Tiếp viên đường sắt lên lương, tàu hỏa 'thay áo' mới

(PLO) -Lãnh đạo Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) dường như đã đánh trúng tâm lý của người lao động khi quyết định lên lương cho tiếp viên và tăng chế độ bồi dưỡng cho lái máy... Một giải pháp hoàn toàn không mới nhưng từ lâu nó chưa được đề cập hoặc thực hiện ở ngành Hỏa xa.
Từ tháng 5/2017, Tiếp viên sẽ là 1 trong 2 đối tượng của ĐSVN được điều chỉnh chế độ.
Từ tháng 5/2017, Tiếp viên sẽ là 1 trong 2 đối tượng của ĐSVN được điều chỉnh chế độ.

“Nhà tàu” hết “bao khách”

Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN Vũ Anh Minh đã chính thức công bố  thông tin trên tại cuộc đối thoại giữa đại diện lãnh đạo Tổng công ty và Công đoàn ĐSVN với người lao động hồi cuối tuần qua tại thành phố biển Đà Nẵng.

Trước đó, ông Minh cũng từng tiết lộ điều này với PLVN, đồng thời nhấn mạnh: “Đây là giải pháp để cải thiện bộ mặt của ĐSVN và kích thích tinh thần lao động của anh, chị, em trong ngành nhằm kéo hành khách quay trở lại với tàu hỏa, từ đó có điều kiện để đẩy doanh thu tăng lên”.

Hiện tại thu nhập bình quân của tiếp viên thuộc Đoàn tiếp viên Hà Nội là khoảng 6,3 - 7 triệu đồng/tháng/người. Phía Nam có cao hơn 7 triệu đồng/tháng/người, nhưng so với đặc thù công việc thì vẫn chưa thực sự tương xứng nên rất dễ phát sinh tiêu cực khi làm nhiệm vụ, phổ biến là tình trạng “bao khách” đi tàu, gây thất thu cho ngành.

Theo lãnh đạo ĐSVN, nguồn để tăng lương cho đoàn tiếp viên sẽ được trích  từ  nguồn thu phí hạ tầng, đầu máy, điều hành... mà tổng công ty để lại cho các công ty vận tải. “Tỷ lệ tăng 1 hay 2 hay 5%, chúng tôi sẽ tính toán cụ thể vì việc tăng này ngay lập tức sẽ tác động đến lợi nhuận của Nhà nước vì đây là tài sản, đồng vốn của Nhà nước. Nhưng tôi chắc chắn trong tháng 5 này, lương của các tiếp viên trên tàu sẽ được tăng”, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN khẳng định.

Ngoài ra, đội ngũ những người lái máy (tài xế) cũng sẽ được xem xét để tăng tiền ăn từ mức 65.000 đồng/ngày/người lên mức tối đa - gần 100.000 đồng/ngày/người. “Về lương với Ban máy, thì chưa dám hứa, nhưng chắc chắn sẽ tăng tối đa tiền ăn theo định mức cho anh, em”, lời Chủ tịch Minh.

Tài xế sẽ được hưởng tiền ăn tối đa 93.000 đồng/ngày/người.
Tài xế sẽ được hưởng tiền ăn tối đa 93.000 đồng/ngày/người.

Vì sao chỉ tiếp viên và tài xế?

Như đã nói, giải pháp nêu trên là hoàn toàn không mới, nhưng nó đã đánh trúng tâm lý của người lao động. Nhưng có thực tế, một sản phẩm của ĐSVN cung ứng ra thị trường được hình thành từ công sức lao động của cả tập thể hàng vạn người lao động trên tàu, dưới ga... chứ không riêng đội ngũ tiếp viên và tài xế. Vì thế, có câu hỏi liệu đã công bằng trong việc tăng lương, thay đổi chế độ cho người lao động trong dịp này?

“Cả hai đối tượng nêu trên là bộ mặt của ngành - họ trực tiếp quan hệ với khách hàng. Muốn tăng doanh thu thì phải cải thiện bộ mặt, cải thiện dịch vụ,... sau khi doanh thu đã tăng thì mình mới có điều kiện để tính tiếp chế độ cho các bộ phận khác. Bởi chỉ có 4.000 tỷ đồng , cái gì cũng muốn thì không khả thi”, ông Minh giải thích.

3 tháng đầu năm 2017, doanh thu của ĐSVN sụt giảm. Xa hơn - cả năm 2017, nếu không có cách để khởi sắc, thì  mức lượng của người lao động ngành ĐS chưa chắc giữ được như con số hiện nay. Vì thế, ngành này đang ra sức áp dụng nhiều giải pháp kích cầu khác như:bán vé linh hoạt, kết nối với các phương thức vận tải khác, phát hành vé thưởng...

Đặc biệt, trong một nỗ lực khác, để nâng cao sự thân thiện trong mắt khách hàng, Tổng công ty ĐSVN mới đây đã quyết định “thay áo” mới cho các đoàn tàu. Cụ thể, sẽ sử dụng màu xanh hòa bình kết hợp với màu trắng để tạo sự tươi mới, gần gũi trên thân vỏ các đoàn tàu khách, từ nguồn kinh phí kêu gọi các nhà tài trợ và đổi các đơn vị này có quyền khai thác quảng cáo trên tàu.

Theo đó, các đoàn tàu mới đóng gần đây ở Công ty Xe lửa Dĩ An đã được sơn theo màu sắc và thiết kế mới. 

Đọc thêm