UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Phú Giáo giải quyết
Cụ thể, ngày 25/9/2020, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương - ông Mai Hùng Dũng ký văn bản số 4740/UBND-BTCD về việc giải quyết khiếu nại của bà Phận. Theo đó, qua xem xét báo cáo của UBND huyện Phú Giáo và Sở Tài nguyên & Môi trường về các vấn đề liên quan đến vụ việc khiếu nại của bà Phận, UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, tại thời điểm hiện nay, UBND các cấp không còn thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến phần đất bà Phận kê khai đăng ký năm 2001. Việc bà Phận yêu cầu cấp Giấy chứng nhận QSDĐ diện tích 4.983,3 m2 là thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của UBND huyện Phú Giáo.
“Giao UBND huyện Phú Giáo căn cứ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất xem xét, giải quyết yêu cầu cấp Giấy chứng nhận QSDĐ diện tích 4.983,3 m2 của bà Nguyễn Thị Phận theo quy định pháp luật. Yêu cầu UBND huyện Phú Giáo thực hiện và báo cáo kết quả về UBND tỉnh”, trích văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương.
Liên quan vụ việc trên, thông tin với Pháp luật Việt Nam, đại diện Văn phòng UBND huyện Phú Giáo cho hay, UBND huyện đã giao phòng Tài nguyên & Môi trường tham mưu giải quyết, khi nào có kết quả sẽ thông tin đến báo chí.
Bà Phận nhiều năm qua nằm liệt một chỗ chờ giải quyết thủ tục cấp đất. |
Trước đó, ngày 6/11/2019, ông Mai Hùng Dũng cũng đã ký quyết định số 3264/QĐ-UBND về việc không tiếp tục thụ lý, giải quyết đơn của bà Trần Thị Hường liên quan khiếu nại quyết định giải quyết tranh chấp của Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo năm 2017. Bởi căn cứ theo luật, việc tranh chấp giữa bà Hường với bà Phận không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời giao Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo thu hồi quyết định giải quyết đơn tranh chấp trước đó của bà Hường.
Gia đình bà Phận cho hay, sau khi Quyết định 3264/QĐ-UBND được thi hành, đồng nghĩa với việc tranh chấp của bà Hường không được các cấp chính quyền thụ lý giải quyết. Lúc này gia đình tiếp tục tiến hành làm thủ tục đăng ký để được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả ngày 5/5/2020, của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (UBND huyện Phú Giáo), hồ sơ bà Phận nộp gồm có: đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận QSDĐ; mảnh trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý; danh sách công khai, kết thúc công khai và các tài liệu liên quan. Thời gian trả kết quả giải quyết hồ sơ được đưa ra trong giấy tiếp nhận là ngày 26/5/2020.
Đại diện gia đình bà Phận cho rằng, các thủ tục cần thiết gia đình đã thực hiện đúng quy định pháp luật, nói cách khác việc đăng ký cấp Giấy chứng nhận QSDĐ của bà Phận là phù hợp quy định. Tuy nhiên gia đình chờ đợi đến nay đã hơn 4 tháng vẫn chưa nhận được kết quả.
Trước lúc mất mong được thấy sổ đỏ
Như Pháp luật Việt Nam đã nhiều lần phản ánh, vợ chồng bà Phận khai hoang và sử dụng ổn định phần đất trên từ năm 1969, thời điểm vùng đất Phú Giáo còn là chiến trường ác liệt. Đến năm 2001, bà Phận lúc đó còn khỏe mạnh, đi kê khai đăng ký diện tích đất còn lại của gia đình là 5.278 m2 (số liệu đo đạc thực tế mảnh đất vào năm 2013 là 4.983,3 m2) để xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.
