Tiếng kêu cứu từ dòng sông Mẹ

(PLVN) - Krông Ana trong ký ức và cách định danh của những người Ê Đê còn có tên gọi là sông Mẹ - dòng sông nhẫn nại ôm ấp, chở che cho hàng trăm buôn làng của tỉnh Đắk Lắk. Dẫu có lúc chẳng bình yên, sông phải oằn mình đón những vết thương sâu hoắm từ nạn “cát tặc”, “lâm tặc” nhưng vẫn luôn là nơi “đi nhớ, về thương” của hàng triệu những người con Tây nguyên.
Hình ảnh sông Krông Ana- dòng sông Mẹ đẹp đẽ, hiền hòa chỉ còn trong ký ức?
Hình ảnh sông Krông Ana- dòng sông Mẹ đẹp đẽ, hiền hòa chỉ còn trong ký ức?

Dòng sông bao bọc, dâng hiến

Krông Ana trong ký ức và cách định danh của những người Ê Đê còn có tên gọi là sông Mẹ, sông Cái, sông Phụ nữ. Trải bao thăng trầm, biến cố, sông nhẫn nại ôm ấp, chở che cho hàng trăm buôn làng kéo dài từ buôn Triết, buôn Trấp, buôn Krông đến buôn Tơ Lơ, buôn Kuôp…(Đắk Lắk). Dẫu có lúc chẳng bình yên, sông phải oằn mình đón những vết thương sâu hoắm từ nạn “cát tặc”, “lâm tặc” nhưng vẫn luôn là nơi “đi nhớ, về thương” của hàng triệu những người con Tây nguyên.

Trên cánh đồng buôn Trấp (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) mênh mông sau vụ gặt, hít mùi rơm dạ quyện với khói lam chiều, già làng Đinh Blêu trôi trong những hoài niệm. Ông bảo: Đúng như tên gọi. Sông Mẹ thẳm sâu lòng bao dung, cứu sống, cưu mang, là nơi trú chân, lập nghiệp cho hàng chục ngàn thân phận từ khắp các nơi đổ về. Ngoài dân tộc bản địa tại chỗ thì di cư đến nhiều nhất là người Điện Bàn, Quảng Điền, Thăng Bình, Hòa Vang…(Quảng Nam- Đà Nẵng).

Ngoài vai trò minh chứng cho lịch sử phát triển các buôn làng, dòng sông còn mang theo những nét văn hóa đặc sắc của địa phương với đủ các loại hình giao thoa. Nhìn từ phía nào, sông Mẹ cũng mê đắm, quyến rũ lòng người. Có lẽ, cũng bởi quá yêu nên hầu như chiều nào ông Blêu cũng kéo theo nhiều người già khác luồn lách qua những tán rừng đơn lẻ mà nhìn sông để nhớ về một thời tất cả đều vẹn nguyên sự trong trẻo.

Sông Krông Ana hào phóng cung cấp nước cho đồng ruộng và tôm cá nuôi sống buôn làng
Sông Krông Ana hào phóng cung cấp nước cho đồng ruộng và tôm cá nuôi sống buôn làng

Trong những đêm sáng rực củi lửa, trầm bổng tiếng chiêng, người Ê Đê dọc bên sông Mẹ vẫn truyền kể rằng: Có cái tên sông Mẹ, sông Phụ nữ bởi xa xưa, một sơn nữ bên này sông đẹp và tần tảo nức tiếng yêu người đàn ông bên kia sông nhưng nhà cô gái quá nghèo, cha già bệnh tật, không có sính lễ đi “bắt chồng”. Hai gia đình lại kịch liệt phản đối nên đôi bạn trẻ đau khổ, đắng cay, tuyệt vọng và gieo mình tự vẫn. Cô gái hóa thành sông Krông Ana, chàng trai hóa thành sông Krông Nô (còn gọi là sông Cha, sông Đàn ông). Hai sông chạy song song nhưng đều đổ về sông lớn nhất Tây Nguyên đó là Sê-rê-pốc. Đó cũng là điểm hòa quyện tình yêu trường tồn của đôi trai gái.

