|
Tranh minh họa: Gia đình - nơi an trú trong yêu thương |
“Có ai bán ve chai không?”
Đây là bài hát nổi tiếng kể về một câu chuyện có thật ở Đài Loan (Trung Quốc) diễn ra vào những thập niên 1980, bài hát có tên: “Có ai bán ve chai không”. Nội dung câu chuyện có thật xúc động lòng người như sau: Một ông lão chân bị khập khiễng sống bằng nghề thu thập vỏ chai, ông bị câm điếc và phải sống đơn độc một mình, cuộc sống khá khốn khổ. Một ngày kia ông nhặt được một em bé bị bỏ rơi trên đường phố. Ông đã ngây ngất trong niềm vui và nghĩ rằng đó là một món quà mà thượng đế đã ban cho mình.
Ngày qua ngày, em bé bị bỏ rơi được ông cưu mang và nuôi nấng. Đến năm lên 6 tuổi, em bé đã nhặt một con cún con về nuôi và đặt tên nó là Vượng Tài. Chú chó nhỏ, ông lão câm điếc và cô bé cùng dựa vào nhau để sống. Tuổi thơ của em lớn lên cùng những vỏ chai rượu xếp chồng lên nhau.
Chất giọng bẩm sinh tốt của em đã trở thành máy rao bán cho ông. Cứ mỗi sáng sớm em lại dắt ông lão chống nạng để đi thu lượm, vừa đi em vừa hô lớn: Có ai bán ve chai không? Có ai bán ve chai không?
Sau này khi lớn lên, cô gái bé bỏng hôm nào giờ đã có người yêu là một nhà viết nhạc trữ tình. Nhà soạn nhạc này cũng rất nghèo nhưng rất yêu cô. Anh đã vì cô mà viết rất nhiều bài hát, cũng đối xử với ông lão hết sức tốt.
Thế rồi một ngày cô trở nên nổi tiếng. Cuộc sống hoàn toàn thay đổi, cô tậu nhà mới, xe hơi và được nhiều người theo đuổi… Cô gái vẫn rất yêu chàng trai và hy vọng anh có thể đến sống cùng với mình trong biệt thự, không phải trở lại ngôi nhà ve chai nữa bởi vì người cha vừa câm vừa điếc khiến cô cảm thấy xấu hổ!
Sau đó cô gái cảm thấy ông khá phiền phức nên đã gửi cho ông một khoản tiền và yêu cầu ông không được làm phiền mình nữa. Ông lão nước mắt rưng rưng, lấy tay lau những giọt lệ tràn ra rồi rời đi mà không cầm lấy một đồng nào của cô!
Và rồi, ông lão cố gắng hết sức cùng chú chó già đến để nhìn mặt cô lần cuối. Nhưng thật không may, khi đi ngang qua đường một chiếc xe tải không biết từ đâu chạy tới chuẩn bị đâm vào ông lão. Vượng Tài nhảy tới và đẩy ông lão ra. Nó đã bị chiếc xe tải đâm chết…
Chàng trai sau khi biết chuyện đã quyết định viết cho cô bài hát cuối cùng. Chàng trai sau khi viết xong bài hát cũng là lúc rời xa trần thế. Trong buổi hoà nhạc cô gái miễn cưỡng mở tờ giấy ra, lời bài hát này có đại ý rằng:
Thật là một giọng nói quen thuộc
Ở bên tôi suốt bao năm mưa gió
Chưa bao giờ cần phải nhớ
Sẽ không bao giờ quên
Không có trời, nào có đất
Không có đất, nào có nhà
Không có nhà, nào có bạn
Không có bạn, nào có tôi
Nếu như bạn chưa từng nuôi nấng tôi
Cho tôi một cuộc sống ấm áp
Nếu như bạn chưa từng bảo vệ tôi
Thì số phận tôi sẽ như thế nào!
Chính bạn là người nuôi tôi khôn lớn
Ở bên tôi khi tôi nói lời đầu tiên
Chính bạn đã cho tôi một ngôi nhà
Hãy để tôi và bạn cùng có nó
Mặc dù bạn không thể mở lời
Nói một lời…
Khi nào
Bạn sẽ quay trở lại bên cạnh tôi
Hãy cùng tôi hát
Có ai bán ve chai không
Có ai bán ve chai không…
Đọc xong lời bài hát, bao nhiêu sự việc quá khứ như vùn vụt trở về… Cô đã học ngay lời bài hát này. Đến cuối buổi biểu diễn cô đã thông báo với ban nhạc về bái hát cuối cùng này có tên: “Có ai bán ve chai không”.
