Thưởng Tết 2022 cùng thông cảm, cùng sẻ chia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dịp Tết Dương lịch đầu năm nay, mức thưởng bình quân là 2,34 triệu đồng/người. Đây là mức thưởng bình quân cao do nhiều doanh nghiệp hỗ trợ thêm cho người lao động đối với một năm ảnh hưởng dịch bệnh. Tết Dương lịch năm 2022 đang đến gần, mức thưởng Tết sẽ như thế nào khi năm 2021 là một năm đầy biến động tại TP HCM nói riêng và cả nước nói chung? Câu hỏi đau đầu các doanh nghiệp và người lao động hiện nay.
Mức thưởng Tết năm nay có nhiều thay đổi do khó khăn của dịch bệnh.
Mức thưởng Tết năm nay có nhiều thay đổi do khó khăn của dịch bệnh.

Mức thưởng Tết bị ảnh hưởng do bối cảnh dịch bệnh

Đầu tháng 12/2021, Sở LĐ-TB&XH TP HCM thông tin, sau thời gian giãn cách, các doanh nghiệp hầu như đã khôi phục sản xuất và đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động để hoàn thành đơn hàng dịp cuối năm. Do đó, trước Tết Nguyên đán, tổng cầu của các doanh nghiệp cần khoảng 30.000 lao động phổ thông và tay nghề. Người lao động quay trở lại với công việc cũng cận kề thời điểm năm mới đến gần, nên thông tin về thưởng Tết lại râm ran trong các doanh nghiệp cũng là điều dễ hiểu.

2021 là một năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19. Số ca mắc mới mỗi ngày lên đến 5 con số, nhiều tỉnh, thành phố lớn phải thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp đều phải đồng loạt tạm dừng hoạt động. Khó khăn là tình trạng chung của các doanh nghiệp và người lao động trong năm nay, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải… Điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến mức thưởng Tết của người lao động.

Nhằm chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch 146/KH-TLĐ về chăm lo thăm hỏi người lao động. Theo đó, với 2 nhóm đối tượng sau sẽ nhận được mức chăm lo thăm hỏi là 300.000 đồng/người: Người lao động có đóng BHXH tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn; cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn. Tổng số nguồn kinh phí dự kiến: 8.000.000 (người) x 300.000đ/người = 2.400.000.000.000 đồng (hai nghìn bốn trăm tỷ đồng).

TP HCM có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất với hơn 1.400 doanh nghiệp hoạt động, khi thành phố thực hiện các biện pháp giãn cách, chưa đến một nửa trong số này hoạt động với tổng số hơn 280.000 lao động tham gia. Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM thì COVID-19 khiến nhiều nhà máy phải dừng hoạt động, số khác sản xuất cầm chừng, nên thưởng Tết năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái. Một số doanh nghiệp đã báo cáo có chi tiền Tết cho lao động, trong đó một số công ty công bố mức thưởng một tháng lương, số còn lại giảm còn 50-70%. Cũng theo ông Tuấn, với vai trò của mình, trước tình hình tài chính khó khăn của doanh nghiệp, công đoàn sẽ cố gắng thương lượng để phía sử dụng lao động dành một khoản để thưởng Tết cho công nhân.

Về phía doanh nghiệp, mức thưởng còn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh cuối năm trong giai đoạn nước rút này. Trong khi đó tình hình dịch bệnh vẫn không ngừng diễn biến phức tạp nên có thể nói nhiều doanh nghiệp đã rất nỗ lực để giữ được việc làm và trả lương cho người lao động, còn thưởng Tết là điều các doanh nghiệp “đau đầu” hiện nay.

Doanh nghiệp và ban ngành, đoàn thể nỗ lực để người lao động có Tết vui

Trao đổi với truyền thông, ông Phạm Hồng Phú, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam cho biết, lợi nhuận của công ty năm nay dự kiến đạt 51 tỷ đồng. Điều này giúp doanh nghiệp đủ kinh phí chi trả lương tháng 13, thưởng Tết dương và âm lịch... Với mức lương bình quân mỗi tháng của người lao động là 8 triệu đồng, tổng số tiền doanh nghiệp chi cho dịp Tết sắp đến là 25 tỷ đồng. “Cố gắng thưởng Tết là cách nhà máy giữ chân lao động cho năm tới” đó là cách mà lãnh đạo Công ty Cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam thực hiện, thưởng Tết cũng là cách cảm ơn người lao động đã đồng hành với doanh nghiệp suốt 4 tháng thực hiện “3 tại chỗ” với rất nhiều khó khăn.

Tương tự Công ty Cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam, dù tình hình tài chính khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao nhưng nhiều nhà máy thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam vẫn thu xếp để lao động có tháng lương 13. Hiện, các doanh nghiệp dệt may đang tập trung khắc phục khó khăn trước mắt, đảm bảo đủ lương cho người lao động, còn thưởng Tết phải chờ cân đối từ nhiều nguồn, chưa có kế hoạch cụ thể.

