Tỉnh lập lờ trong giải quyết khiếu nại?
Trở lại thời điểm năm 2003, trước khi Bộ TN&MT báo cáo kết quả giải quyết vụ việc bà Hường đến Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/7/2003 UBND tỉnh Long An ra Thông báo số 69/TB-UB, thông báo kết luận của lãnh đạo Bộ TN&MT và UBND tỉnh trong cuộc họp ngày 18/6/2003. Trong đó khẳng định: “Thống nhất điều chỉnh quyết định công nhận phần đất bà Hường thực tế đã khai phá, phần còn lại giao chính quyền địa phương quản lý”. Điều kỳ lạ, thông báo này không nói rõ số liệu “thống nhất điều chỉnh” là bao nhiêu, trong khi Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng trình bày rất rõ?
Không thể không đặt ra câu hỏi, bởi theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ (TTCP), ngày 3/12/2003, UBND tỉnh Long An có Công văn 5202/BC-UB báo cáo vụ việc bà Hường, nội dung đề nghị công nhận QSDĐ cho bà Hường với diện tích khai hoang lên liếp trồng điều là 3.047m2. Phần còn lại diện tích 23.035m2 giao địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của luật đất đai.
Nội dung công văn này gần như trái ngược với số liệu Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, lẫn văn bản đề nghị gửi UBND tỉnh Long An được ký ban hành trong cùng 1 ngày, đó là công nhận cho bà Hường 22.256m2, phần còn lại 3.451m2 giao địa phương quản lý. Quan điểm đầy mâu thuẫn trên của UBND tỉnh Long An được tái khẳng định bằng Thông báo số 62/TB-UB ngày 16/8/2004 về kết luận của lãnh đạo Bộ TN&MT và UBND tỉnh Long An, trong đó chỉ công nhận QSDĐ cho bà Hường diện tích 3.047m2.
Bất thường hơn là nội dung: “UBND tỉnh Long An sớm có phương án thu hồi để giao cho chủ đầu tư, để chủ đầu tư chi trả tiền bồi thường 3.047m2 đất và hỗ trợ diện tích 19.982m2”. Điều đó cho thấy, UBND tỉnh Long An chẳng những làm trái với kết luận Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ mà còn muốn sớm thu hồi phần đất ít ỏi dự kiến cấp QSDĐ cho bà Hường.
Vậy là ngay trong cùng một thông báo, UBND tỉnh Long An trước thì công nhận cấp đất cho bà Hường, sau thì cho biết “sớm có phương án thu hồi” nốt phần đất ít ỏi này. “Bộ TN&MT đã kết luận trả lại cho tôi 22.256m2, phần còn lại giao địa phương quản lý. Vậy mà UBND tỉnh Long An làm ngược, có phải chống lại Bộ TN&MT và chỉ đạo của Phó Thủ tướng?”, bà Hường bức xúc.
Việc khai hoang đất theo chủ trương bị Thanh tra Chính phủ gọi là “lấn chiếm”. |
Sự thật lại bị “méo mó”
Năm 2005, Văn phòng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát nội dung giải quyết khiếu nại của bà Hường. Với toàn bộ tài liệu chứng cứ các cơ quan, ban ngành địa phương đã làm sáng tỏ, những tưởng việc xem xét giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Long An sẽ phải tuân theo quy định pháp luật và sự thật. Không ngờ bà Hường nhận kết quả phũ phàng.
Cụ thể, Công văn 1816/TTCP-V4 ngày 7/10/2005 của TTCP đầy mâu thuẫn khi cho rằng, ông Nguyễn Khắc Thiện bỏ hoang đất sau 1975 nhưng khoảng năm 1981-1983 ông Thiện có kê khai sổ mục kê tại xã. Trong khi đó, sự thật là ông Thiện không sử dụng đất trước, trong và sau thời gian kê khai. Vì đất hoang hoá, bà Hường mới đi lấp kín đồng bưng theo chủ trương chung, sau đó đăng ký lập bản đồ địa chính tại xã.
