Những cô gái mãi mãi tuổi 20
Được khởi xướng từ năm 2007 đến nay 13 năm trôi qua, mỗi độ tháng 7 (trước khi kỉ niệm 27/7 Ngày thương binh liệt sĩ) Báo PLVN tiếp nối hành trình tri ân các anh hùng, liệt sĩ: Những người dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho thế hệ sau được hòa bình, ấm no, hạnh phúc.
Ngày 12/7, Đoàn công tác của Báo PLVN do Tiến sỹ, Tổng Biên tập Đào Văn Hội làm Trưởng đoàn, cùng Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Thường trực Đặng Ngọc Luyến; Phó Tổng Biên tập, Chủ tịch Công đoàn Trần Đức Vinh và gần 70 cán bộ, phóng viên của Báo, bắt đầu hành trình tri ân miền Trung năm 2019.
Sau một ngày dài trên chuyến xe về miền Trung, chúng tôi đến điểm đến đầu tiên là khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Mất nửa ngày di chuyển, tưởng chừng như ai cũng mệt mỏi. Vậy mà khi xe vừa dừng tại cổng nơi di tích nơi tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong cùng hy sinh vào ngày 24/7/1968.
Mọi sự mệt nhọc của các thành viên đoàn dường như đã tan biến, chỉ còn lại sự kính phục và tiếc thương. Tất cả các chị ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ. Người trẻ tuổi nhất mới 17 tuổi, ba người chị lớn tuổi nhất cũng chỉ 24 tuổi. Họ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Cũng như những năm trước, ông Đào Văn Tuân, Phó trưởng ban Quản lý khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cùng những người khác đón hướng dẫn chúng tôi làm lễ, thắp hương cho các chị. Ông Tuân chia sẻ, hàng năm cứ vào dịp tháng 7 lịch sử, Ban Quản lý lại đón nhận tình cảm của các cán bộ, phóng viên Báo PLVN trên hành trình về tri ân các anh hùng liệt sỹ.
Ông cũng bày tỏ sự ấn tượng với Báo PLVN bởi Báo đã thực hiện hành trình tri ân đều đặn trong nhiều năm. Nhiều gương mặt của Báo đã trở nên quen thuộc với các cán bộ tại Khu di tích.Có những người đã nhiều lần đến, nhưng sự rưng rưng vẫn vẹn nguyên như lần đầu.
|
Tiến sỹ Đào Văn Hội, Tổng Biên tập Báo PLVN dâng hương từng mộ phần liệt sĩ. |
Với những người lần đầu đến với Đồng Lộc như tôi, được nghe về những tháng năm, những câu chuyện hùng tráng về mảnh đất này không khỏi cảm động. Vũ Phương Mai, một nữ phóng viên trẻ lần đầu đến vùng đất linh thiêng này, rưng rưng: “Nghe và xem về những thời khắc của các liệt sỹ và các nữ thanh niên xung phong anh dũng ra đi khi tuổi đời mới 19, 20, tôi càng thấm thía hơn giá trị của hòa bình, càng thấy lớp trẻ ngày nay phải cố gắng, nỗ lực cho xứng với xương máu cha ông đã đổ xuống mảnh đất này”.
Chiều cùng ngày, Đoàn đến dâng hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa (Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Dưới cái nóng tháng 7 chúng tôi hòa mình vào với hàng hàng nghìn du khách thập phương, xếp hàng dài đợi đến lượt dâng hương.
Người mãi nằm xuống
Ngày hôm sau chúng tôi về thăm Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị). Nghĩa trang đường 9 – nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sỹ, là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong… hy sinh trên mặt trận Đường 9 và đất bạn Lào, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trong không gian vắng lặng, trang nghiêm, chúng tôi lặng lẽ thắp những nén nhang tưởng nhớ những anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc. Nhìn những hàng mộ nối dài xa tít tắp, ai nấy đều không giấu được sự xúc động, tiếc thương...
Những hàng mộ nối dài như nhắc chúng tôi về sự khốc liệt của chiến tranh, rằng Tổ quốc Việt Nam có được như ngày hôm nay, chúng tôi có ngày hôm nay, là bởi có biết bao anh hùng liệt sỹ đã chiến đấu, hi sinh để giữa trên mảnh đất này.
