Việt Nam còn khoảng hơn 800 thuỷ điện, sẽ rà soát lại
Không thể phủ nhận những lợi ích lớn từ thủy điện như đóng góp một phần quan trọng vào nhu cầu năng lượng, phát triển đất nước. Thế nhưng, khi ngập lụt nghiêm trọng diễn ra ở miền Trung, vấn đề an toàn của các đập, hồ thủy điện cũng như việc vận hành xả lũ một lần nữa được đặt ra.
Từ ngày 6/10 đến nay, miền Trung trải qua ba đợt mưa lũ. Đỉnh lũ, lượng mưa ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã vượt giá trị lịch sử, sạt lở đất xuất hiện ở nhiều nơi, làm 157 người chết, 70 người mất tích.
Riêng vụ sạt lở ở Đoàn 337 tỉnh Quảng Trị làm 22 quân nhân hy sinh; vụ ở Trạm Kiểm lâm 67 (Thừa Thiên Huế) làm 13 người chết; vụ ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) vùi chết 5 công nhân, 12 người vẫn mất tích. Mới đây nhất ngày 28/10, hai vụ sạt lở núi ở huyện Nam Trà My và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã cướp đi 16 sinh mạng, 12 người đang mất tích.
PGS.TS PGS. TS. Vũ Thanh Ca, giảng viên Đại học Tài nguyên và Môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cho biết: Thiên tai ngày càng có xu hướng gia tăng do biến đổi khí hậu. Miền Trung đã và đang trải qua những khó khăn vô cùng lớn do lũ lụt. Nhiều người nói thuỷ điện là nguyên nhân khiến tình trạng lũ thêm trầm trọng. Ông Ca cho rằng, không có đập thủy điện, lũ vẫn thế thậm chí cao hơn. Đối với nhiều trường hợp, không có hồ thủy điện, lũ cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, ông Ca cũng nêu ra một loạt tác động không thể phủ nhận trong quá trình thực hiện các dự án thuỷ điện như: Lợi dụng phá rừng lấy gỗ, ảnh hưởng đến thuỷ sinh, việc đào đất làm hồ sẽ tạo nên sự bất ổn định có thể gây nên sạt lở một số khu vực, ảnh hưởng cấu trúc địa chất…
Ông Ca cho biết bản thân không ủng hộ phát triển nhiều thủy điện, thay vào đó phát triển các dạng năng lượng khác. Khi phát triển bất kỳ một dự án thuỷ điện nào, ông Ca cho rằng cũng cần hết sức thận trọng trong thiết kế thi công, đánh giá tác động môi trường.
Chuyên gia thủy điện Nguyễn Tài Sơn cũng nói thuỷ điện không gây ra thêm lũ. Theo ông, tất cả các thiệt hại vừa qua tại trận lũ lụt lịch sử của miền Trung là vô cùng đau lòng. Điều đáng tiếc theo ông Sơn, địa hình miền Trung dốc hẹp, chủ yếu là các hồ thuỷ điện nhỏ, việc xây được các hồ to có dung tích lớn chống lũ là vô cùng khó khăn.
Về phía đại diện Bộ Công Thương, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định: Thời gian vừa qua, Bộ này không xem xét bổ sung bất cứ dự án thủy điện nào có chiếm diện tích đất rừng tự nhiên kể từ năm 2016.
Theo đó, Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh rà soát lại quy hoạch thủy điện, loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang, 472 dự án thủy điện nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện, đây là các dự án có chiếm nhiều diện tích đất hoặc có ảnh hưởng lớn đến môi trường, kinh tế, xã hội. Hiện còn khoảng hơn 800 thuỷ điện các loại, trong đó có hơn 600 đang vận hành. Tuy nhiên, những dự án thuỷ điện nhỏ dưới 3MW là dừng, là loại bỏ khỏi quy hoạch.
Ngoài ra các dự án thủy điện có ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường, vấn đề an toàn dân sinh vùng hạ du… cũng hầu hết đã được rà soát loại bỏ khỏi quy hoạch. “Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ yêu cầu các tỉnh có chương trình đánh giá, rà soát với tất cả các dự án trên địa bàn mình để có kế hoạch phát triển về sau, đề ra hướng phát triển thời gian tới”, ông Quân nói.
Có thực thủy điện “vô can”?
Có thể nói, với lợi thế về địa hình, nhiều sông suối, độ dốc cao… những năm qua, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đã coi thủy điện là “con gà đẻ trứng vàng”. Nhưng, những hệ lụy mà thủy điện mang lại không ai có thể lường trước được.
