Kích cầu du lịch nội địa sau Covid-19 lộ nhiều bất cập

(PLVN) - Từ tháng 5, chương trình “Người Việt đi du lịch Việt” được phát động nhằm kích cầu du lịch, giảm giá thành nhưng không giảm chất lượng đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập trên thực tế. Thực trạng dịch vụ có chất lượng “treo đầu dê bán thịt chó” bắt đầu xuất hiện nhan nhản, giảm uy tín của ngành du lịch Việt.
Chương trình kích cầu du lịch đang xuất hiện nhiều biến tướng.
Chương trình kích cầu du lịch đang xuất hiện nhiều biến tướng.

Bị lừa khi mua combo du lịch

Mấy ngày nay, trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều tài khoản facebook được cho là cộng tác viên, khách hàng của phòng vé Anh Anh (phố Núi Trúc, Hà Nội) đã chia sẻ các thông tin và hình ảnh minh chứng cho việc phòng vé này có dấu hiệu lừa đào.

Cụ thể, phòng vé này tung combo du lịch bao gồm vé máy bay và phòng khách sạn với giá siêu rẻ để thu hút khách hàng và cộng tác viên. Đơn cử, combo du lịch Hà Nội – Nha Trang 4 ngày 3 đêm chỉ có giá 1,7 triệu/người, khởi hành cuối tháng 7. Khách hàng được di chuyển bằng máy bay và ở tại khách sạn Queen Ann (Nha Trang). 

Cho đến gần ngày khởi hành, khách hàng vẫn không nhận được code vé, mã phòng khách sạn. Nghi ngờ có vấn đề không minh bạch, nhiều khách hàng liên hệ với cộng tác viên, chủ phòng vé hoặc đến thẳng trụ sở để hỏi thì mới tá hoả chủ phòng vé Anh Anh không liên lạc được, văn phòng khoá cửa. Còn các cộng tác viên cũng ú ớ không rõ đầu đuôi ra sao.

Về phía cộng đồng mạng đã đưa ra kết luận phòng vé này đã có dấu hiệu lừa đảo, với chiêu thức “tung mồi” giá rẻ để “ôm” một đống tiền rồi bỏ trốn. Tuy mới hoạt động từ tháng 6/2020, phòng vé này đã thu hút đông đảo thành viên tham gia bán hàng và khách hàng. Theo ước tính của các cộng tác viên bán hàng, số tiền thu được từ các chương trình combo đã bán có thể lên tới hàng tỉ đồng. 

Nếu là trước đây, có lẽ người dân sẽ cảnh giác hơn với những tua du lịch giá siêu rẻ, giá 0 đồng. Nhưng kể từ khi các chương trình kích cầu du lịch nội địa của Chính phủ được phát động, giá cả của các dịch vụ du lịch, lữ hành, cơ sở lưu trú tăng giảm thất thường.

Anh Xuân Cường (Hà Nội) chia sẻ: “Đầu tháng 6 tôi được đại lý bán vé báo giá vé khứ hồi từ Hà Nội vào Sài Gòn, khởi hành cuối tháng 6 là 1 triệu 299 ngàn đồng. Ban đầu còn do dự chưa xác định ngày đi nên tôi không đặt luôn, hai ngày sau hỏi lại thì đại lý báo rằng giá vé đã tăng lên 2 triệu 5, vé rẻ kia đã được đặt hết rồi”.

Cảnh báo combo du lịch giá rẻ lừa đảo.
 Cảnh báo combo du lịch giá rẻ lừa đảo.

Chính vì thị trường thay đổi thất thường nên các đại lý du lịch, cộng tác viên bán hàng thường “đánh” vào tâm lý ham rẻ của khách hàng, khuyến khích khách hàng “mua ngay kẻo hết”. Nhưng khi khách hàng “mở hầu bao” thì lại có muôn kiểu lý do để tăng giá. Ví như chỉ giảm thời gian đầu rồi phải tăng lại do Nhà nước đã thông báo hết dịch, do nhu cầu khách đặt quá cao nên người đặt sau phải trả thêm phụ phí, do hết chỗ nên hãng phải huỷ đơn đặt của khách hàng…

Bị hành khi xách va li lên đường

Khoảng nửa đầu tháng 7, cư dân mạng cũng lan truyền thông tin một đoàn khách 29 người dự kiến bay Hà Nội - Quy Nhơn của hãng hàng không Jetstar (nay là Pacific Airlines) khi đến sân bay rồi mới biết không có chỗ. Một hành khách phản ánh: “Chúng tôi bỏ tiền mua vé máy bay, xác nhận vé đầy đủ nhưng buổi sáng đến sân bay thì được đại diện hãng thông báo không có chỗ”. 

