Tiếp vụ “Khắc phục hậu quả bão lụt, bị buộc tội “phá rừng”: VKSND Tối cao “vào cuộc”

(PLO) - “Sau phiên tòa sơ thẩm ngày 7/9 bị hoãn vì lý do vắng mặt một số người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, mới đây TAND TP Phan Thiết cho tôi biết thông tin đã gửi hồ sơ vụ án lên VKSND Tối cao để VKSND Tối cao thực hiện chức năng kiểm sát tư pháp, do trước đó tôi có gửi đơn khiếu nại bản cáo trạng và gửi đơn kêu oan lên VKSND Tối cao”- ông Nguyễn Quang Dũng - người kêu oan trong vụ án trên trình bày với Báo PLVN.
Ông Nguyễn Quang Dũng kêu oan lên VKSNDTC

Báo PLVN số ra ngày 30/7/2016 đã có bài phản ánh vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” mà ông Nguyễn Quang Dũng (SN 1962, nguyên Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) có đơn kêu oan.

Ông Dũng cho biết bản thân mình thực hiện việc thu gom cây gẫy, đổ sau bão theo chủ trương, chỉ đạo bằng văn bản của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, việc ký hợp đồng thu gom cây đổ được thực hiện với đơn vị có đủ chức năng hành nghề, đủ năng lực, công cụ, phương tiện theo đúng quy định của pháp luật.

Việc thu gom được triển khai là công khai, minh bạch, không hề có sự lén lút, che giấu hoặc câu kết, vụ lợi. Quá trình thực hiện thu gom có sự tham gia kiểm tra, giám sát của cơ quan Kiểm lâm sở tại, chính quyền địa phương, hộ nhận khoán bảo vệ rừng và các cơ quan chức năng thuộc Sở NN&PTNT. Việc thu gom đã bảo vệ tài sản của Nhà nước, khắc phục hậu quả cơn bão và ngăn ngừa các nguy cơ dịch bệnh có hại cho môi trường sinh thái.

Ông Dũng chỉ có “sơ suất” là khi biết số cây thiệt hại thực tế nhiều hơn số cây gãy đổ đã khảo sát trước đó nhưng vì tính cấp thiết của việc khắc phục hậu quả bão lũ nên ông đã không báo cáo kịp thời, việc này đã được Sở NN&PTNT đồng ý cho bổ sung văn bản báo cáo sau để “hợp thức hóa”. Quá trình điều tra xác định quá trình thực hiện công việc, ông Dũng hoàn toàn không có yếu tố tư lợi.

Chính vì vậy nên khi bị khởi tố, điều tra về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”, ông Dũng đã ròng rã kêu oan. Tuy nhiên, tại vòng tố tụng thứ nhất, TAND TP Phan Thiết vẫn tuyên phạt cả 3 bị cáo trong vụ án (trong đó có ông Dũng) mức án tù, tuy nhiên bản án này bị tuyên hủy do những vi phạm về thủ tục tố tụng, trả hồ sơ để điều tra lại từ đầu. Tuy nhiên, bản cáo trạng ngày 2/11/2015 điều tra lại có nội dung và quan điểm truy tố không khác so với trước.

Ông Dũng tiếp tục kêu oan, khiếu nại bản cáo trạng cho rằng việc truy tố ông về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” là không đủ căn cứ pháp luật, đề nghị VKSND TP Phan Thiết rút cáo trạng, đình chỉ vụ án. Việc khiếu nại bản cáo trạng của ông Dũng không được chấp nhận, hồ sơ vụ án vẫn được chuyển sang Tòa, tuy nhiên phiên tòa xét xử vụ án đã bị hoãn 2 lần vì những lý do thủ tục. Ông Dũng khiếu nại bản cáo trạng của VKSND TP Phan Thiết lên VKSND Tối cao. 

Theo phân tích của Báo PLVN, qua các tình tiết pháp lý và diễn biến khách quan của vụ án cho thấy việc truy tố, xét xử ông Nguyễn Quang Dũng về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” là chưa có căn cứ pháp lý vững chắc, vi phạm  nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong tố tụng hình sự, có dấu hiệu oan sai. 