Thấy sông Mẹ quanh năm yên bình, tôm cá rày đặc, mỗi lần nước dâng, phù sa lại tràn chảy vào những cánh đồng lau sậy mênh mông nên lúc đầu có 5 tốp người Ê Đê đi phát lau sậy, gieo bắp, lúa…gieo đến đâu, hoa màu lên vùn vụt và trĩu hạt, trĩu quả đến đó. Đến định cư, vỡ vạc bên sông từ những ngày rừng còn xanh thẳm, sông còn hiền hòa, ông Đinh A Mành ở buôn Tơ Lơ (xã Êa Ana, Krông Ana) thán phục: Suốt hàng thế kỷ, sông lặng thầm, cần mẫn tạo ra cuộc sống ấm no. Nguồn dinh dưỡng có được từ sông khiến nhà nào cũng sung túc. Người thì đánh lưới, người trồng rau, trồng lúa… Đêm đến thì hát ca, luyện chiêng. Nhà này nói với nhà kia yên vui được là nhờ sông Mẹ, vậy nên làng nào cũng có hương ước quy định phải yêu thương nhau như anh em vì cùng mẹ sông.

Thói hư, tật xấu như một thứ xa lạ với cư dân nơi đây. Người các làng không nảy lòng tham mà tàn phá những thứ thiên nhiên đã ban cho. Vượt qua những ngày đói khổ, bệnh tật, ông Nguyễn Văn Tùng ở thôn 1 (xã Quảng Điền, KRông Ana) bộc bạch: Cảm xúc cư dân nơi đây cũng thăng trầm theo sông vậy. Hàng ngàn người chúng tôi cách đây hơn nửa thế kỷ ở Quảng Nam nhưng đất đai cằn cỗi, chật hẹp lại phải đối chọi với dịch sốt rét nên chuyển vào đây định cư. Cuộc sống êm đềm trôi qua đều nhờ sông, nhờ rừng. Ngày ấy, cứ thả lưới, đưa vợt xuống sông là có đầy cá chép, cá rô, cá lóc, cá thát lát, cá diếc, tôm... Vậy nên ai cũng biết ơn sông. 

Quả ngọt từ gian lao 

Ngay từ những ngày đầu thống nhất đất nước, nhìn những buôn làng trù phú hai bên sông Mẹ, thấy rõ tiềm nặng phát triển nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk có ngay chủ trương phát triển những cánh đồng lớn, biến nơi đây thành vựa lúa trọng điểm trên cao nguyên. Ký ức ngày tháng cũ trỗi dậy mãnh liệt, ông Đinh A Tùng ở buôn Trấp hồ hởi: Đúng là ý chí con người và phù sa từ sông đã làm nên cuộc “lột xác” kỳ diệu.

Những năm 1977-1978 dưới sự chỉ đạo của ông Trần Kiên- Khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nhà nhà, ngành ngành đều nói chuyện khai hoang, xây dựng đời sống ấm no. Không phân biệt dân tộc, quê quán, tất cả đều xuống ruộng làm việc cật lực. Chẳng mấy chốc, những cánh đồng lúa mênh mông màu vàng suộm đã trải dài ở buôn Triết, buôn Trấp, Đức Xuyên (huyện Krông Nô, Đăk Nông)… Không chỉ hăng say sản xuất mà hầu như buôn nào cũng hình thành các tổ, nhóm tuyên truyền phòng chống dịch bệnh và nói không với chất độc hại.

Bà Hmi Thanh ở buôn Tơ Lơ, kể: Có lúc sốt rét làm nhiều người nằm bẹp, rên hư hử, lại tiêu chảy tràn lan…các cán bộ y tế vào cuộc và chỉ ngay ra rằng, nguyên nhân đều do thói quen sinh hoạt. Vậy là phong trào ngủ màn, ăn chín, uống sôi được phát động, lan rộng. Ai cũng xác định, phải có sức khỏe mới có thể sản xuất, có những cánh đồng hoa màu tươi tốt.  Được coi là “đại gia” lúa của Buôn Triết (huyện Lắk, Đắk Lắk), ông Nguyễn Thành Tâm chia sẻ: Hiếm có nơi đâu làm được hai việc song song rất hiệu quả đó là bài trừ hủ tục, bảo vệ sức khỏe và làm giàu.

Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Krông Ana vẫn diễn biến phức tạp
Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Krông Ana vẫn diễn biến phức tạp 

Dọc sông Krông Ana giờ đã hình thành nên trên 1.000 hecta lúa. Từ canh tác giản đơn giờ có thêm hệ thống máy móc hiện đại, kênh mương thủy lợi cũng được chú trọng. Cùng lúa nước, để cung ứng nguồn thực phẩm cho người dân trong và ngoài tỉnh, các buôn làng quanh sông còn triển khai các mô hình nuôi cá bè, cá lồng sạch. Luôn cháy bỏng khát vọng về thương hiệu cá sạch từ nguồn nước của sông Mẹ.

