Tiền mừng tuổi của Mẹ

(PLVN) - Trong vô vàn náo nức hy vọng vào ngày xuân năm mới, trái tim em vẫn vẹn nguyên nỗi háo hức mong chờ được mẹ phát lì xì vào sáng mồng 1 Tết...
(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

“Lớn chừng này mà vẫn mong chờ tiền lì xì của mẹ là sao?” Hồi mới quen nhau, đã có lần anh hỏi em như vậy. Cũng giống như cô em dâu nhà hàng xóm từng ngạc nhiên, thắc mắc: “Có mấy đồng tiền mừng tuổi mà sao chị mừng ghê vậy? Mà chị lấy chi tiền của bà già?” Em chỉ đáp lời cô bé hàng xóm bằng nụ cười hạnh phúc. Có ai giống như em không, lớn rồi mà vẫn mong tiền mừng tuổi của mẹ như thuở còn thơ? 

Em không nhớ rõ mình được nhận những đồng tiền mừng tuổi đầu tiên từ năm lên mấy tuổi, nhưng biết rất rõ người đầu tiên mừng tuổi cho em vào sáng mồng 1 Tết hàng năm bao giờ cũng là Mẹ. Em nhớ ngôi nhà xưa của gia đình, nhớ những năm tháng thời bao cấp cơm độn còn chẳng đủ no, thế nhưng Tết năm nào cha mẹ cũng cố dành dụm để sáng mồng 1 Tết chị em em xênh xang quần áo mới và náo nức xòe tay đón những đồng tiền mừng tuổi mẹ “phát vốn” cho. Tiền mừng tuổi của mẹ nhỏ thôi nhưng gửi gắm biết bao yêu thương, bao nhiều tình cảm. 

Và cái cách mẹ nâng niu trao những đồng tiền bé nhỏ vào tay các con dạy cho chị em em từ bé đã biết quý trọng đồng tiền, biết trân trọng những thành quả lao động chân chính và phấn đấu để trưởng thành. Những đồng tiền tuy mệnh giá nhỏ nhưng rất mới cùng lời chúc của mẹ được chúng em nâng niu, cất kỹ chẳng dám tiêu gì, để dành mỗi dịp đầu năm học mang ra mua sách bút, vun đắp giấc mơ học hành. 

 

Rồi mấy chị em dần khôn lớn, ra trường hết đôn đáo lo công việc rồi đến chuyện chồng con. Em lấy chồng xa, nhớ có cái Tết về nhà đã ra Giêng nhưng vẫn được mẹ dành tiền mừng tuổi. Phong bao lì xì mẹ cho năm ấy dày hơn, cuộn tròn nóng bỏng chứng tỏ mẹ đã nâng niu, cất giữ rất lâu, cầm rất chặt trong tay mình cùng niềm thương, mong móng con gái xa quê. Mẹ lại ân cần nhắc lại những điều đã căn dặn em khá nhiều lần về đạo làm dâu, làm vợ; về kinh nghiệm "bán anh em xa, mua láng giềng gần" khi lấy chồng xa quê. Nước mắt cảm động ướt mi nhưng em cố giấu. 

...Từ chỗ chỉ hai bàn tay trắng xây dựng gia đình, đến nay mấy chị em cũng có nhà cửa, xe cộ như người ta, chưa kể con cái lại chăm ngoan, gia đình tươm tất. Nhiều người khen em giống mẹ ở đức tính “khéo chăm chồng, khéo nuôi con khỏe, dạy con ngoan”.

Lúc đầu em cứ ngỡ đó là thiên chức của phụ nữ, là tự nhiên mà chúng em biết làm như thế. Nhưng không, sau này khi có đủ trải nghiệm thì em đã hiểu không có gì nghiễm nhiên mà có, những thứ của em đó là gia tài tuyệt vời mà em được thừa hưởng từ mẹ của mình. Đủ trưởng thành, đủ trải nghiệm em mới thấm thía cái câu các cụ dạy “phúc đức tại mẫu”; mẹ ăn ở làm sao thì con cái được hưởng phúc lộc làm vậy. 

Thời nay, người ta nói con gái là phiên bản hoàn hảo của mẹ cũng không sai. Mẹ ngay thẳng, tự trọng thì con trung thực. Mẹ nhân hậu bao dung thì con cái biết yêu thương, biết sẻ chia… Càng nghĩ em càng thấy biết ơn Mẹ, thấy mình may mắn vì được làm con của mẹ. 

Một mùa xuân mới lại đang về. Thêm mỗi mùa xuân mẹ em lại già đi. Nhưng mẹ vẫn duy trì nếp mừng tuổi con cháu trong ngày “Mồng Một sớm mai, đầu Xuân năm mới” và đàn con cháu của mẹ thì vẫn háo hức mong chờ, đón nhận tiền lì xì của mẹ, của bà. Mừng rỡ đón nhận cuộn tiền với nhiều mệnh giá còn đượm nguyên hơi ấm từ bàn tay mẹ trao, em thấy lòng mình thơ thới, trẻ trung như còn tấm bé. Lại khát khao được tung tăng khoe áo mới, vui pháo hoa trước sân nhà…

Có lẽ vì thế chăng mà có lần em hàng xóm thắc mắc: “Có mấy đồng tiền mừng tuổi mà sao chị mừng rỡ ghê vậy? Mà chị lấy chi tiền của bà già?” Có lẽ em ấy và nhiều người cũng không hiểu hết được đâu. Tiền mừng tuổi không chỉ là đồng lì xì may mắn đầu năm mà đó là tình cảm, là văn hóa... 

Em chỉ ước sao năm nào cũng vẫn được nhận những đồng tiền mừng tuổi “nóng bỏng tay” từ mẹ, để biết rằng mẹ vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh, ngày Xuân hãy còn dài…

Đọc thêm