Tiền đâu phải nhiều như lá tre

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xây dựng mỗi km cao tốc Bắc - Nam khoảng 140 tỷ đồng. Thế nhưng với tuyến vành đai 3 TP HCM, dù đi qua nhiều khu vực đất nông nghiệp, mức đầu tư lại được đề xuất khoảng 1.000 tỷ đồng cho mỗi km. Đây không chỉ là con số giật mình, mà có thể làm nhiều người ngạc nhiên đến ngã ngửa.
Dự án tuyến vành đai 3 TP HCM.
Dự án tuyến vành đai 3 TP HCM.

Câu chuyện được đặt ra trong cuộc làm việc giữa Phó Thủ tướng Lê Văn Thành với bộ, ngành và các địa phương liên quan công tác chuẩn bị đầu tư dự án Vành đai 3 và 4 TP HCM. Đây là hai tuyến được quy hoạch từ 2011, được xác định “vai trò đặc biệt quan trọng giúp liên kết vùng, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”.

Vành đai 3 TP HCM dài hơn 90km chạy qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 4 đoạn lớn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - QL22 và QL22 - Bến Lức. Hiện mới có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đi qua Bình Dương, dài hơn 15km đầu tư hoàn thành với 6 làn xe.

Tổng chiều dài các đoạn còn lại khoảng 76km, được nghiên cứu khi hoàn thiện sẽ có 8 làn cao tốc, vận tốc 100km/h và đường song hành hai bên. Giai đoạn một, dự án ước tính tổng mức đầu tư hơn 83.000 tỷ đồng, xây dựng trước 4 làn trên tuyến chính và đường song hành hai bên. Việc giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện từ giai đoạn này theo quy mô hoàn chỉnh, tổng kinh phí gần 47.000 tỷ đồng.

Giải thích về con số “khủng” trên, lãnh đạo một số tỉnh, thành có dự án đi qua cho rằng chi phí giải phóng mặt bằng dự án cao dẫn tới tổng mức đầu tư dự án lớn. Hơn nữa dự án này được cho là còn “đi qua đô thị, băng qua nhiều nút giao phải đầu tư đồng bộ”...

Lãnh đạo một địa phương cho rằng sau khi tiếp nhận hồ sơ dự án từ Bộ GTVT, khi nghiên cứu hình thức đầu tư, nhận thấy rằng dự án có kinh phí rất lớn, thời gian thu hồi vốn đến 29 năm, rất khó thu hút nhà đầu tư.

Rồi “trong bối cảnh cả 4 tỉnh, thành chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt COVID-19 thứ tư, các địa phương thống nhất kiến nghị Trung ương bố trí ngân sách để đầu tư. Trường hợp không được, các tỉnh thành đề xuất Trung ương hỗ trợ riêng phần giải phóng mặt bằng, còn xây lắp do địa phương thực hiện”. “Cà kê dê ngỗng”, nhưng tóm lại bốn địa phương này muốn Trung ương chi khoản tiền lớn nhất trong dự án này là “giải phóng mặt bằng” để thực hiện dự án nêu trên.

Dù cùng đồng thuận nhận định Vành đai 3 là tuyến huyết mạch, khi đầu tư hoàn thành không chỉ giúp TP HCM phát triển mà còn cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; nhưng trước đề xuất Trung ương hỗ trợ vốn, một lãnh đạo KH&ĐT đã trả lời rõ “rất khó vì nguồn vốn quá lớn”, và đây không phải là dự án cấp bách, không cần triển khai hoàn thành trong thời gian đặc biệt ngắn để kích thích kinh tế - xã hội.

Về phía Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, nhận định dự án đi qua nhiều khu vực đất nông nghiệp, nên tổng mức đầu tư như vậy quá lớn, so với giá xây dựng mỗi km cao tốc Bắc - Nam cao hơn đến 7 lần là quá cao. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bên cần tính toán lại, làm việc trực tiếp với đơn vị tư vấn thông qua hợp đồng để rà soát lại, bao gồm tổng vốn giải phóng mặt bằng, kinh phí xây dựng.

Đây là một yêu cầu rất đúng đắn của Chính phủ. Đây là dự án công cộng, không thể có chuyện người bị thu hồi đất muốn bồi thường bao nhiêu thì phải đáp ứng bấy nhiêu. Nếu chưa thể giải thích thuyết phục vì sao dự án lại có giá cao như thế thì đề xuất không thể được chấp nhận, tránh những tiền lệ xấu với lĩnh vực đầu tư xây dựng nói riêng, với cả xã hội nói chung.

Đọc thêm