Bộ GTVT chỉ đạo nóng về việc giảm chậm, huỷ chuyến bay

Trước những bức xúc của người dân vì chậm, huỷ chuyến bay tăng cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể - Bộ Giao thông Vận tải đã có những chỉ đạo nóng về việc giảm chậm, huỷ chuyến bay.

Theo đó, Cục Hàng không, Quản lý bay và các hãng hàng không phải tìm ra nguyên nhân gốc rễ và giải quyết triệt để tình trạng này. Theo đó, Bộ trưởng chỉ rõ trách nhiệm là của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bán vé, chuẩn bị của các chuyến bay, xử lý nghiêm đối với các hãng hàng không không thực hiện đúng, thường xuyên dồn, huỷ chuyến làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. 

Theo video clip mà một nam hành khách ghi lại, đại diện hãng lấy lý do hãng đang thay đổi hệ thống nên chưa cập nhật kịp đoàn khách này. Mặc dù phía hãng hàng không bày tỏ sẽ nhanh chóng sắp xếp chuyến bay và bồi thường cho hành khách.

Những hành khách trong đoàn đành phải chấp nhận phương án của hãng nhưng vẫn khó có thể chấp nhận được lý do nêu trên. Bởi lẽ, “quên” một hai hành khách thì có thể hiểu được chứ cả một đoàn khách gần 30 người mà cũng bị “quên” nghe chừng vô lý.

Một số hãng hàng không gần đây cũng bị nhiều hành khách “tố” liên tục chậm trễ, trì hoãn chuyến bay nhưng không hề có sự giải thích, cáo lỗi với hành khách. Khách hàng bay trên các lộ trình “nóng” như Hà Nội – Sài Gòn, Hà Nội – Đà Nẵng, Nha Trang – Hà Nội… phản ánh họ phải chờ từ khoảng một tiếng đến từ 4-5 giờ đồng hồ để được lên chuyến bay của mình. Tình hình chậm chuyến bay gây ảnh hưởng không nhỏ đến lịch trình công việc của hành khách, đế lại ấn tượng xấu đối với hành khách…

Việc đi lại là thế, việc ăn ở cũng có nhiều vấn đề để nói. Mới đây, khách sạn Cát Bà Paradise (thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng) và đại lý bán hàng cũng bị một tài khoản trên Facebook “tố” vì thiếu chuyên nghiệp.

Vị khách này chia sẻ kế hoạch du lịch của đại gia đình gồm 40 người đi nghỉ ở Cát Bà, đã đặt trước 2 tháng nhưng đến gần ngày khởi hành lại được báo lại là khách sạn “hết phòng”. Đáng nói, cách giải quyết của khách sạn và đại lý này cứ lòng vòng đổ lỗi cho nhau. Đến cuối cùng, đại lý bán hàng gợi ý trả lại tiền để khách tự giải quyết với khách sạn. 

Quả thực, du lịch nội địa đang phát sinh nhiều bất cập. Lợi dụng chương trình kích cầu “Người Việt đi du lịch Việt”, nhiều công ty du lịch, lữ hành xây dựng tua giá rẻ, với những lời quảng cáo “có cánh” về chất lượng hòng thuyết phục khách hàng trả tiền. Khi khách hàng sử dụng dịch vụ mới biết chất lượng kém.

Về phía khách hàng, họ không có căn cứ, cơ sở nào để xác định đâu là dịch vụ thật – giả. Tình trạng này đã và đang làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam. Nếu không khắc phục, chính người Việt sẽ “ngại” đi du lịch Việt. 

Các địa phương rà soát hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch, lữ hành

Hiện nay, du lịch nội địa đang bước vào đợt cao điểm, tình trạng như trên không hề hiếm gặp. Các chuyên gia du lịch khuyên rằng du khách nên chọn các công ty du lịch, phòng vé uy tín, lâu năm, chuyên nghiệp để thực hiện kỳ nghỉ của mình, tránh tiền mất tật mang. Tuy nhiên, nếu nói như vậy lại rất thiệt thòi cho những công ty du lịch, lữ hành, cơ sở lưu trú, kinh doanh du lịch mới nổi và vẫn làm ăn chân chính trên thị trường. 

Để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Du lịch vừa có Văn bản số 898/TCDL-LH gửi Sở quản lý du lịch các tỉnh/ thành phố về việc yêu cầu việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ tại các địa phương.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch nội địa, Tổng cục Du lịch đề nghị các địa phương rà soát các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch, lữ hành Sở quản lý du lịch, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trái phép, không đúng chức năng, cung cấp các dịch vụ kém chất lượng cho khách du lịch.

Đồng thời chỉ đạo các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị vận chuyển khách du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch và cơ sở vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện tốt một số nội dung nhằm đảm bảo uy tín của ngành, quyền lợi của khách du lịch, quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch, thực hiện hiệu quả Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, kích cầu du lịch nội địa.