Khi ông lão nhìn thấy con gái, những dòng nước mắt từ trên má lã chã rơi. Ông lão không nói gì, chỉ mỉm cười với con gái và từ từ nhắm mắt lại… Cha mẹ đã nuôi dưỡng chúng ta bằng ân tình mà cả đời chúng ta cũng sẽ không bao giờ trả hết được...
Không có gì là lớn, bé với niềm vui!
Một hôm, cậu con trai hỏi cha của mình: “Ba ơi, con không hiểu ngày xưa ba và mọi người sống như thế nào khi không có Internet, không có máy tính, không có tivi, không có điều hòa, không có điện thoại di động”?
Người cha trả lời: Thế hệ của ba sinh ra trong khoảng thời gian những năm 1970, 1980, thật may mắn, khi: Ai cũng phải đi học một mình từ sau ngày đầu tiên đến trường. Không ai ôm tivi từ giờ này qua giờ khác. Và ai cũng có những người bạn thực sự chứ không phải với những người bạn từ Internet.
Ngày xưa, các gia đình hầu hết là không giàu có. Nhưng các ông bố, bà mẹ đã tặng cho con cái tình yêu của mình, dạy cho con biết trân trọng những giá trị tinh thần chứ không phải là vật chất, dạy cho con biết thế nào là giá trị thực sự của con người: Sự trung thực, lòng trung thành, sự tôn trọng và tình yêu lao động. Thường đến chơi nhà nhau mà chả cần phải có lời mời, đến nhà ai gặp gì ăn nấy.
Ký ức của thế hệ ngày đó chỉ là những tấm ảnh đen trắng, nhưng đầy ánh sáng và rực rỡ, ai cũng trân trọng lật mở cuốn album gia đình với sự thích thú, tôn kính, trong cuốn album đó luôn lưu giữ chân dung của ông bà, cụ kỵ, các con...
Và đây là chia sẻ của họa sỹ Hoàng A Sáng về hai cô con gái của mình: “Ngày Anh Sa đi du học, tôi đã không dám ra sân bay tiễn cháu, tôi không muốn cháu nhìn thấy tôi khóc. Tôi lặng lẽ ngồi uống cà phê một mình, ghìm mọi cảm xúc. Cả ngày hôm đó tôi không biết làm gì, cứ tha thẩn như người mất hồn và rất sợ ngày mai lại thế, ngày kia tiếp tục như thế…
Tôi nhớ mãi ngày Anh Sa mới tập nấu ăn, có những hôm cháu bê lên một đĩa thức ăn nói thật là chưa ngon lắm, nhưng bao giờ tôi cũng nếm thử… rồi biểu cảm bằng cách hú lên thật to, nhảy cả lên bàn cứ như thể muốn bay lên vì quá ngon. Những lúc như thế, tôi thấy trong mắt con bé ánh lên sự sung sướng tột độ. Tôi vô cùng thích cảm giác đó, dù chỉ bé mọn xinh xinh, nhưng nó cho tôi những giây phút hạnh phúc thật sự.
Và Nhi Nhiên, con gái bé của tôi, cứ mỗi lần thấy tôi đi làm về, ngay lập tức cô bé nhảy phắt lên cổ, ghì thật chặt, cười khanh khách… cứ thế hai bố con tôi lắc lư thật lâu rồi con bé mới chịu buông ra, nằm gọn ghẽ trong lòng tôi, giơ bàn tay bé xíu thơm tho vuốt vuốt má tôi, dụi đầu vào lòng tôi, hôn lên cái má xù xì của tôi… ấm áp đến tận cùng! Những giây phút như thế, bỗng nhiên tôi thấy mình lớn lao thật sự, thấy mình vô cùng quan trọng và không thể thiếu với con mình. Cảm giác sẵn sàng chết vì con là có thật!
Niềm vui này tôi gọi là bé mọn nhưng thật sự không phải vậy! Theo tôi, không có niềm vui bé, niềm vui lớn, nó đơn giản là niềm vui, bất cứ khi nào cảm thấy hân hoan dù với lí do gì thì hãy tận hưởng vì chúng mang năng lượng tốt lành như nhau. Một giọt nước cũng chứa đựng cả đại dương, một hạt mầm mang trong đó cả khu rừng… Không có gì là lớn, bé đối với niềm vui. Thật sự là như vậy...”.
