"Tiền mất tật mang" vì dùng thực phẩm chức năng như thuốc

Do thiếu hiểu biết, hiện nhiều người vẫn nhầm lẫn thực phẩm chức năng (TPCN) với thuốc chữa bệnh. Tuy không phải là thuốc nhưng TPCN cũng nguy hiểm như dùng thuốc nếu chúng ta sử dụng không đúng liều lượng. “Người trong cuộc” GS.Hoàng Tích Huyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý - Trường Đại học Y Hà Nội trao đổi liên quan đến vấn đề này.

Do thiếu hiểu biết, hiện nhiều người vẫn nhầm lẫn thực phẩm chức năng (TPCN) với thuốc chữa bệnh. Tuy không phải là thuốc nhưng TPCN cũng nguy hiểm như dùng thuốc nếu chúng ta sử dụng không đúng liều lượng. “Người trong cuộc” GS.Hoàng Tích Huyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược lý - Trường Đại học Y Hà Nội trao đổi liên quan đến vấn đề này.

Thực phẩm thông thường dùng quá cũng sinh bệnh nói gì đến TPCN

Thuốc và TPCN là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, nhưng nhiều người vẫn nhầm lẫn. Ông có thể phân định rõ ranh giới của chúng?

- Theo định nghĩa của Bộ Y tế, TPCN có tác dụng hỗ trợ chức năng của các bộ phận cơ thể con người; có tác dụng dinh dưỡng; tạo cho cơ thể, tinh thần của con người được thoải mái hơn; đồng thời nó cũng giúp tăng cường sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ của bệnh tật. TPCN nằm trong khoảng giao thoa giữa thực phẩm truyền thống (thực phẩm ăn hàng ngày) và thuốc. TPCN cũng được gọi là thực phẩm - thuốc hoặc chất bổ sung dinh dưỡng.

TPCN cũng khác với thực phẩm truyền thống ở chỗ, nó được sản xuất, chế biến công thức: Bổ sung một số thành phần có lợi, loại bớt một số thành phần bất lợi để hỗ trợ con người trong việc kiêng khem. Việc bổ sung hay loại bớt phải được chứng minh, cân nhắc một cách khoa học và phải được cơ quan chức năng cho phép.

Ngoài ra, mặc dù đối tượng sử dụng TPCN có chỉ định rõ rệt là chỉ người cao tuổi, trẻ em hoặc phụ nữ tiền mãn kinh nên dùng... thế nhưng người có bệnh, người chưa có bệnh có thể tự mua và tự sử dụng. Đây là điểm khác của TPCN với thuốc.

Khác với TPCN, thuốc là chất hoặc hỗn hợp chất dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh hoặc điều trị các chức năng sinh lý của cơ thể. Thuốc bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, thậm chí từ TPCN; hàm lượng hoạt chất cao; sử dụng phải có chỉ định, kê đơn của bác sỹ; đối tượng sử dụng là người bệnh; khi sử dụng dễ có biến chứng, tác dụng phụ, tai biến...

Tuy không phải là thuốc nhưng TPCN lại nguy hiểm như dùng thuốc. Cụ thể, có người phản ánh, TPCN cũng có những tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí dẫn đến chết người, thực tế có người dùng TPCN để “chữa bệnh” nhưng lại bị lupus ban đỏ. Thực tế có chuyện đó không, thưa ông?

Đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại quá trình xét duyệt, cấp phép TCN

            “Với chức năng của mình, Hiệp hội TPCN thường xuyên tư vấn cho Bộ Y tế về chuyên môn, đồng thời  tập hợp và kêu gọi những nhà sản xuất, công ty chuyên doanh TPCN  làm ăn chính đáng, tuân thủ pháp luật, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại quá trình xét duyệt cũng như vấn đề quảng cáo cho thật khách quan, chính xác; tránh để tình trạng quảng cáo láo, phản cảm xuất hiện tràn lan trên thị trường. Đã là khoa học thì phải đúng, không thể dối trá được!”.

GS. Hoàng Tích Huyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội TPCN

- Thực phẩm thông thường dùng quá liều, không đúng cũng bội thực, cũng sinh bệnh. Ví dụ, chất khoáng, vitamin rất cần thiết cho cơ thể nhưng nếu bổ sung nhiều quá cũng không tốt. TPCN cũng vậy, nếu sử dụng quá liều lượng, không đúng cách cũng rất nguy hiểm.