Tuy nhiên suốt nhiều năm sau đó, yêu cầu của bà vẫn không được giải quyết, với nhiều lý do được cán bộ, chính quyền địa phương đưa ra mà không có căn cứ rõ ràng. Khi nhu cầu sử dụng đất của gia đình ngày một cấp thiết, trong lúc chờ đợi, bà Phận đồng ý cho các con dựng nhà trên đất sống tạm qua ngày, chờ đến khi bà có được mảnh giấy công nhận chủ quyền sẽ làm thủ tục phân chia cho con cháu.
Vậy mà bà Phận chờ từ lúc còn mạnh khỏe cứng cáp, chờ đến khi nằm liệt giường mấy năm qua, vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, dù cho gia đình cầu cứu đến khản cổ, sức tàn lực kiệt. Nghịch lý đau lòng, vợ chồng bà Phận là những công dân đầu tiên của vùng đất Phước Vĩnh, lúc nơi đây còn là chốn xa xôi hẻo lánh, dân cư thưa thớt. Qua nửa thế kỷ, chỗ ấy giờ là trung tâm huyện và thị trấn, những người đến sau sống xung quanh nhà bà cũng đã được cấp QSDĐ trên chục năm. Còn gia đình bà Phận, đến nay đã có 4 thế hệ với mười mấy thành viên chung sống trên đất, thế mà đến một mảnh giấy lận lưng cũng chẳng có.
Cũng vì không có sổ đỏ, từ thời điểm hơn 10 năm trước việc xây dựng nhà, công trình của các con bà Phận nhiều lần bị lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính vì xây dựng không có giấy phép. Nhưng khi đi xin phép sửa chữa, xây dựng nhà cửa thì không đủ điều kiện cấp phép. Thế nên đến ngay việc sửa chữa nhà cửa để ở nhiều khi phải lén lút, tạm bợ kiểu chống đỡ, chắp vá sơ sài.
Vòng lẩn quẩn đè nặng lên 4 thế hệ gia đình bà Phận, xin sửa chữa nhà thì buộc phải có sổ đỏ, mà xin cấp sổ đỏ thì kéo dài hàng thập kỷ vẫn nằm im một chỗ. Để chống chọi nắng mưa khắc nghiệt, các con bà Phận chấp nhận làm kẻ vi phạm pháp luật, lén lén lút lút lợp nhà, nâng nền. Cảnh sống khốn cùng kéo dài năm này qua năm khác không biết đến bao giờ dứt.
Vụ việc ban đầu tưởng như đơn giản, nhưng càng về sau lại càng bị làm cho trở nên phức tạp. Như việc đã có nhiều lý do được đưa ra để trì hoãn việc cấp đất cho bà Phận mặc dù không có căn cứ. Hay như việc đang giải quyết khiếu nại của bà Phận thì chính quyền địa phương lại thụ lý đơn tranh chấp của người con dâu (bà Trần Thị Hường) mặc dù xác định yêu cầu tranh chấp là vô lý, về sau được xác định là không thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền. Những lý do đó khiến vụ việc có lúc trở nên rất phức tạp, chồng chéo mà thời gian qua các cơ quan chức năng loay hoay tìm cách tháo gỡ.
Đến bây giờ, ngay giữa khu vực trung tâm thị trấn dân cư đông đúc, cụ bà tuổi ngoài 80 được coi là một trong số ít cao niên của vùng đất, leo lét như ngọn đèn trước gió dưới mái nhà lụp xụp, vẫn chưa bao giờ thôi đau đáu câu hỏi, vì sao mảnh đất khai hoang sử dụng ổn định từ trước ngày đất nước thống nhất, hơn nửa thế kỷ vẫn chưa có mảnh giấy lận lưng.
Liên quan vụ việc trên, hồi tháng 6/2019, sau khi nhận đơn của gia đình bà Phận, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 338/TTr-TDXLĐT, chuyển đơn của gia đình đến Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương để chỉ đạo kiểm tra, xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời công dân và thông báo kết quả đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sau đó, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã chuyển đơn của gia đình đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết, trả lời gia đình bà Phận và thông báo kết quả đến Ủy ban Về các vấn đề xã hội.