Ông Lê Văn Tuấn (xã Ea Na, huyện Krông Ana) chia sẻ: Các loại cá nước ngọt ở đây như cá lóc, cá rô phi, cá trắm…trước nuôi rất thuận lợi. Nguồn nước sông dẫn vào khu vực nuôi cá rất trong lành. Lúc phát triển mạnh lên đến hơn 200 lồng, bè dọc các buôn quanh sông. Chất lượng cá rất tốt. Nhưng càng ngày nhiều bất ổn.  

Vẫn còn những “vết thương” đang lở lói

Đời sống đang êm đềm là vậy thì dòng sông Mẹ liên tục phải hứng chịu những cuộc tấn công tàn khốc của nạn “cát tặc”. Đủ các loại máy móc, sà lan đua nhau súc, múc, vét, hút…khiến nhiều khúc sông lở lói, nước đục ngầu ngọam vào những cánh đồng hoa màu. Mùa khô, nhiều đoạn oằn mình, trơ đáy. Đứng trên cầu Giang Sơn (nối hai huyện Cư Kuin và Krông Bông), già làng Đinh Pút và nhiều người già đau tiếc: Đoạn sông Mẹ chảy qua đây nhiều năm nay bị “trọng thương”, biến dạng hết rồi. Nhiều vụ lúa còn thiếu nước, phù sa ít dần. Do lòng tham lam của con người cả. Nhiều đêm, dân làng chỉ biết ra sông mà khóc than, mong cho “cát tặc” cuốn gói đi nhưng chúng vẫn hoạt động rất tinh vi.

Xưa chẳng bao giờ có cảnh hạn hán, nhưng nay, nhiều làng ngay bên sông mà nhìn thứ gì cũng thấy gầy gò, khô quắt. Có tí màu xanh lởm chởm thì cũng là cỏ dại, mấy loại thực bì vớ vẩn. Nhiều đêm vì thương sông, ông Đỗ Văn Chương, (làng Đông Sơn, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) kêu nhiều người ra cùng đuổi “cát tặc” vì chúng hoành hành đến đâu là lở đất hoa màu đến đó. Các chất thải từ máy móc hút cát xả ra sông khiến cá, tôm chết dần, chết mòn. Những cánh rừng bạt ngàn hai bên sông cũng liên tục bị tàn phá, mỗi trận mưa bão tràn về, nước và đất đá tống thẳng xuống sông và buôn làng.

Theo UBND huyện Krông Ana: Nạn “cát tặc” trên sông Krông Ana luôn là vấn đề nhức nhối. Từ năm 2018 đến nay, Công an Đắk Lắk cũng đã liên tục mật phục và truy bắt nhiều vụ khai thác cát trái phép với quy mô lớn, xử phạt hành chính nhiều đối tượng. Sau trận vỡ đê Quảng Điền (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) kinh hoàng diễn ra ngày 13/8/2019, hàng loạt cư dân tay chăm cuộc rẫy, chân quen lội ruộng ở xã Quảng Điền đau xót: Trước rừng còn nhiều, mưa xong rừng vẫn giữ nước, giữ ẩm. Giờ người ta cứ cạo trọc rừng đi, mưa gió là nỗi kinh hoàng vì không còn gì giữ nước lại, chảy ào ạt xuống buôn làng gây ngập úng, ít ngày sau thì lại khô khốc. Trận vỡ đê khiến nước sông Mẹ tuôn xuống như thác, hàng trăm héc ta lúa bị dập, ảnh hưởng nặng nề. 

Gần nửa đời người sống và viết bên dòng sông Mẹ, nhà văn Nguyễn Hoàng Thu (nguyên Chi hội trưởng Chi Hội Nhà văn Việt Nam ở Tây Nguyên) cũng ngập tràn tiếc nuối. Ông bảo: “Không chỉ đi qua nhiều buôn làng, sông Krông Ana còn chảy ngang qua bến nước Eo Đờn thơ mộng đến bờ hồ Lak mênh mông ăn thông dòng sông lớn bên thị trấn Liên Sơn. Một thời, nơi nào cũng đầy ắp nước êm trôi từ thượng nguồn dãy núi cao Chư Yang Sin. Nhưng buồn thay, ngày ấy đã lùi xa, sông đã cạn và đang bị xâm hại, rừng đang tàn. Giờ, người làng khó tìm thấy mật ong, dược thảo, cả con cá sông cá suối cũng hiếm hoi như nụ cười tươi tắn, hồn nhiên, bao dung thuở nào sông còn yên bình và rừng còn cây già bóng cả nhiều tiếng chim rộn rã hót ca. 

Đọc thêm