Nhưng sau gần chục năm trải thảm đỏ thu hút đầu tư, giờ đây, một số tỉnh đi đầu trong “phong trào phát triển năng lượng” ở miền Bắc như Hà Giang, Cao Bằng hay các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên là Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Gia Lai,… đã và đang phải hứng chịu hàng loạt hệ lụy: Mất rừng, dự án xây dựng dở dang, sông suối cạn trơ đáy, suy giảm lượng phù sa, mưa lũ, sạt lở đất,…
Nhìn lại những gì đang xảy ra ở miền Trung, nhiều chuyên gia lý giải nguyên nhân chính là do thiên tai, thời tiết ngày càng cực đoan nhưng cũng có ý kiến cho rằng, có phần trách nhiệm của các công trình thủy điện nhỏ.
Nhiều ý kiến nhận định, không thể nói thuỷ điện vô can bởi việc phá rừng làm thủy điện sẽ khiến dòng chảy lớn hơn, mạnh hơn. Thậm chí, về lý thuyết các hồ chứa sẽ giảm lũ nhưng trong quá trình vận hành liệu có xảy ra các vấn đề khác không đúng quy trình? Cũng có ý kiến đặt ra về tốc độ lũ lớn hơn khi tiền hành xả lũ ở các thuỷ điện.
Do đó, hầu hết ý kiến đều cho rằng, cần sớm rà soát lại hệ thống thủy điện nhỏ xem vận hành ra sao, rủi ro như thế nào để có giải pháp ứng phó kịp thời. Họ lo ngại nhiều công ty xây dựng không quan tâm đến chất lượng mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận thu được từ điện, gỗ rừng, các kim loại quý khi thực hiện thi công…
TS Nguyễn Ngọc Chu cho rằng thủy điện nhỏ không có khả năng điều tiết mà còn góp phần tăng thêm mức độ nghiêm trọng của lũ. Theo ông Chu, lưu lượng xả có thể không tăng so với dòng chảy tự nhiên, nhưng tốc độ chảy sẽ nhanh hơn khiến sức tàn phá của nước lũ lớn hơn. Ngoài ra, TS Chu nhận định việc xây dựng nhiều thủy điện nhỏ tiềm ẩn nguy cơ về khai thác rừng tự nhiên. Rừng tự nhiên sẽ có khả năng tiêu lũ khác so với rừng trồng.
Diện tích rừng trồng có thể tăng lên, Mấu chốt vấn đề đặt ra là cần quản lý chặt việc xây dựng, vận hành các dự án thủy điện, đặc biệt trong xả lũ hồ thủy điện. hiều ý kiến cho rằng, lũ lụt nặng nề và liên tiếp tại miền Trung vừa qua là do thời tiết cực đoan nhưng cũng có phần “trách nhiệm” của thủy điện nhỏ.
Đi tìm giải pháp, PGS.TS Vũ Thanh Ca đề xuất, các đập thủy điện cần phải được quy hoạch một cách hợp lý, tránh làm ngập các khu vực đất ngập nước có tầm quan trọng về môi trường, sinh thái. Cần xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy trình xả lũ và chạy thủy điện để đảm bảo dòng chảy môi trường cũng như không làm gia tăng nguy cơ lũ và tác động ít nhất tới các hệ sinh thái vùng hạ lưu. Cần thường xuyên quan trắc môi trường trong lòng hồ và cần nghiên cứu kỹ và tái định cư người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất và ngập lụt.
TS Tô Văn Trường cho rằng, để đảm bảo mục tiêu ban đầu của thuỷ điện nhỏ, ngoài quy trình vận hành đơn hồ trong mùa lũ và mùa cạn, các địa phương cũng cần yêu cầu các hồ chứa thủy điện cùng lưu vực lập quy trình phối hợp vận hành để tăng cường an toàn về mùa lũ, phù hợp với nhu cầu khai thác sử dụng nước mùa cạn cho hạ du.
Đồng thời, cần tiến hành rà soát quỹ đất dành cho việc xây dựng thủy điện, đảm bảo bố trí đủ quỹ đất và thực hiện nghiêm túc việc trồng từng thay thế, đặc biệt là rừng đầu nguồn lưu vực sông và các công trình thủy điện. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng hạ tầng kỹ thuật công trình thủy điện để chặt, phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép, thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật về dịch vụ môi trường rừng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hạn chế phát triển thuỷ điện nhỏ
Tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế -xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10 của Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần hạn chế phát triển thuỷ điện nhỏ. Theo Thủ tướng, chưa bao giờ thiên tai lại dồn dập như vậy ở Việt Nam, gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vùng núi ở các tỉnh miền Trung rất dốc, nhiều đất sét, mưa lớn đã phá hỏng kết cấu. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần hạn chế phát triển thuỷ điện nhỏ để không xảy ra tình trạng chiếm rừng, đất rừng. Đối với những dự án quan trọng có liên quan đến đất rừng, đều trình Quốc hội để xin ý kiến, xem xét.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng những loại cây phù hợp để giữ đất, giữ nước.