Cụ thể, xét về hành vi “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” mà ông Dũng bị cáo buộc thấy rằng việc làm của ông Dũng trong vụ án này là chỉ đạo việc khắc phục hậu quả bão lũ (chỉ khai thác những cây gãy đổ) chứ không khai thác lâm sản trái phép, không phá rừng, cũng không có yếu tố trục lợi. Về việc ông Dũng cho khai thác số cây gãy đổ nhiều hơn con số đã báo cáo mà không báo cáo bổ sung, tại Công văn số 787 ngày 28/1/2016 Bộ NN&PTNT đã nêu rõ: “Nếu BQLRPH Phan Thiết báo cáo đầy đủ số cây đổ do bão để Sở cho thu gom và chỉ thu gom những cây gãy, đổ do bão gây ra nhằm thực hiện biện pháp kỹ thuật lâm sinh, tận thu lâm sản cho Nhà nước, không nhằm mục đích lấy lâm sản tiêu thụ, sử dụng bất hợp pháp; có sai sót về thủ tục trong việc thực hiện nhiệm vụ, nhưng có thể chưa cấu thành hành vi “khai thác rừng trái phép”. Trường hợp BQLRPH Phan Thiết và các cá nhân, tổ chức liên quan lợi dụng việc bão làm đổ, gãy một số cây keo lá tràm và văn bản chỉ đạo của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận để khai thác cả những cây không bị đổ, gãy do bão, lấy gỗ sử dụng không đúng chủ trương của tỉnh thì có thể coi là hành vi “khai thác rừng trái phép”. 

Bên cạnh đó, khách thể của tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” được quy định chỉ khoanh vùng trong 3 loại rừng trồng bằng tiền ngân sách nhà nước gồm rừng đặc dụng, rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Ở đây, những cây gãy, đổ do bão lũ mà ông Dũng chỉ đạo khai thác nằm trong diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại tiểu khu 245A và 245B tại xã Tiến Thành (TP Phan Thiết, Bình Thuận) trước đây là rừng sản xuất nhưng đã được đưa ra khỏi 3 loại rừng trên. Nội dung này được khẳng định tại Công văn số 200 ngày 26/1/2016 Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận trả lời yêu cầu cung cấp thông tin vụ án của TAND TP Phan Thiết nêu rõ: Diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại tiểu khu 245A và 245B tại xã Tiến Thành đã được đưa ra ngoài 3 loại rừng để chuyển mục đích sang xây dựng khu dân cư tại xã Tiến Thành và phát triển du lịch. 

Từ các phân tích trên thấy rằng, việc cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận tuy không có thẩm quyền xác lập các loại rừng nhưng đã tự trao cho mình quyền này để buộc tội công dân, để bảo vệ quan điểm khởi tố của mình bằng lập luận: “Mặc dù tiểu khu 245A và 245B đã được UBND tỉnh Bình Thuận quy hoạch đưa ra ngoài 3 loại rừng nhưng chưa có quyết định thu hồi rừng, chưa có quyết định chuyển mục đích rừng thì vẫn là rừng sản xuất” là thiếu cơ sở, vi phạm nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong tố tụng hình sự.

Thiết nghĩ, VKSND Tối cao với chức năng thực hiện quyền công tố và kiểm sát tư pháp, khi giải quyết đơn khiếu nại bản cáo trạng của ông Nguyễn Quang Dũng sẽ xem xét vụ án một cách khách quan, toàn diện, làm sáng tỏ nỗi oan của công dân. 

“Quýt làm, cam chịu”? 

Tại Kết luận điều tra bổ sung số 35 ngày 9/6/2016 của cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bình Thuận xác định: quá trình thu gom cây gãy, đổ, Cty TNHH MTV Sản xuất đầu tư xây dựng Thái Dương do ông Nguyễn Quang Huy làm Giám đốc đã tự ý cắt thêm cây đứng mà không báo cho BQLRPH Phan Thiết biết với lý do: “một số cây ngã đổ nằm chèn lên cây đứng bên cạnh, không lôi cây gãy, đổ ra được nên buộc phải cắt thêm những cây đứng này mới lôi được cây gãy ra”. Chưa hết, phía Cty Thái Dương còn tự ý bán gỗ thu gom khi chưa được sự cho phép của BQLRPH Phan Thiết. 

Những việc làm trên là do người của Cty Thái Dương tự ý làm, không báo cho BQLRPH Phan Thiết và cá nhân ông Dũng biết. Tuy nhiên, Công an tỉnh Bình Thuận lại buộc ông Dũng phải chịu trách nhiệm về việc làm trái pháp luật của Cty Thái Dương với lập luận: “Cty Thái Dương chỉ là người làm thuê cho BQLRPH Phan Thiết, việc xin cấp phép khai thác thuộc BQLRPH Phan Thiết – việc xin cấp phép thuộc trách nhiệm BQLRPH Phan Thiết”.

Việc Công an tỉnh Bình Thuận xác định hành vi vi phạm pháp luật của Cty Thái Dương mà không xử lý, không những thế còn đổ trách nhiệm cho ông Dũng là không công bằng, có dấu hiệu cố tình “buộc án, gán tội” cho ông Dũng.

Đọc thêm