Lấy đất của người này cấp cho người khác
Theo đơn khởi kiện, tháng 5/1975 cụ Võ Thị Xuân (80 tuổi) về khu vườn cũ do gia đình để lại tại thôn 4, xã Tiên Phong khai hoang và làm 2 căn nhà sinh sống. Năm 1980, cụ Xuân đưa em trai là ông Võ Văn Thu từ Trà My về Tiên Phong rồi cưới vợ và cho gia đình em trai sống nhờ trên khu đất của mình.
Đầu năm 1994, cụ Xuân bị bệnh nên con trai là Phan Thanh Trường đưa vào Sài Gòn điều trị và gửi toàn bộ đất đai, nhà cửa cho vợ chồng ông Thu quán xuyến. Khi trở về, biết khu đất của gia đình nằm trong diện giải tỏa nên cụ Xuân gọi ông Trường về làm “sổ đỏ” thì phát hiện hơn 8.000m2 đất của mình đã bị em dâu Nguyễn Thị Vân (vợ ông Thu) giả chữ ký của chồng (ông Thu chết năm 2001) đăng ký làm “sổ đỏ” từ tháng 6/1998.
Tìm hiểu, cụ Xuân mới biết từ năm 1993 xã Tiên Phong cho rằng cụ bỏ xứ đi nên chính quyền xóa hộ khẩu tại địa phương và làm thủ tục đề nghị UBND huyện Tiên Phước xét cấp “sổ đỏ” cho vợ chồng ông Thu, kể cả 2 ngôi nhà của cụ. Sau nhiều lần hòa giải không thành, cụ Xuân khởi kiện đề nghị TAND huyện tuyên hủy “sổ đỏ” đã cấp cho gia đình ông Thu, trả lại nhà đất cho mình.
Nhiều chứng cứ bị Tòa bỏ “quên”
Tại phiên sơ thẩm, ông Phan Thanh Trường - đại diện cho cụ Xuân nêu: Chính quyền xã lúc đó cắt khẩu hộ cụ Xuân với lý do bỏ đi khỏi địa phương từ năm 1993 là không đúng, bởi cụ Xuân vẫn về thăm nhà, giỗ chạp. Đầu năm 1994, ông Trường vẫn về xã làm thủ tục đăng ký kết hôn, tổ chức đám cưới rồi đến tháng 12/1994, ông làm giấy khai sinh cho con tại xã; năm 2006, ông còn về địa phương làm giấy chứng minh nhân dân. Nếu gia đình cụ Xuân bị xóa hộ khẩu thì sao các thủ tục vẫn thực hiện được?
Đặc biệt, tại Biên bản giám định chữ ký số 439/GĐ-PC54 ngày 12/9 của Công an tỉnh Quảng Nam đã khẳng định: “Chữ ký đứng tên dưới mục chủ hộ ký tên trên tài liệu cần giám định với chữ ký đứng tên Võ Văn Thu trên các tài liệu mẫu so sánh không phải chữ ký của cùng một người”. Điều này chứng tỏ chữ ký trong hồ sơ đề nghị xét cấp “sổ đỏ” là giả mạo, nhưng TAND huyện không căn cứ vào đó để làm rõ trắng, đen nguồn gốc đất?
Đại diện cho UBND huyện Tiên Phước tại tòa, ông Vũ Minh không cung cấp được giấy ủy quyền cho người nhà của ông Thu xin cấp đất mà cho rằng: “Việc ông Thu có làm giấy ủy quyền hay không không quan trọng, miễn sao có chữ ký của ông Thu trong đơn xin cấp đất là được”.
Nhưng khi luật sư truy vấn chữ ký của ông Thu trong đơn xin cấp đất đã được Công an tỉnh Quảng Nam giám định là giả thì ông Minh cù nhầy: “Chữ ký không phải của ông Thu không quan trọng, miễn sao UBND huyện Tiên Phước cấp “sổ đỏ” đúng trình tự pháp luật là được... Chữ ký không phải của ông Thu là trái luật, nhưng không vi phạm luật”.
Khi luật sư hỏi về các thủ tục, quy trình cấp đất cho bà Vân không đúng pháp luật thì ông Minh tỉnh bơ: “Tôi biết mà không trả lời đó...!”. Nghe ông Minh nói vậy, những người dự tòa ngán ngẩm cho sự ngang ngược của vị đại diện chính quyền tại tòa.
Tại tòa, ông Trường và các luật sư bảo vệ cũng chứng minh được là cụ Xuân nộp thuế diện tích đất mà UBND huyện Tiên Phước cấp cho bà Vân từ năm 1980 đến khi cấp “sổ đỏ”; ông Trường cũng chỉ rõ trong “Biên bản hòa giải” ngày 21/1/2013 giữa cụ Xuân và bà Vân, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong khẳng định: “Địa phương đã cấp đất cho vợ chồng ông Thu, bà Vân là chưa hợp lý, vì vậy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có ý nghĩa về mặt pháp lý”.
Trước những dấu hiệu không rõ ràng như vậy, nhưng cuối cùng TAND huyện Tiên Phước vẫn tuyên bác đơn khởi kiện của cụ Xuân vì cho rằng cụ không có tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh việc mình khai phá, tạo lập diện tích đất và tài sản gắn liền trên đất; đồng thời cho rằng ngôi nhà trên mảnh đất hiện bà Vân đang ở là do cả gia đình cụ Xuân tạo lập nên bà Vân được quyền sử dụng diện tích đất và tài sản gắn liền trên đất là hợp pháp...
Với phán quyết của Tòa sơ thẩm, gia đình cụ Xuân cho biết sẽ kháng án lên TAND tỉnh Quảng Nam để đòi lại công bằng.