Điều khiến bất kỳ ai đến thăm Nghĩa trang Đường 9, hay Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, không ít người phải xót xa khi đứng nhìn những hàng mộ vẫn còn khuyết danh. Các anh đã chiến đấu, nằm xuống hơn 40 năm rồi nhưng tên tuổi chưa thể tìm thấy.
Các anh nằm lại đất mẹ, trên mảnh đất khốc liệt chiến trường xưa, hòa vào núi sông, cây cỏ. Nghĩ thế thôi cũng làm tôi cay khóe mắt tự nhủ rằng dẫu chưa tìm được danh tính, nhưng các anh vẫn được yên nghỉ trong sự tri ân của đồng bào, được ở lại bên đồng đội mình.
|
Cán bộ phóng viên Báo PLVN tri ân các liệt sỹ. |
Những ngôi mộ chưa có tên đó không ngày nào thiếu hương khói. Vì với những người còn sống các anh đã thành bất tử, sống mãi với hồn thiêng sông núi… “Tên anh đã gắn liền với chiến công bất tử!”
Phóng viên Sinh Nguyễn quê Hà Nội lần thứ 2 về thăm nghĩa trang không giấu nổi sự xúc động, giọng trầm buồn nói với tôi. “Nằm đây chắc các anh buồn, nhớ nhà lắm. Đến đây mới biết thế hệ cha, chú mình đã ngã xuống, hy sinh nhiều như thế nào… đây, kia, chỗ kia nữa tất cả đều trai tráng Hà Thành quê tôi. Ở nghĩa trang Trường Sơn, khu vực Hà Nội đã có 469 liệt sỹ đã ngã xuống. Họ đi rồi họ nằm lại chẳng về…”.
Bản hùng ca Thành Cổ
Cuối cùng, đoàn công tác Báo Pháp luật Việt Nam về với thành cổ Quảng Trị. Nơi minh chứng rõ nét nhất cho sự đấu tranh kiên cường và lịch sử vẻ vang của quân dân Việt Nam, gợi nhớ về ký ức bi tráng 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972.
Để bảo vệ Thành cổ, hàng vạn Anh hùng, Liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống, đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Xương máu của các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị để cho thế hệ sau được sống những ngày hòa bình.
Khác với nghĩa trang khác, Thành cổ Quảng Trị chỉ có một ngôi mộ tập thể chung, một nấm mồ chung là “Đài tưởng niệm”, được mô hình hóa của ngôi mộ tập thể đó. Theo những người canh giấc ngủ cho những tử sĩ thành cổ, thân thể của các chiến sĩ đã hòa mình vào đất, không có nấm mồ riêng.
Bởi, nơi đây, mảnh đất của 46 năm về trước là một chiến trường khốc liệt đầy máu và lửa. Bằng cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường của quân và dân ta chống trả những đợt phản kích tái chiếm của địch trong suốt 81 ngày đêm từ 28/6 đến 16/9/1972 được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày, địch huy động từ 150 -170 lượt máy bay phản lực, từ 70 - 90 lượt máy bay B52 để ném bom huỷ diệt thị xã và Thành cổ Quảng Trị.
Với diện tích chưa đầy 3 km2, trong 81 ngày đêm thị xã và Thành cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Do vậy, toàn bộ thị xã và Thành cổ Quảng Trị đã bị san phẳng hoàn toàn và sự sống đã bị huỷ diệt.
|
Tác giả thắp nến, hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. |
Tháng 7 miền Trung của chúng tôi đọng lại với bao cảm xúc chan chứa. Với những phóng viên trẻ như tôi, qua những chuyến đi như thế này, chúng tôi hiểu sâu sắc hơn về lịch sử hào hùng vẻ vang nhưng cũng đầy bi thương, mất mát của ông cha ta. Đồng thời những chuyến đi tháng 7 đã tiếp thêm động lực, hoàn thiện bản thân, giúp mọi người những trải nghiệm mới nhằm tăng thêm sự hiểu biết. Đó là hành trang cần thiết trong hoạt động “bồi đắp những tâm hồn” mà Báo PLVN đã duy trì 13 năm qua.
“Đi để thấy những vất vả, lo toan của mình hàng ngày là nhỏ bé; đi để tri ân những người đã ngã xuống vì đất nước; đi để sống nhân ái, nhân văn hơn”…