Hơn cả yêu…
Và đây là những dòng xúc cảm của chàng trai Hoàng Huy khôn nguôi viết về mẹ, gây xúc động mạnh trên cộng đồng mạng: “Hôm nay là tròn 20 năm chúng ta phải chia tay nhau để đi về hai ngả: Mẹ phải lặng lẽ đi về quá khứ, còn con thì phải lủi thủi một mình bước về tương lai. Từ sâu thẳm trong lòng, con xin thành thật thừa nhận rằng con chưa bao giờ có thể thôi buồn, thôi nhớ về Mẹ - người đã mang con đến với thế giới này. Con rất nhớ Mẹ đã dạy con học thông đêm suốt sáng từ những bài chính tả đầu tiên. Những phép tu từ Mẹ dạy con vẫn thường dùng cho tới tận giờ.
Về Hải Phòng, con vẫn thường ngoảnh lại những hàng quán cũ mà Mẹ hay dẫn con đi ăn, mọi thứ vẫn vẹn nguyên chờ đợi mà Mẹ chẳng về. Qua Hà Nội, con vẫn đi chậm lại khi qua phố Quán Sứ để nhớ lại những ngày líu díu theo chân Mẹ đi viện K tia xạ rồi lang thang khắp khu phố cổ…
Ở nơi ấy, mẹ luôn luôn đẹp như năm 96, yêu đời như năm 93 và hát ca vô tư như trọn đời mẹ vẫn vậy, không cần phải kiên cường trước những cơn đau như năm 98. Con giấu Mẹ ở đấy, cho mình con thôi. Ở nơi ấy Mẹ bình yên, không đau đớn, không bệnh tật, không muộn phiền và ngày ngày luôn được nhắc nhở rằng có một người đàn ông yêu Mẹ trọn vẹn cả cuộc đời, đấy là con - chàng trai bé nhỏ của Mẹ.
Bi của Mẹ năm nay đã 30 rồi, đã kịp đi lang thang khắp chốn trên thế giới này suốt 20 năm qua để rồi nghẹn ngào nhận ra không chân trời nào lớn rộng bằng tình yêu thương của Mẹ dành cho con, không có bình yên nào ấm áp hơn những ngày còn Mẹ.
20 năm trước, Mẹ còn nhớ không, chúng ta đã nói gì với nhau về cái chết? Mẹ nói mẹ không bao giờ chết vì Mẹ còn có con trên đời này sống tiếp phần của Mẹ. Mẹ không sợ chết nhưng Mẹ sợ phải xa con khi con còn quá nhỏ, nhưng chúng ta phải chấp nhận sự thật không thay đổi được rằng một ngày không xa Mẹ sẽ không còn nữa. Hãy bình thản để cuộc sống tiếp tục dòng chảy của mình. Sau nước mắt, con bình thản học cách để sống tiếp, còn Mẹ vội vã ngày đêm truyền dạy gấp rút những gì con phải học để ở lại với đời. Mẹ dạy không tồi và con học cũng không tệ Mẹ nhỉ, ít nhất là trong bài giảng cuối cùng? Chúng ta làm được rồi! Thật đấy!
Ngày giỗ của Mẹ là ngày con càng phải nghĩ nhiều hơn về Bố và biết ơn Bố - người đã xuất sắc đóng thế vai trò của Mẹ suốt 20 năm qua. Ngay cả trong những giây phút phải lựa chọn khắc nghiệt nhất trong đời, Bố đã luôn chọn con, đã luôn chọn trách nhiệm không nói thành lời với người đã khuất thay vì những điều phù phiếm khác. Mẹ có quyền mỉm cười mà tin rằng Bố xứng đáng là người đàn ông mà trọn đời Mẹ yêu thương, cả một bầu trời của sự tử tế và tinh thần cao thượng mà con may mắn được trú ngụ khi rời tay Mẹ.
Nhưng con cũng không quên nhắc để Mẹ nhớ này: Dù Mẹ cứ trôi về vô cực quá khứ, còn con thì luôn phải đi về vô cực tương lai nhưng hãy luôn ở bên nhau trong từng hơi thở của hiện tại. Cứ hai nhịp thở của con, một nhịp là vì Mẹ. Con sẽ chẳng làm gì to tát ngoài việc luôn cố gắng để sống thật hạnh phúc, vì phần đời của con và cả vì những tin yêu và hy vọng dang dở của Mẹ còn gửi gắm lại cuộc sống này. Và nếu kiếp sau là có thật, xin một lần nữa lại là Mẹ của con để con được một lần kịp báo đáp dù là không bao giờ đủ; đừng vội vã nữa, cả hai ta sẽ đều buồn. Chậm lại một chút thôi cho yêu thương được tròn đầy, Mẹ nhé!...”.