Đây cũng hẳn là di nguyện của người đã mất bởi lúc sinh thời là một doanh nhân thành đạt, ông đã từng làm nhiều việc thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Doanh nghiệp may mặc của ông đã tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, không những thế, ông còn nhận vào làm việc cả những người nghiện hút, tạo điều kiện cho họ chữa trị, xa lánh môi trường nghiện ngập, làm lại cuộc đời.
Chính vì thế mà khi ông bị bạo bệnh, mất đi khi chưa đầy tuổi 60 đã có rất nhiều người thương tiếc và đến viếng, tỏ lòng tri ân và thành kính đối với vong linh người quá cố từng làm nhiều việc tốt cho đời. Gia Đình ông không muốn nhận tiền phúng viếng nhưng e rằng làm tổn thương đến những tình cảm quý mến, trân trọng của mọi người đối với ông.
Vì thế, họ quyết định đem số tiền phúng viếng này dùng vào việc thiện là giúp người nghèo. Ông chết mà vẫn còn giúp ích cho đời là vậy. Sẽ còn rất nhiều người nhớ tới ông, thương tiếc ông và coi ông như ân nhân của cuộc đời mình.
Đây quả là một sự nêu gương đáng học trong bối cảnh mà xã hội đang có những biểu hiện coi trọng kim tiền, tang ma xa hoa, lãng phí. Thậm chí, có trường hợp tranh nhau làm tang cho bố mẹ để hưởng tiền phúng viếng. Có đám tang xong, anh em bất hòa, không thèm nhìn mặt nhau vì mâu thuẫn trong việc chia tiền phúng viếng. Người chết cũng không được yên nói gì đến chuyện siêu thoát. “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”, sống và chết như vị doanh nhân Quảng Nam này còn lưu mãi tiếng thơm!