TTCP một lần nữa phủ nhận công lao gia đình chính sách, cụ thể là bỏ qua sự thật lịch sử về chủ trương khuyến khích dân khai hoang vùng đồng bưng 500ha tại xã Đức Hoà Đông, trong đó bà Hường là một người làm rất hiệu quả. Cùng với đó là lập luận đầy mâu thuẫn: “Thấy diện tích đất bỏ hoang, bà Hường đã sử dụng… để đắp ụ trồng cây điều và lên liếp trồng bạch đàn”, nhưng sau đó gọi hành vi này là “lấn chiếm”. Ngoài ra, các mốc thời gian không đúng với thực tế, đất bà Hường sử dụng là đất lâm nghiệp trồng cây lâu năm nhưng TTCP cho là đất nông nghiệp.
Từ việc thay đổi cách gọi “khai hoang đất” theo chủ trương thành “lấn chiếm đất”, áp dụng từ đất lâm nghiệp thành đất “nông nghiệp” để áp hạn điền không quá 3ha, TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Long An thu hồi toàn bộ diện tích đất hơn 27.514m2 bà Hường khai phá để sử dụng vào mục đích chung. Đồng nghĩa với việc TTCP bác bỏ toàn bộ việc xác minh thực tế, những kiến nghị trước đó của đoàn liên ngành địa phương và Bộ TN&MT.
Còn theo bà Hường, TTCP về Long An xác minh giải quyết khiếu nại cho bà nhưng không hề tiếp xúc, ghi nhận ý kiến gia đình bà. “TTCP công nhận đất là đất hoang, tôi đi khai hoang theo chủ trương, vậy sao gọi tôi lấn chiếm? Sự việc của tôi đã thể hiện rõ tại hàng loạt văn bản xác minh, kiến nghị của đoàn công tác liên ngành của tỉnh và Bộ TN&MT, là phải cấp đất cho tôi, vậy mà TTCP nói tỉnh Long An thu hồi lại hết, biến đất tư thành đất công”, bà Hường phẫn uất.
Sau giải quyết tranh chấp là thu hồi
Ngày 12/10/2007, UBND tỉnh Long An ra Quyết định 2603/QĐ-UBND, thu hồi toàn bộ diện tích 27.514m2 bà Hường đã khai phá, bác khiếu nại của bà với lý do không có cơ sở xem xét giải quyết. Điều duy nhất bà Hường nhận được là nỗi uất ức dồn nén khi số tiền đền bù, hỗ trợ thành quả lao động chỉ hơn 10 triệu đồng. Bà Hường từ chối không nhận, bởi số tiền chẳng có nghĩa lý gì với công lao 5 năm ròng rã lấp kín bưng biền và những thành quả gia đình bà xứng đáng được nhận.
Vì cách giải quyết của chính quyền tỉnh Long An là chưa đúng, bà Hường kiên trì khiếu nại. Đến năm 2017, bà Hường được Chủ tịch UBND tỉnh Long An tiếp và trao thông báo kết quả giải quyết khiếu nại. Tại đây, nhiều câu hỏi của gia đình đặt ra lãnh đạo tỉnh không trả lời được. Nhưng thông báo kết luận buổi tiếp thì luôn khẳng định việc thu hồi đất bà Hường khai phá là đúng quy định pháp luật.
Còn tại Văn bản trả lời số 2194/UBND-TCD năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần trả lời khiếu nại bà Hường đã không xét toàn bộ quá trình giải quyết khiếu nại từ đầu đến năm 2003 khi Bộ TN&MT vào cuộc, mà chỉ đề cập “một cách có chọn lọc” từ giai đoạn năm 2005, khi TTCP báo cáo không đúng sự thật và kiến nghị thu hồi đất gia đình bà Hường.
Báo PLVN tiếp tục thông tin.