Như Báo PLVN đã thông tin trước đó ngày 20/10, lãnh đạo thành phố Long Xuyên cũng đã có buổi gặp gỡ với các tiểu thương đã có thông báo đồng ý cho các hộ tiểu thương được mua bán lẻ tại chợ Long Xuyên.
Tuy nhiên UBND sẽ sắp xếp các lô sạp lại theo đó mỗi hộ tiểu thương được cấp 01 lô diện tích 3m2. Hộ tiểu thương nào có nhu cầu di dời xuống chợ Cái Sao thì sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng, nếu hộ nào di dời trước ngày 31/12/2016 thì sẽ được khen thưởng hỗ trợ thêm 5 triệu đồng. Không thống nhất với thông báo của UBND TP Long Xuyên, các tiểu thương mong được xem xét.
Tại buổi làm việc, mỗi tiểu thương trình bày những khó khăn và sự bất hợp lý xung quanh việc cải tạo nâng cấp chợ và di dời tại chợ Long Xuyên. Tất cả các tiểu thương đều tha thiết mong muốn tiếp tục được kinh doanh buôn bán tại chợ Long Xuyên vì việc mua bán hiện đã ổn định, có thể nuôi sống bản thân và gia đình, lo lắng cho con cháu ăn học, thành người. Nếu di dời thì tiểu thương sẽ rất cực khổ, khó khăn.
Tiểu thương Nguyễn Thị Ánh buồn bã cho biết, bà đã mua bán mấy chục năm nay tại chợ này. Ban đầu có thông báo xây dựng chợ Long Xuyên bà con vô cùng mừng. “5, 6 năm buôn bán ở ngã 3 chịu biết bao nhiêu khổ cực mới vào được chợ ổn định, năm nay thông báo cải tạo, di dời mà còn rút diện tích lô sạp. Lý do nào mà rút diện tích của chúng tôi. Từ khi có thông báo mấy tháng nay, tiểu thương vô cùng bàng hoàng, lo lắng không làm ăn được gì”.
“Sau khi có ý kiến tại cuộc họp ngày 20/10 thì đã có 3 người, trong đó có người xưng là công an đến nhà ông lúc 8 giờ tối rồi bảo ông khi tiếp xúc lãnh đạo thì có ý kiến ít thôi, chỉ ý kiến chuyện của mình thôi, đừng ý kiến chuyện của người khác”, ông Trương Văn Dũng nói trong sự nghi ngại. Từ đó người dân đặt vấn đề có lợi ích, chia chác gì trong vấn đề này hay không, tại sao công an tìm đến nhà dân lúc nửa đêm mà không có chủ trương hay nội dung gì?
Có phản ứng khá quyết liệt, chị Nguyễn Thị Du Loan nói: “Chợ Long Xuyên chúng tôi buôn bán từ đời ông cha nay đa số người buôn bán ở đây đều là vựa cho đến đại lý hàng chục mét vuông nay lấy lại chỉ còn 3m2 thì có thỏa đáng cho người dân hay không, công lý nằm ở đâu. Không ép chúng tôi sang chợ tư nhân nhưng lại ép bằng cách rút diện tích tích lô còn 3m2. Di dời đâu chỉ là mang cái rổ rau đi mà chúng tôi đã xây dựng như nhà ở, đầu tư hết tiền của vào đây”.
Trước những bức xúc của người dân nêu ra tại buổi gặp tiểu thương, ông Đỗ Tấn Kiết - Chủ tịch UBND TP Long Xuyên phát biểu: “Chợ Long Xuyên là của Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, cải tạo, sắp xếp lại chợ là quyền của Nhà nước”.
Theo đó, TP sẽ vẫn giữ ý kiến các tiểu thương có thể chọn mua, bán ở chợ Long Xuyên hoặc chợ Cái Sao. Việc cải tạo, di dời chợ Long Xuyên vẫn sẽ được tiến hành như kế hoạch, theo đó các tiểu thương chỉ được buôn bán đến ngày 31/12/2016. Sau khi chợ Long Xuyên cải tạo sẽ sắp xếp cho mỗi hộ tiểu thương 1 lô có diện tích 3m2, còn dư lại 16 lô sẽ chia tiểu thương trước đây có diện tích lô sạp lớn theo thứ tự.
Ông Lâm Quang Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng đồng tình chủ trương cải tại, sắp xếp di dời tại chợ Long Xuyên. Ông Thi cho biết, hoạt động mua, bán thương mại ở tỉnh rất lớn, nhu cầu phát triển chợ là tất yếu, xu hướng này càng phát triển, đòi hỏi phải có nhiều chợ hơn cho tiểu thương mua bán. Việc cải tạo, sắp xếp lại chợ để đảm bảo vấn đề vệ sinh trật tự, văn minh, phòng cháy chữa cháy.
Đồng thời, ông Thi đề nghị TP Long Xuyên nên công khai mặt bằng chợ Long Xuyên trước và sau khi tiến hành để bà con biết. Riêng đối với việc sang nhượng lô sạp giữ các tiểu thương, ông Thi yêu cầu TP điều tra làm rõ ai là người tiếp tay trong việc này. Bởi vì theo hợp đồng cho thuê thì các tiểu thương không được tự ý sang nhượng lô sạp kể cả ban quản lý chợ. Bên cạnh đó, tiểu thương nào đã tham gia sang nhượng lô sạp thì làm đơn gửi UBND để xem xét giải quyết.
Sau ý kiến của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi, bà con tiểu thương chưa kịp ý kiến thì các lãnh đạo của UBND TP đã “vội vàng” kết thúc buổi làm việc. Lãnh đạo tỉnh An Giang và TP Long Xuyên nhanh chóng ra về trong sự bàng hoàng và phẫn nộ bà con tiểu thương. Nhiều tiểu thương bức xúc: “Gặp gỡ và tiếp xúc để lắng nghe ý kiến của người dân để ra quyết định cho “có tình, có lý” nhưng chưa nghe hết ý kiến của người dân đã bỏ về như vậy thì có thuận lòng dân!?”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến bạn đọc!