Thực tế, đã có không ít trường hợp bị dị ứng khi dùng TPCN, vì vậy sử dụng TPCN bị bệnh lupus ban đỏ cũng là điều dễ hiểu. Nó cũng giống như việc nhiều người bị dị ứng với các thực phẩm như tôm, cua... Khi dùng thuốc cũng vậy, thực tế có người bị dị ứng với Pelicilin, sau khi uống lăn quay ra ngất, rồi sốc phản vệ và tử vong. Vì vậy, không nên đổ lỗi cho thuốc, thực phẩm hay TPCN.

Nhiều TPCN quảng cáo như “thần dược”  khiến người dân bị lừa.

Trong trường hợp sử dụng TPCN mà bị dị ứng, người tiêu dùng phải làm gì? Ông khuyến cáo như thế nào đối với người dân trước và trong khi sử dụng sản phẩm này?

- Trường hợp bị dị ứng sau khi sử dụng TPCN, người bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trường hợp tự mua TPCN về dùng phải đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng. TPCN cũng phải được sản xuất, chế biến, đăng ký chất lượng đúng theo luật.

Nó cũng phải đáp ứng các tiêu chí: không có vi khuẩn gây bệnh; không có chất kim loại độc; không có thuốc trừ sâu, chất bảo quản độc... Bởi vậy, người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm được Bộ Y tế cho phép sản xuất, lưu hành. Ngoài ra, cần lưu ý hạn sử dụng trước khi dùng, bởi sử dụng các sản phẩm TPCN, thuốc hay thực phẩm thông thường đã “hết đát” rồi cũng không kém phần nguy hiểm.

Nhiều người dân đã “siêu lòng” do chiêu thức quảng cáo của các hãng, công ty TPCN. Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng này? Nhiều công ty đã bị “tuýt còi”, nhưng đã có đơn vị nào bị xử lý chưa, thưa ông?

- Không chỉ TPCN mà rất nhiều loại sản phẩm được quảng cáo một cách thái quá. Có không ít loại TPCN được quảng cáo như “thần dược” khiến nhiều người dân bị mắc lừa. Không những quảng cáo quá sự thật, một số loại TPCN còn được bày bán với giá “cắt cổ”, không thể chấp nhận được. Bằng chứng là, có lần đi sang Mỹ, tôi mua một ít TPCN bổ sung khoáng, vitamin về dùng với giá rất rẻ. Nhưng về tới Việt Nam, cũng sản phẩm đó, của hãng đó nhưng giá đã được “đội” lên gấp 4, 5, thậm chí 6 lần.

Thực tế, tôi cũng đã được nghe quảng cáo nhiều về thuốc giảm béo trên mạng, các bà bạn của vợ tôi cũng rỉ tai nhau mua về uống, nhưng tôi không tin. TPCN để giảm cân cũng có rất nhiều loại nhưng tác dụng không mấy. Thậm chí có công ty chỉ chuyên bán thuốc, TPCN giảm béo, nhưng với giá đắt kinh khủng. Không nên quá tin vào lời quảng bá của những sản phẩm với mục đích giảm cân, tốt nhất vẫn là thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với luyện tập khoa học, thường xuyên…

Để hạn chế và chấn chỉnh tình trạng này, phải xử lý thật nghiêm khắc những cơ quan cho phép, phát hành những chương trình quảng cáo đó. Vì, được phép các cơ quan đó thì mới được phát quảng cáo. Tuy nhiên, thực tế sai phạm thì thấy rất nhiều, nhưng tôi chưa thấy có đơn vị nào bị xử lý cả.

Xin cám ơn GS!

Một điển hình về ngộ độc thực phẩm chức năng

 BN Đậu Thị T. (ảnh) (67 tuổi, Nghệ An) nhập viện với biểu hiện của hội chứng Steven Johnson điển hình: Hai mắt dính lại không mở được, loét da nhiều vị trí, xuất hiện những bọng nước khổng lồ trên cơ thể.

Theo người nhà BN cho biết, bà T bị tiểu đường nhiều năm, gần đây lại hay đau nhức các đầu ngón tay nên được bác sĩ kê toa thuốc trị bệnh kèm theo một loại thực phẩm chức năng có giá 400.000 đồng/hộp, không hề có hướng dẫn hay vỏ hộp đi kèm.

Chỉ sau khi uống thuốc 3 ngày, bà T. đã cảm giác bứt rứt, khó chịu. Sang ngày thứ năm, mắt bà đỏ ngầu rồi khép chặt dần lại, không mở ra được, khuôn mặt biến dạng, miệng phồng rộp và lịm đi không hay biết gì. Đây là trường hợp điển hình của dị ứng TPCN.

Trà Long

Đọc thêm