn đưa tang dừng lại trước ngõ ngôi nhà xưa nội ở. Tôi lại thấy thấp thoáng như vẫn còn in bóng dáng nội cuốn chăn cắp tôi đi bú sữa nhờ và đốt áo khóc gọi vía tôi, lòng cứ thắt nghẹn lại…
Có nhà thơ đã viết bà nội của mình rằng: “Khi cháu biết thương bà thì đã muộn/ Bà chỉ còn là một nấm mộ thôi”. Nhưng cũng có người lại nói rằng: Tình yêu không bao giờ muộn. Tình yêu thương đích thực làm đầy tràn tất cả. Khi chúng ta thực sự yêu thương một người đã mất thì người đó không bao giờ mất. Bởi nó không bị giới hạn hay phụ thuộc bởi không gian và thời gian...