Tiếp tục xác minh hành vi của nhóm 'bác sĩ Khoa'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chánh Thanh tra Sở Thông tin Truyền thông TP HCM nhận định nhóm của "bác sĩ Khoa' hoạt động có hệ thống, tài khoản giả nhưng tương tác thật để lừa đảo, trục lợi.
Tin giả của nhóm "bác sỹ Khoa" được lan truyền trên mạng xã hội.
Tin giả của nhóm "bác sỹ Khoa" được lan truyền trên mạng xã hội.

Phát biểu tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP HCM sáng 10/9, ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP HCM cho biết, ngày 9/8, Sở đã làm việc với 2 chủ tài khoản Facebook chia sẻ thông tin vụ “bác sĩ Khoa” và xử phạt vì chia sẻ thông tin sai sự thật. "Đây mới là kết quả xử lý ban đầu, vụ việc tiếp tục được làm rõ và sai đến đâu xử lý đến đó" - ông Thọ cho biết.

Đáng nói trong vụ việc này, bước đầu Sở nhận định nhóm này được thành lập với sự tham gia của các tài khoản giả nhưng có tương tác thật. Nhóm này có hệ thống và "sống thực" trên mạng.

"Bước đầu đã phối hợp với cơ quan có thẩm quyền như Bộ TT&TT để tổng hợp, xác định việc các tài khoản này có hành vi giả mạo để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP HCM", ông Thọ nói.

Ông Thọ khẳng định Sở sẽ phối hợp với các ngành để xử lý các thông tin ảnh hưởng đến chế độ chính sách của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 hoặc tạo sự hoang mang cho người dân trong tình trạng hiện nay.

Nói thêm về việc này, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TTTT cho biết, ngay sau khi phát hiện vụ việc về "bác sĩ Khoa", Sở đã lập tức xác minh, xử lý. Ông Lương khẳng định, Sở sẽ xử lý quyết liệt người chia sẻ thông tin giả, không phân biệt bất kỳ ai.

Trước đó, ngày 8/8, Sở Y tế TP HCM khẳng định, thông tin lan truyền ở trên là hư cấu, tại các bệnh viện của TP không có việc rút ống thở của người nhà bác sĩ để nhường cho bệnh nhân. Sở Y tế đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh làm rõ nguồn gốc bài đăng này để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hình ảnh của "bác sĩ Khoa" kute thực ra là bác sĩ Toh Wei Seong làm việc tại Đại học NUHS của Singapore

Hình ảnh của "bác sĩ Khoa" kute thực ra là bác sĩ Toh Wei Seong làm việc tại Đại học NUHS của Singapore

Theo VTC News, câu chuyện về “bác sĩ Trần Khoa” rút ống thở của mẹ để nhường sự sống cho sản phụ nguy kịch sắp sinh lan trên facebook, là một trong vô số những chiêu lừa đảo của một nhóm trên facebook. Hình ảnh đại diện trên facebook của “bác sĩ Khoa” là của một tiến sĩ chuyên về nha khoa của Singapore có tên là Toh Wei Seong làm việc tại đại học NUHS bên Singapore.

Các thành viên mà “bác sĩ Khoa” sau khi đăng bài rồi tag các facebook như PhongLam, Thy Nguyễn… vào đều đã “biến mất”. Duy chỉ có cái tên facebook Thy Nguyễn trong nhóm này là có thật, vì cái tên này có số tài khoản mang tên Nguyễn Thị Minh Thy, được công khai để “gom” tiền của các mạnh thương quân, người chơi mạng xã hội giàu lòng trắc ẩn với những phận người gặp trắc trở, éo le.

Theo tìm hiểu của phóng viên VTC News, tất cả những facebook trong nhóm đều có chung một đặc điểm, phần lớn là lấy hình của các giáo sư đầu ngành về y khoa của Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) hay Úc ghép vào.

Đọc thêm