Thủy điện cắt lũ hay gây lũ?

(PLVN) - Sau tai nạn xảy ra ở thủy điện Rào Trăng 3, vấn đề thủy điện gây ra lũ lụt lại một lần nữa được nhắc đến. Nhưng bản chất của thủy điện là gì? Gây lũ, xả lũ hay cắt lũ? 
Thủy điện gây ra tác động môi trường nhưng không tăng rủi ro về lũ. (Ảnh minh họa)
Thủy điện gây ra tác động môi trường nhưng không tăng rủi ro về lũ. (Ảnh minh họa)

Phải trồng bù diện tích rừng mất do làm thủy điện

Tại tọa đàm “Thủy điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” do Hiệp hội truyền thông số tổ chức hôm qua, 30/10, ông Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia đã có 40 năm gắn bó với công tác thủy điện cho biết, thủy điện là công trình sử dụng năng lượng của dòng chảy để chuyển thành điện năng. Ở Việt Nam, năng lượng thủy điện cung cấp cho hệ thống thủy điện quốc gia chiếm 30-40% tổng sản lượng điện. Thủy điện không tiêu hao lượng nước của dòng chảy, sau khi phát điện thì nước được trả lại cho dòng sông.

Thủy điện là nguồn năng lượng tái tạo và quý giá, có thể nói là năng lượng sạch nhất trong các nguồn năng lượng cho nên tất cả các quốc gia đều tìm cách khai thác hiệu quả nguồn năng lượng này. Ví dụ, sông Đa-nhip có hơn 800 thủy điện nằm trên dòng sông này, quốc gia xây dựng nhiều nhà máy thủy điện nhất là Đức, trong đó có vô số thủy điện nhỏ. 

Về số liệu thống kê diện tích rừng làm thủy điện ở Việt Nam, ông Sơn cho biết, từ năm 1970 đến nay, tổng diện tích các loại đất, cả diện tích đất rừng để làm thủy điện là 285.000 ha. Như vậy, bình quân công suất hiện nay thì khoảng tầm 14,5 ha/MW. Nhưng từ khi có Luật Bảo vệ và phát triển rừng (bắt đầu từ năm 2006 đến nay), khi sử dụng 1m2 rừng thì phải trồng bù 1m2 rừng. Theo số liệu thống kê năm 2019 của ngành lâm nghiệp, diện tích rừng phải trồng bù hơn 30.000ha, thì hiện nay đã trồng bù được 33.000 ha.

Thêm nữa, từ khi có Nghị quyết 62 của Quốc hội về quản lý thủy điện, thống kê cho thấy, năm 2014 tổng tất cả diện tích làm thủy điện, bao gồm cả đất, sông, suối, rừng mất 1,89 ha/1MW, trong đó rừng chỉ chiếm hơn 4% và rừng sản xuất là chính. 

Ông Sơn khẳng định, ở Việt Nam, quản lý thủy điện xuất hiện từ thập kỷ 70. Hiện nay, tất cả các nghiên cứu, đầu tư, xây dựng đến các vấn đề liên quan đến Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật đều đã làm dần dần tốt lên và đến bây giờ là tương đối đầy đủ. Như quy hoạch bậc thang sông Đà, khi lập quy hoạch, các cơ quan nghiên cứu, tư vấn phải xem xét tất cả phần có lợi, có hại, lĩnh vực phát điện, cấp lũ,  giao thông thủy, các vấn đề môi trường… đều được nghiên cứu, đánh giá xem phương án nào phù hợp với điều kiện Việt Nam nhất. 

Ví dụ như khi xây dựng thủy điện Sơn La và sau này là Lai Châu, Tuyên Quang, mục đích chính lại là chống lũ cho Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Hà Nội. “Khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình được xây dựng, chúng tôi thấy rằng có thể chống lũ cho Hà Nội được khoảng hơn 200 năm. Sau khi thêm 2 nhà máy thủy điện Sơn La và Lai Châu thì khả năng chống lũ thêm khoảng 500 năm”- ông Sơn nói.

Đập thủy điện tác động lớn nhưng không làm tăng rủi ro về lũ

PGS.TS. Vũ Thanh Ca (Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) - thành viên nhóm chuyên gia quản lý các hồ chứa khu vực Kanto của Nhật Bản, khẳng định, khi xây dựng, khi thực hiện bất kỳ một hoạt động phát triển nào đều có tác động, không có cách nào không tác động.

Ông Ca cũng không ngần ngại khẳng định, trong thực tế, các nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy thủy điện đúng là gây ra rất nhiều hệ lụy môi trường, sinh thái và làm gia tăng xói lở bờ biển do chặn dòng bùn cát chảy ra biển. Thủy điện cũng có những nguy cơ gây lũ quét rất lớn nếu đập bị vỡ. “Nhưng không có cơ sở khoa học nào để nói thủy điện làm tăng lũ. Nếu không có đập thủy điện lũ vẫn thế, thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện lũ cao hơn rất nhiều. Các đập thủy điện đúng là tác động môi trường cực lớn, nhưng không làm tăng rủi ro lũ lụt” - ông Ca khẳng định.

Dẫn báo cáo về đánh giá khả năng giảm nhẹ lũ lụt của đập (ra đời năm 2010) của nhóm Công tác châu Âu về đập và lũ lụt, ông Ca cho biết, trên cơ sở tính toán về mức độ giảm nhẹ lũ lụt của tất cả các nước châu Âu đã thấy đập (cả thủy điện, thủy lợi và cấp nước) đã giúp giảm nhẹ lũ lụt ở tất cả các nước châu Âu. 

Tuy nhiên, mức độ giảm nhẹ lũ tùy thuộc vào dung tích hồ và quá trình vận hành hồ. Các hồ lớn, dự báo tốt để có thể xả nước trước khi lũ lụt sẽ giúp giảm rất nhiều lũ lụt ở hạ du, trong khi các hồ nhỏ thì hầu như không có khả năng giảm lũ lụt. Thủy điện không xả quá lượng nước về vì nó vẫn cần tích nước phục vụ phát điện. “Nước trong hồ là tài sản của thủy điện, là tiền nên các nhà quản lý thủy điện không xả bừa bãi để gây ngập lụt ở hạ du” - ông Ca khẳng định.

Báo cáo này cũng cho thấy các hồ chứa chỉ có khả năng giảm lũ, lụt nhưng không có khả năng loại trừ hoàn toàn lũ, lụt. Nếu mưa lớn, hồ chứa không đủ sức điều tiết thì lũ lụt vẫn xảy ra. Hơn nữa, nếu hồ chứa không được xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, có khả năng đập bị vỡ gây ra thảm họa khôn lường.

Đọc thêm