Người lao động sẵn sàng sẻ chia với doanh nghiệp vì khó khăn chung - ảnh minh họa.

Người lao động sẵn sàng sẻ chia với doanh nghiệp vì khó khăn chung - ảnh minh họa.

Trước những biến động do dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiền lương, tiền thưởng Tết của người lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, với tổng kinh phí lên tới 2.400 tỷ đồng. Dự kiến, sẽ có 8 triệu lao động được chăm lo Tết (mức 300.000 đồng/người) từ nguồn kinh phí công đoàn.

Còn theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP HCM trong tháng 12/2021, Sở phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giám sát tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán 2022 và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Sở sẽ phối hợp khảo sát tình hình lương, thưởng Tết tại 3.000 doanh nghiệp, trong đó chú trọng các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

“Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản gửi các doanh nghiệp, yêu cầu báo cáo dự kiến lương, thưởng Tết dương lịch và âm lịch”, ông Lâm cho biết. Để hỗ trợ lao động trong dịp Tết, TP HCM đã và đang triển khai nhiều gói hỗ trợ an sinh. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố lên kế hoạch hỗ trợ lao động, chăm sóc công nhân xa nhà không có điều kiện về quê ăn Tết.

Người lao động thấu hiểu và sẻ chia

Theo số liệu thưởng Tết năm ngoái, tiền thưởng Tết Dương lịch bình quân là 3,4 triệu đồng/người, tiền thưởng Tết Tân Sửu bình quân 8,8 triệu đồng/người. Trong đó, tiền thưởng Tết Tân Sửu cao nhất là 1,076 tỷ đồng, thuộc về doanh nghiệp FDI, ngành cơ điện lạnh. Còn tiền thưởng Tết Dương lịch năm ngoái cao nhất là 990 triệu/người, cũng thuộc về doanh nghiệp FDI, ngành tài chính ngân hàng. Năm nay, đến thời điểm hiện tại, nhiều công ty vẫn chưa có thông tin gì về mức thưởng Tết cho người lao động. Điều này cũng khiến người lao động không tránh khỏi lo lắng cho dù họ cũng hết sức chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp.

Trả lời truyền thông, chị Lê Thị Nguyệt, làm việc tại một công ty sản xuất nước uống tinh khiết trên địa bàn quận 11, TP HCM, các năm trước, khi hoạt động sản xuất còn tốt, mức thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động tại công ty là 1 tháng lương, ở mức hơn 7 triệu đồng. Mức thưởng Tết năm nay sẽ thấp hơn so với mọi năm. “Nếu như vậy thì tôi cũng không quá buồn vì tôi hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, chị Nguyệt chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân may mặc tại Khu chế xuất Linh Trung (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết, vào dịp cuối năm, người lao động đều mong ngóng thưởng Tết để sắm sửa một cái Tết được đủ đầy sau một năm làm việc vất vả. Năm nay, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công ty đóng cửa nhiều tháng mới khôi phục sản xuất nhưng chị vẫn thấp thỏm chờ công ty thông báo mức thưởng Tết. “Về thưởng Tết, tôi cũng hy vọng công ty có thưởng cho người lao động. Nếu có thấp hơn mọi năm thì tôi cũng hoàn toàn hiểu bởi suốt năm qua việc sản xuất, kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng rất lớn do dịch COVID-19”, theo chị Lan.

Một số nhận định cho rằng, thưởng Tết năm nay khó tăng và một số ngành được thưởng cao là những ngành không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như khoáng sản, cảng biển… cũng chỉ duy trì mức thưởng như năm ngoái vì phải trích các quỹ dự phòng. Còn đối với các ngành xuất khẩu chủ lực mức thưởng dự kiến vẫn giữ nguyên như 2021 ở miền Bắc và miền Trung và giảm khoảng 30 - 50% ở miền Nam. Hiện, da giày, dệt may - hai ngành sử dụng nhiều lao động, đang cố gắng đảm bảo thưởng Tết bằng khoảng 80% của năm trước.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có khoảng 30 - 50% doanh nghiệp sẽ giảm thưởng Tết cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực để duy trì lương tháng 13. Tuy nhiên, mức thưởng cụ thể cũng sẽ thấp hơn năm trước.

“Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động là vẫn cố gắng làm thế nào để có tháng lương Tết (tháng lương thứ 13). Tôi tin chắc rằng ở phía Nam, thưởng Tết không được như mọi năm, nhưng sẽ vẫn có. Ở phía Bắc, các doanh nghiệp cho biết khả năng vẫn cố gắng giữ như năm trước” - ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá.

Đọc thêm