Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Đất đai là tài sản đặc biệt, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá và nguồn lực to lớn của đất nước. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân nhưng quyền sử dụng đất ngày càng phát huy vai trò là hàng hóa đặc biệt; là nguồn sống của Nhân dân, không chỉ trước đây, hiện nay, mà còn mãi mãi của con cháu mai sau.

Chính vì thế, luật pháp về đất đai ngày càng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Nghị quyết 39/2021/QH15 của Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu quan điểm phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; bảo đảm tính liên vùng, liên tỉnh, kết nối giao thông, hành lang kinh tế ven biển, trọng điểm và quốc tế; gắn kết giữa đô thị và nông thôn, giữa yêu cầu công nghiệp hóa với nhu cầu đô thị hóa trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương.

Cách đây 13 năm, Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XI) đã có Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Quốc hội XV đã ban hành Luật Đất đai 2024, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, có nhiều điểm mới, nhiều bước tiến so với Luật Đất đai 2013, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, để hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về đất đai, vẫn còn nhiều việc phải làm. Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết 39 của Quốc hội, chúng ta còn phải đáp ứng các yêu cầu quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách phải theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, rút gọn các thủ tục hành chính; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch; tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện.

Còn có nhiều vấn đề phải hoàn thiện như quy định về giữ đất lúa, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất ở vùng phụ cận dự án hạ tầng kỹ thuật; xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn để đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu từ đất đai. Mới đây, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ bất động sản. Tất cả để nhằm quản lý, sử dụng nguồn tài sản đặc biệt này một cách hiệu quả, chặt chẽ.

Đọc thêm